Kỳ vọng sau những giải thưởng du lịch
Trong những năm qua, các giải thưởng, bình chọn quốc tế đã mang đến cho du lịch Việt Nam diện mạo mới. Tuy nhiên, đằng sau 'ánh hào quang', phải làm gì để giữ vững được vị thế đang là câu hỏi được đặt ra.
Sau một thời gian phát động, Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương được ví như giải “Oscar du lịch” vừa chính thức khép lại vòng bình chọn. Theo đó, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục được đề cử tại nhiều hạng mục quan trọng như: Điểm đến du lịch biển hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến di sản hàng đầu châu Á... Ở cấp độ địa phương, Sở Du lịch TP Hà Nội và TPHCM nằm trong danh sách Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. Sở Du lịch Quảng Nam được đề cử danh hiệu cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á.
Trước đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam 4 lần được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á vào các năm 2017, 2021, 2022, 2023; du lịch Việt Nam 4 lần được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, 2 lần là Điểm đến golf tốt nhất thế giới và 6 lần là Điểm đến golf tốt nhất châu Á, 5 lần là Điểm đến hàng đầu châu Á.
Không chỉ góp mặt ở các giải thưởng du lịch uy tín quốc tế, các điểm đến của du lịch Việt Nam cũng được nhiều tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao. Trong danh sách mới công bố của Tripadvisor, Hà Nội đã vinh dự lọt vào top 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, sánh vai cùng những thành phố nổi tiếng như Paris, Barcelona và Tokyo. Ngoài ra, Tripadvisor cũng xếp trải nghiệm chuyến đi khám phá vịnh Lan Hạ, vịnh Hạ Long và đảo Đầu Bê, đứng vị trí thứ 3 và trải nghiệm thuyền thúng ở rừng dừa Cẩm Thanh, thành phố Hội An, xếp thứ 19 trong Top 25 trải nghiệm du lịch trên thuyền thú vị nhất thế giới năm 2024.
Có thể nói, thông qua các giải thưởng Việt Nam đang “ghi điểm” với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, đằng sau những thành công, nhìn từ thực tiễn du lịch Việt Nam cũng cho thấy vẫn còn những điểm yếu. Trong đó, hạn chế lớn nhất của du lịch Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu tính bền vững và khả năng cạnh tranh còn yếu trên thị trường quốc tế.
Đã có nhiều giải pháp, đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch phát triển một cách toàn diện, bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng cũng còn đó “rào cản” khiến du lịch Việt Nam chưa thể bứt phá như kỳ vọng.
Và mặc dù du lịch Việt Nam liên tiếp “thắng lớn” tại giải thưởng, nhưng đây cũng “phép thử” cho những người làm du lịch “không ngủ quên sau chiến thắng”. Theo Cục trưởng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy rất cần sự chung tay của các ngành để du lịch có thể phát triển đồng bộ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho khách du lịch, đáp ứng được thị hiếu đa dạng của du khách hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.
“Chúng ta thấy rõ điểm nghẽn lớn nhất của du lịch Việt Nam là thiếu tính liên kết, hợp tác. Hiện nay, một số cơ quan, ban, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết, phối hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng du lịch, trong khi điều này có thể mang đến nhiều kết quả tích cực” - ông Khánh cho biết.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ngành du lịch cần tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển sản phẩm đồng bộ theo hướng đa dạng, khác biệt. Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh loại hình du lịch biển gắn với hệ thống sản phẩm nghỉ dưỡng, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và thể thao biển có quy mô và chất lượng cao; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tìm hiểu truyền thống văn hóa, lối sống địa phương...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-sau-nhung-giai-thuong-du-lich-10287362.html