Kỳ vọng lớn từ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ là sự khẳng định về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước mà còn là cơ hội để mở ra những hợp tác mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung (Ảnh: Trí Dũng – TTXVN).

Cơ hội hợp tác nhiều lĩnh vực

Ông Hoàng Quần sinh năm 1932 tại Quảng Đông, Trung Quốc, nguyên Cục trưởng Cục 2, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, nhà phiên dịch cho lãnh đạo Việt - Trung những ngày đầu.

Đến nay, dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn miệt mài đóng góp vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đánh giá về chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Hoàng Quần cho rằng, chuyến thăm không chỉ là sự khẳng định về quan hệ thân thiện giữa hai nước mà còn là cơ hội để mở ra những hợp tác mới.

Ông tin rằng, qua chuyến thăm này, hai nước có thể củng cố hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giao lưu văn hóa.

Theo ông, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn quan trọng, không chỉ dựa trên tình bạn lâu dài mà còn do thấy khả năng hợp tác rộng lớn.

Khi nói về định vị mới của quan hệ, nhà ngoại giao từng là Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Quảng Đông, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Quảng Đông đề xuất nên tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ hai nước.

"Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong giới trẻ sẽ là nhân tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ bền vững và thúc đẩy sự phát triển chung sau này", ông nhấn mạnh.

Điều này vốn đã được hai lãnh đạo Đảng Việt Nam – Trung Quốc rất chú trọng. Bất chấp lịch trình dày đặc trong chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, hai lãnh đạo Đảng đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc, đề cao tầm quan trọng của nhân sỹ, thế hệ trẻ với tương lai quan hệ hai bên.

Trong cuộc gặp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm kỳ vọng các nhân sĩ và thanh niên hai nước sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc này, phát triển quan hệ Việt - Trung vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả, đúng như tinh thần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Chủ tịch Mao Trạch Đông rất hoan nghênh, chia sẻ là "mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Hai Tổng bí thư và phu nhân chụp ảnh cùng nhân sỹ và thế hệ trẻ hai nước (Ảnh: Hòa Đinh).

Còn Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh mối tình hữu nghị Việt - Trung có nền tảng ở người dân mà thanh niên là tương lai.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình mong muốn, thanh niên sẽ là người kế thừa tình hữu nghị Trung - Việt, tích cực góp phần tăng cường hợp tác có lợi cho sự phát triển của hai nước.

Trao đổi về sự giao lưu nhân dân giữa vấn đề hợp tác thương mại Việt - Trung, Ông Hoàng Quần còn đề xuất, nên sớm thành lập "Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc" cho cân bằng với tổ chức "Hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam" đã thành lập ở Việt Nam hơn 20 năm qua.

Ông bày tỏ, tuy Việt Nam hiện nay mới chỉ có Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, nhưng tổ chức này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và được công nhận rộng rãi tại Trung Quốc.

"Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc sẽ không chỉ là một sân chơi chung cho cộng đồng doanh nhân Việt kiều đang sinh sống tại Trung Quốc, mà còn là một phần quan trọng cho công tác ngoại giao kinh tế và đối ngoại nhân dân", ông nói.

Ông đặt niềm tin vào giới nhân sỹ và tầng lớp trí thức của cộng đồng doanh nhân Việt Nam cũng như Trung Quốc, khẳng định họ sẽ góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Những tình cảm sâu sắc với Việt Nam

Ông Hoàng Quần sinh năm 1932 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nhưng đã theo mẹ sang Việt Nam từ năm mới 6 tuổi. Những tình cảm gắn bó với Việt Nam từ tấm bé đã khiến ông coi đây là quê hương thứ hai.

Nhờ khả năng về ngôn ngữ và hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam, ông đã được chọn tham gia phiên dịch trong Đoàn Cố vấn do Trung Quốc cử sang Việt Nam từ năm 1953.

Trò chuyện với phóng viên, ông không quên bất cứ chi tiết nào về thời điểm cách đây 70 năm khi được lựa chọn làm phiên dịch ngoại giao, kết nối Việt Nam – Trung Quốc những ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hoàng Quần (bên phải) năm 6 tuổi tại Thái Nguyên, Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau này, ông đã trở thành cầu nối quan trọng trong giao tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong vai trò phiên dịch cho các lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai.

Ông Hoàng Quần nhớ nhất kỷ niệm năm 1956 khi được chọn làm cầu nối ngôn ngữ khi Thủ tướng Chu Ân Lai lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam.

Nhận được thông báo sẽ làm phiên dịch cho đoàn, chàng trai Hoàng Quần năm đó đã căng thẳng và hồi hộp đến nỗi mất ngủ.

"Dù trước đó tôi đã thường xuyên dịch cho các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên, tôi phiên dịch cho lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc", ông kể.

Nỗi lo lắng lên đến đỉnh điểm khi ông dịch bài diễn văn của Thủ tướng Chu Ân Lai trong tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì.

"Do quá hồi hộp nên tôi đã cảm thấy choáng váng, chóng mặt và không thể đứng vững. Nhân viên lễ tân ở bên cạnh phải nhanh chóng đỡ tôi ngồi xuống. Mất vài giây định thần, tôi mới tỉnh táo trở lại", ông kể.

Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Hoàng Quần.

Theo ông, đây biểu hiện của là chứng "sợ hãi sân khấu" mà một số phiên dịch viên ngoại giao cấp cao thường mắc phải khi dịch lần đầu tiên cho sự kiện lớn.

Kỷ niệm này đã trở thành dấu mốc không thể quên trong suốt trong sự nghiệp dịch thuật của ông. Chính "cú sốc" để đời đã thôi thúc cho ông tích cực rèn luyện về tâm lý và trau dồi kiến thức để trở thành một phiên dịch giỏi sau này.

Qua những lần phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao hai nước, ông Hoàng Quần có nhiều cơ hội hiếm có khi được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chu Ân Lai… Từ đây, ông cảm nhận sâu sắc những nhân cách vĩ đại và trực tiếp chứng kiến nhiều chi tiết trong những mốc son lịch sử quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2019, ông Hoàng Quần vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng "Huân chương Hữu nghị", ghi nhận những đóng góp tích cực của ông trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2021, ông tiếp tục biên dịch sang tiếng Trung và xuất bản cuốn "Quyền sư" của tác giả Trần Việt Trung, viết về câu chuyện cảm động có thật, kể về một võ sư Vịnh Xuân quyền của Trung Quốc tại Việt Nam.

Trang Trần

An Nhiên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ky-vong-lon-tu-chuyen-tham-cua-chu-tich-tap-can-binh-192231223212321127.htm