Bà Lê Thi vừa qua đời ngày 28/8, ngay trước thềm kỷ niệm 75 năm sự kiện trọng đại (2/9/1945) mà bà được vinh dự góp mặt.
Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám - Mốc son lịch sử” đang diễn ra ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày một số hiện vật liên quan đến bà Lê Thi - một trong hai phụ nữ được chọn kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Cùng kéo cờ với bà Lê Thi hôm đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh: Thạch Thảo.
Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926, quê xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, là con gái của nhà nghiên cứu, nhà giáo Dương Quảng Hàm (hiệu trưởng Trường Bưởi). Ngày 2/9/1945, bà vinh dự là một trong hai người phụ nữ được chọn để giương cao lá cờ trong buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập. Sau năm 1945, bà tiếp tục hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Năm 1956, bà được cử đi học lớp Lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên. Sau đó, bà được phong hàm giáo sư triết học và cử về Viện triết học Việt Nam. Bà vừa mới qua đời ngày 28/8, ngay trước thềm kỷ niệm 75 năm sự kiện trọng đại mà bà được góp mặt, thọ 95 tuổi.
Phù hiệu của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô - kỷ vật bà Lê Thi dùng trong những ngày Toàn quốc kháng chiến tại Thủ đô Hà Nội năm 1946.
Huân chương Lao động hạng Ba - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng giáo sư Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) nguyên Giám đốc Trung tâm Gia đình và giới (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 18/1/2008.
Giấy chứng nhận chức danh "Giáo sư" - Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước phong chức danh giáo sư ngành Triết học cho bà Lê Thi thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, năm 1992.
Áo dài bà Lê Thi mặc khi dự mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, năm 2015.