Ký ức về những năm tháng hào hùng

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về một thời hào hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại được hồi tưởng trong tâm trí của những người lính trên quê hương Hưng Yên đã từng 'vào sinh ra tử' trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. May mắn trở về sau cuộc chiến, được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước, họ càng thêm tự hào vì đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.CỰU CHIẾN BINH VŨ VĂN NGOẠI, THÔN ÐA QUANG, THỊ TRẤN VƯƠNG (TIÊN LỮ):Nhớ mãi một thời hoa lưảLần giở cho chúng tôi xem những phần thưởng cao quý, những kỷ vật được cựu chiến binh Vũ Văn Ngoại, thôn Ða Quang, thị trấn Vương (Tiên Lữ) lưu giữ suốt mấy mươi năm, ông không giấu nổi sự xúc động và niềm tự hào. Cựu chiến binh Ngoại nhớ lại: Năm 1971, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tháng 11/1972, tôi cùng đồng đội hành quân bộ vượt đường Trường Sơn để vào Nam. Luyện tập gian khổ, nhưng tôi cùng đồng đội không nghĩ chặng đường vào Nam lại khốc liệt như vậy. Chúng tôi phải ngày nghỉ đêm đi để tránh máy bay địch. Ðường hành quân xa, thiếu thốn lương thực, nhiều bữa chúng tôi phải ăn rau rừng, uống nước suối cầm hơi. Nhiều người đổ bệnh vì sốt rét hoặc bị rắn, côn trùng độc cắn. Hơn nửa năm hành quân, người này ốm thì nhờ người khỏe vác quân trang hộ. Ai không thể đi thì đồng đội dìu đi hoặc thay nhau cáng. Cũng có nhiều đồng đội đã hi sinh. Gian khổ, ác liệt, nhưng tôi và đồng đội vẫn bừng bừng khí thế với quyết tâm không bao giờ chùn bước. Tháng 5/1973, chúng tôi đến chiến trường miền Tây Nam Bộ, tôi được biên chế vào đơn vị C2, D269 đóng quân tại tỉnh Tiền Giang. Tại đây, tôi đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh.

Cựu chiến binh Vũ Văn Ngoại, thôn Đa Quang, thị trấn Vương (Tiên Lữ) ôn lại một thời hoa lửa

Cựu chiến binh Vũ Văn Ngoại, thôn Đa Quang, thị trấn Vương (Tiên Lữ) ôn lại một thời hoa lửa

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước sang giai đoạn tổng công kích, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đánh vào căn cứ địa Ðồng Tâm, khống chế lộ 4 ngăn quân địch. Theo đó, đơn vị tôi chia thành 2 mũi tiến công, tôi được phân công nhiệm vụ theo mũi 2 chặn đánh xe tăng địch trên lộ 4. Với đặc thù là tiểu đoàn đặc công nên nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Những trận đánh chủ yếu theo lối lấy ít đánh nhiều, mỗi trận đánh chỉ 5-7 người tham gia, trên người ngụy trang bằng cỏ, lá cây rừng. Nhiều lần, sau mỗi trận phục kích đánh địch, tôi bị dây thép gai cào đến rỉ máu nhưng tôi không cảm thấy đau, mà thấy vui vì đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 30/4, nghe tin quân ta giành chiến thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, ai cũng vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, đồng đội chúng tôi ôm chặt lấy nhau reo hò, vui sướng.

Sau những năm tháng chiến đấu, gửi lại thanh xuân nơi chiến trường khốc liệt, cuối năm 1976, ông Ngoại trở về quê hương. Mang trên mình vết thương chiến tranh, song phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngoại tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Từ năm 2020 đến nay, gia đình ông ủng hộ hơn 500 triệu đồng xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn… Hiện nay, ông tích cực phát triển kinh tế gia đình, vận động con cháu xây dựng gia đình văn hóa, góp công, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

CỰU CHIẾN BINH NGUYỄN QUANG HUY, THÔN NHÂN NỘI, XÃ TÂN TIẾN (VĂN GIANG):

Sống, chiến đấu thay đồng đội đã hi sinh

Mỗi độ tháng 4 về, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy, sinh năm 1940 ở thôn Nhân Nội, xã Tân Tiến (Văn Giang) lại bồi hồi nhớ về một thời đấu tranh oanh liệt, vĩ đại của dân tộc, xúc động khi nhớ về các đồng đội đã anh dũng hi sinh. Ông luôn tâm niệm bản thân sống và chiến đấu thay đồng đội đã hi sinh.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy giáo dục con, cháu truyền thống yêu nước qua các kỷ vật thời chiến

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy giáo dục con, cháu truyền thống yêu nước qua các kỷ vật thời chiến

Năm 1960, ông Huy nhập ngũ, được biên chế về Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. Ông đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972)… Nhưng với ông, trận chiến đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là kỷ niệm sâu sắc nhất. Cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy bồi hồi nhớ lại: “Ngày 7/4/1975, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký bức điện khẩn với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện ấy là mệnh lệnh cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hành quân ngày đêm tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn.

Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Huy là Trợ lý tác chiến của Quân đoàn 1, có nhiệm vụ tham mưu Bộ Tư lệnh Quân đoàn phương án tác chiến đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Rạng sáng ngày 30/4/1975, các tiểu đoàn pháo binh của ta bắn vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi các đơn vị tiền tiêu đã chiếm đóng các cứ điểm của ngụy, đúng 13 giờ ngày 30/4/1975, ông Huy cùng Tư lệnh Quân đoàn 1 có mặt tại Dinh Ðộc lập. Ông Huy chia sẻ: Do nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch chính xác, kịp thời, các trận chiến tại Sài Gòn diễn ra thuận lợi hơn, địch chỉ có hai lựa chọn là đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Khi các đơn vị bộ đội của ta tiến về Sài Gòn, người dân phấn khởi tràn ra đường, hò reo vẫy chào. Khi Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn - Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi không kìm được nước mắt, ôm chầm lấy nhau, đó là nước mắt của niềm hạnh phúc, sự sung sướng đến tột độ. Sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ông Huy về công tác tại Cục tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; tham gia các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1988, ông Huy làm Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1991, do hoàn cảnh gia đình, ông Huy làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Với những thành tích trong chiến đấu, ông Huy được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba…

Nghẹn ngào khi nhớ về những đồng đội hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, ông Huy cảm thấy mình may mắn khi có thể trở về, được chứng kiến những đổi thay của quê hương, đất nước. Hằng ngày, ông luôn căn dặn, nhắc nhở các con, cháu sống có ích, phấn đấu học tập và lao động, xứng đáng với những hi sinh vô giá của thế hệ cha ông đi trước.

Chiến dịch Hồ Chí Minh trong ký ức cựu chiến binh Ðỗ Ngọc Thanh

Trong không khí những ngày xuân lịch sử của 50 năm về trước, những ký ức một thời hoa lửa, niềm vui chiến thắng như những thước phim quay chậm qua lời kể của cựu chiến binh Ðỗ Ngọc Thanh, xã An Viên (Tiên Lữ).

Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Thanh, xã An Viên (Tiên Lữ)

Cựu chiến binh Đỗ Ngọc Thanh, xã An Viên (Tiên Lữ)

Tháng 12/1972, cùng với bao chàng trai của địa phương, chàng thanh niên Ðỗ Ngọc Thanh 17 tuổi đã lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị C4, Sư đoàn 350, đóng quân ở tỉnh Quảng Ninh. Sau một thời gian được huấn luyện, đơn vị được lệnh hành quân vào miền Nam, chuẩn bị toàn lực cho chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trên đường hành quân vào miền Nam, ông Thanh là một trong số các chiến sĩ được phân về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Lúc đó ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ chính là bảo đảm thông tin liên lạc và trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông Thanh nhớ lại: Vào lúc 17 giờ ngày 29/4/1975, Trung đoàn dừng lại ở ngã tư Búng chuẩn bị tiến công địch ở Chi khu quân sự Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Quận Lái Thiêu nằm trên đường 13, cách Sài Gòn 15km, là cửa ngõ của tuyến tử thủ cuối cùng của địch ở phía Bắc Sài Gòn. Các vị trí địch trong khu vực đều được bố trí kiên cố, liên hoàn với nhau, có hơn 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ chướng ngại vật và hào chiến đấu. Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 29/4, đơn vị chúng tôi được phổ biến phương án tác chiến, đến 3 giờ sáng ngày 30/4, các tiểu đoàn vào đúng vị trí và nhận lệnh tấn công. Trên các hướng, bộ binh xung phong đánh vào các mục tiêu theo kế hoạch. Ðịch bị bất ngờ, không kịp nổ súng chống trả, lính ở các chốt tiền duyên hạ vũ khí đầu hàng. Sau đó, tôi cùng các chiến sĩ trong đội hình Sư đoàn 320B tiến vào đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu ngụy cho đến khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Ðộc lập vào hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, vượt qua rất nhiều tình huống hiểm nghèo gắn liền với những sự kiện lịch sử, năm 1978, ông được giao chức vụ Chính trị viên Ðại đội; năm 1986, ông được phong quân hàm Ðại úy. Là bệnh binh, di chứng từ chất độc da cam khiến sức khỏe của ông bị giảm sút, nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tinh thần gương mẫu của đảng viên vẫn ngời sáng trong ông. Khi trở về địa phương, từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư chi bộ... ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là những người đã từng đi qua chiến tranh, may mắn trở về với cuộc sống đời thường, ông Ngoại, ông Huy, ông Thanh cùng các đồng đội vẫn luôn trân trọng giá trị của hòa bình và giữ trọn vẹn tinh thần, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến, tham gia lao động, sản xuất; khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay phát huy truyền thống cha ông, ra sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nhóm PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ky-uc-ve-nhung-nam-thang-hao-hung-3180837.html