Ký ức tuổi xuân ở 'phòng tuyến' Xuân Lộc

Để phá tan 'cánh cửa thép' Xuân Lộc (nay thuộc địa phận huyện Xuân Lộc và thành phố Long Khánh), mở đường cho Quân giải phóng tiến về Sài Gòn, quân dân địa phương đã luôn sát cánh cùng các đơn vị chủ lực trong Chiến dịch Xuân Lộc kéo dài 12 ngày đêm (từ ngày 9-4-1975 đến ngày 21-4-1975).

Tượng đài Chiến thắng Long Khánh được đặt tại cửa ngõ vào trung tâm thành phố Long Khánh ghi dấu những ngày tháng 4-1975 lịch sử. Ảnh: Đ.Tùng

Sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), họ lại tiếp tục cùng nhau bám trụ, xây dựng vùng đất Long Khánh phát triển như ngày hôm nay.

* “Mở đường” thần tốc

Cuối tháng 3-1975, sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Quân đội Sài Gòn đã tổ chức phòng tuyến Xuân Lộc (kéo dài từ khu vực xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) đến khu vực xã Suối Tre (thành phố Long Khánh hiện nay) trở thành “cánh cửa thép” để “tử thủ” Sài Gòn. Quân đội Sài Gòn tập trung rất nhiều đơn vị ở phòng tuyến Xuân Lộc gồm: Sư đoàn 18 (với hậu cứ ngay trong thị xã Long Khánh, nay là thành phố Long Khánh) và các đơn vị lính nhảy dù, thiết giáp, biệt động quân, thủy quân lục chiến… với mục tiêu giữ chặt phòng tuyến Xuân Lộc bằng bất cứ giá nào, đặc biệt sẽ cản bước của Quân giải phóng tiến về Sài Gòn.

Vì vậy, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc, đập tan phòng tuyến Xuân Lộc. Lực lượng tham gia chiến dịch của Quân giải phóng gồm: Quân đoàn 4 (Sư đoàn 1, Sư đoàn 7, Trung đoàn độc lập 95B, Sư đoàn 6 tăng cường trong đội hình Quân đoàn 4) và các lực lượng vũ trang địa phương.

Năm 1976, thành phố Long Khánh hiện nay nằm trong địa giới hành chính huyện Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai. Đến năm 1991, huyện Xuân Lộc tách thành 2 huyện Xuân Lộc và Long Khánh. Năm 2003, thành lập thị xã Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, thành phố Long Khánh được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Khánh.

Ông Nguyễn Tá Dẫn (72 tuổi, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 7, hiện ngụ phường Xuân Thanh, thành phố Long Khánh) kể, để chuẩn bị cho cuộc tấn công đập tan phòng tuyến Xuân Lộc, ông đã cùng các đồng đội xâm nhập vào tỉnh lỵ Long Khánh để trinh sát. Qua đó, nắm tình hình đóng quân, thói quen hoạt động, các công sự vừa được củng cố của đối phương để chọn hướng tấn công hiệu quả.

Đúng 5h45 ngày 9-4-1975, pháo chiến dịch 130 ly (pháo tầm xa của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ của địch trong thị xã Long Khánh, mở màn Chiến dịch Xuân Lộc.

Đến đêm 12-4, thực hiện phương án tác chiến mới của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các sư đoàn chủ lực chỉ để lại một tiểu đoàn chốt giữ các mục tiêu đã chiếm được, khẩn trương củng cố trận địa và bàn giao toàn bộ cho lực lượng vũ trang Xuân Lộc, cơ động chuyển thế trận.

Rạng sáng 13-4, toàn bộ lực lượng chủ lực Quân đoàn 4 rút ra ngoài thị xã. Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang địa phương Xuân Lộc, thị xã Long Khánh càng nặng nề, ác liệt hơn, tiếp tục bám trụ địa bàn làm nhiệm vụ chiến đấu trong thị xã Long Khánh.

Các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu giải phóng Long Khánh ôn lại kỷ niệm những ngày tháng 4-1975.

Ông Dương Hòa Hiệp (67 tuổi, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên là du kích xã Bảo Định, hiện ngụ phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh) kể: “Nhiệm vụ của các đơn vị địa phương là chia nhỏ thành nhiều bộ phận, nắm tình hình địch trong thị xã. Khi chiến dịch bắt đầu sẽ dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tấn công. Khi đó, giữa các đơn vị quân giải phóng và quân dân địa phương sẽ có ký hiệu nhận ra nhau. Không chỉ vậy, chúng tôi còn có nhiệm vụ kìm chân địch tại một số vị trí để chặn đối phương “tập hậu” vào các cánh quân chủ lực đi sau”.

Từ ngày 16 đến 20-4-1975, tự vệ, du kích phối hợp với công nhân nổi dậy giải phóng nhiều địa phương tại thị xã Long Khánh như: Bình Lộc, Suối Tre, Cấp Rang… Trước áp lực từ các cánh quân tấn công dồn dập, khuya
20-4-1975, địch rút chạy khỏi thị xã Long Khánh; đến sáng 21-4-1975, Quân giải phóng vào tiếp quản thị xã Long Khánh. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn được mở.

* Gấp rút tái thiết Long Khánh

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thị xã Long Khánh là một trong những khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt. Do đó, có đến hơn 60% khu vực trung tâm thị xã bị hư hại; khu vực vùng ven thị xã bị tan hoang vì bom đạn.

Cùng với đó, thị xã Long Khánh cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của địch, nơi đồn trú của nhiều đơn vị Quân đội Sài Gòn, các đơn vị này tan rã tại chỗ với hơn 16 ngàn người. Vì vậy, sau ngày giải phóng, thị xã Long Khánh là địa bàn khá phức tạp.

Do đó, Thị ủy, Ủy ban Quân quản thị xã đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt cần thực hiện ngay là: xây dựng chính quyền cách mạng các cấp; ổn định đời sống nhân dân; khắc phục hậu quả chiến tranh; giữ vững tình hình trật tự an toàn xã hội. Nhất là việc phát động nhân dân tham gia thu gom vũ khí đạn dược của địch bỏ lại, tiến hành rà phá bom mìn, phục vụ nhân dân phát triển sản xuất.

Ông Trần Văn Phú (75 tuổi, nguyên chiến sĩ Công binh xưởng thị xã Long Khánh, hiện ngụ phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh) tâm sự: “Ngay sau khi thị xã Long Khánh được giải phóng, chúng tôi phải khoanh vùng các khu quân sự, các căn cứ của địch để rà phá mìn. Vì trước đó, để chặn bước tiến của Quân giải phóng, địch đã gài rất nhiều loại mìn, từ loại chống bộ binh đến chống xe tăng. Nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là đào tạo ngay các tân binh để có lực lượng rà, tháo gỡ các loại mìn nhằm giúp bà con đi lại được an toàn”.

Thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, Đảng bộ, chính quyền thị xã Long Khánh bằng các biện pháp vừa kêu gọi, tuyên truyền, vận động những người tham gia chế độ cũ, vừa truy lùng, trấn áp tàn quân địch để họ ra trình diện và tham gia học tập cải tạo. Ban quân quản các cấp thông báo thời gian, địa điểm tập trung, nêu rõ mục đích, yêu cầu tập trung học tập, làm cho người đi học tập và gia đình họ an tâm, động viên người thân đi học tập, sớm hội nhập cuộc sống mới.

Ông Dương Hòa Hiệp bộc bạch, công cuộc bảo vệ an ninh trật tự chống mọi hoạt động phá hoại, gây rối của các tàn dư chế độ Sài Gòn được tiến hành tích cực và kịp thời. Được sự chỉ đạo của Đảng bộ, lực lượng vũ trang địa phương đã bám chắc cơ sở, phát động phong trào quần chúng liên tục mở nhiều đợt truy quét, tấn công tiêu diệt địch, đảm bảo sự ổn định của chính quyền non trẻ ở đô thị Long Khánh.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202404/ky-uc-tuoi-xuan-o-phong-tuyen-xuan-loc-b5912e6/