Ký ức Tàu Ô… một thời hoa lửa

Đã 50 năm trôi qua, những trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong 150 ngày đêm vẫn còn in đậm trong tâm trí của những người đã từng sống, chiến đấu nơi mảnh đất Tàu Ô - Xóm Ruộng. Đó là những câu chuyện bi tráng về sự cam go, khốc liệt của chiến tranh rất anh dũng và nhiều đau thương, mất mát. Đó là những ký ức về đồng chí, đồng đội, đồng bào, về tuổi thanh xuân tươi đẹp. Đó là những tình cảm nhớ thương về đồng đội, trăn trở khi chưa tìm được đồng đội đã hy sinh…

Cố Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4:

Trong cuộc đời chiến trận kéo dài gần 30 năm của tôi có biết bao kỷ niệm, bao dấu ấn hào hùng oanh liệt lẫn với bao hình ảnh bi tráng trên mọi chiến trường. Nhưng 150 ngày đêm trong chiến dịch Nguyễn Huệ (đường số 13) để lại trong tâm khảm tôi những hình ảnh và kỷ niệm sâu đậm của một đời chiến trận.

Trên đường 13 máu lửa, Sư đoàn 7 chúng tôi đối mặt với một đội quân hung bạo, được trang bị vũ khí hiện đại và tối tân. Đây là những trận đánh kéo dài, liên tiếp, với cường độ bão lửa to lớn, giằng co khốc liệt... Đây là tuyến bàn đạp cực kỳ quan trọng cả về mặt chiến lược cũng như giá trị tác chiến, chiến thuật. Nếu giữ được, quân ta có thể phát triển xuống trung tuyến; nếu mất, địch sẽ có cơ hội để có thể chiếm lại các vùng giải phóng Lộc Ninh, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long.

Vì vậy, quân địch đã huy động 3 sư đoàn bộ binh (21, 25, 5), 2 lữ đoàn dù, 3 lữ đoàn biệt động quân, 2 trung đoàn thiết giáp cùng hàng trăm khẩu pháo, hàng ngàn lượt máy bay cùng phi pháo luân phiên và liên tục phản kích hòng đẩy chúng tôi ra khỏi trận địa chốt chặn.

Có lúc quân địch đã chiếm được một số chốt cô lập, gây tổn thất cho các chốt còn lại. Nhưng với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm hy sinh, Sư đoàn 7 chiến đấu quyết liệt, giành giật và giữ vững từng tấc đất của trận địa, ngoan cường, đứng vững trong các chốt hầm chữ A dưới mưa bom bão đạn của quân thù… (1).

Ông Bùi Thanh Phong, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, nguyên Bí thư Huyện ủy Chơn Thành:

…Có ngày địch dùng tới cả chục phi vụ B52, 60 phi vụ máy bay chiến thuật ném bom vào khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng. Các sư đoàn 18, 21, 25 cùng nhiều đơn vị bộ binh, cơ giới của địch bị ta đánh thiệt hại nặng. Trong khi đại bộ phận quân chủ lực ngụy bị giam chân tại An Lộc, ở Chơn Thành cán bộ của các mũi công tác cùng với du kích xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Sóc 5… đánh diệt bọn dân vệ ác ôn, giải phóng hoàn toàn các xã.

Ngày 15-5-1972, địch tăng thêm quân để mở đợt phản kích. Để tránh tổn thất ta rút khỏi thị xã An Lộc, lập điểm chốt chặn ở Tàu Ô - Xóm Ruộng, thuộc địa bàn Tân Khai để đánh địch càn quét giải tỏa đường 13. Sư đoàn 7 của ta được giao nhiệm vụ cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân đắp chốt, đào hầm, xây "lũy thép” Tàu Ô - Xóm Ruộng với quyết tâm "Chặn đứng không cho một chiếc xe, một tên địch vượt qua". Để xây dựng chốt, sức người không đủ. Tôi đến nhà dân mượn xe tải chở gỗ trong rừng ra làm hầm sâu trong lòng đất. Được ít bữa mới có thêm xe của bộ đội chủ lực hỗ trợ. Xe của dân sau hư hỏng, thất lạc, dính đạn pháo... tôi lập danh sách đền cho dân.

Chốt Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành nơi giao tranh quyết liệt. Địch dùng hỏa lực cực mạnh cũng không cách nào công phá được do quân và dân ta rất anh dũng. Chốt chặn Tàu Ô được gọi là "chốt thép", bẻ gãy đường 13 của địch. Chốt chặn Tàu Ô khiến địch lên An Lộc toàn phải đi bằng máy bay. Đi máy bay, mình bắn, nó lên cũng vật lộn. Đường 13 bị ta chặt từng khúc… (2).

Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước; nguyên Tiểu đội trưởng Lực lượng an ninh bảo vệ Huyện ủy Hớn Quản:

Từ 1964-1967, trên đoạn đường 13, ta thường đắp mô, dụ địch để đánh. Mình đánh rất nhiều trận. Ban ngày thì Mỹ - ngụy kiểm soát, ban đêm thì ta hoạt động. Từ 1967-1971, đoạn đường 13 trở nên ác liệt hơn, vì lúc này chúng mở đường lên Bình Long, quản lý đường này là các chốt của Mỹ - ngụy. Hớn Quản ngày đó có sân bay Tech Nique (Téc-ních) nên rất ác liệt. Ta đánh xe tăng Mỹ cháy ở đây cũng nhiều, xe chở lương thực, chở đạn dược lên bị ta đánh phá. Ác liệt nhất trên đoạn đường này là năm 1972 - chiến dịch Nguyễn Huệ. Từ Chơn Thành lên Bình Long có 25 cây số, nhưng mấy năm trời, ngụy Sài Gòn mở đường máu lên Bình Long nhưng "cứu” Bình Long không được, bị mình cắt quãng, cứ đến Tàu Ô là bị chốt chặn. Vì thế ngày nào cũng nghe súng nổ, không địa điểm này thì địa điểm kia, ác liệt lắm…

Ông Lê Minh Xước, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Long:

Ngày ấy Tàu Ô - Xóm Ruộng bom đạn của địch dội xuống rất dữ dội. Thế nhưng thời điểm đó, tinh thần của quân ta ai cũng quyết tâm làm thế nào để giải phóng Bình Long. Anh em chiến sĩ đâu ai còn nghĩ được gì, dù có hy sinh cũng sẵn sàng chấp nhận, với quyết tâm phải giải phóng cho được Bình Long. Người dân Hớn Quản ngày đó cũng không thể nào quên được sự ác liệt của khu vực Chốt chặn Tàu Ô...

(1): Trích Hồi ký “Cuộc đời và chiến trận” của Trung tướng Lê Nam Phong.

(2): Trích Hồi ký “Bình Phước và con đường tôi đã chọn” của ông Bùi Thanh Phong.

Lệ Quyên - Trần Phương - Minh Nhâm (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/136330/ky-uc-tau-o-mot-thoi-hoa-lua