Kỳ thú ở Trà Bồng
1. Thị trấn Trà Xuân dịu dàng như cô gái dân tộc Cor dậy thì. Con suối Trà Bồng cắt ngang thị trấn tựa dải lụa ướp nắng vàng ươm. Những cô bé học sinh rủ nhau ríu rít vào nhà văn hóa xem triển lãm ảnh kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa Trà Bồng (1959 - 2019). Nhưng có lẽ đặc biệt hơn, mới gần đây thôi, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor với đặc sản du lịch “Đấu chiêng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. 5 năm trước, Trà Bồng còn được tôn vinh về Nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của người Cor là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Vậy là Trà Bồng là huyện địa phương hiếm hoi trong cả nước có hai hoạt động văn hóa nghệ thuật được Nhà nước công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cả hai loại hình văn hóa này luôn được người Cor hoạt động trong các lễ hội của dân tộc. Nhất là vào ngày Tết Ngã rạ (Cầu vụ lúa mới no đủ, tưởng nhớ đến tổ tiên và mong thần linh che chở) và lễ hiến trâu, bao giờ người Cor cũng dựng cây nêu và thi đấu chiêng chung quanh.
2. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi được cán bộ Phòng văn hóa thông tin huyện đưa tới thăm NNƯT Hồ Ngọc An ở thôn 2, xã Trà Thủy. Nghệ nhân Hồ Ngọc An là người chuyên đấu chiêng ở nhiều lễ hội. Đặc biệt hai cha con ông đều được phong tặng danh hiệu NNƯT. Cả huyện Trà Bồng hiện chỉ có ba nghệ nhân được phong danh ưu tú. Cha ông là cố NNƯT Hồ Ngọc Hoàng. Thấy trước nhà nghệ nhân có cây nêu, chúng tôi tò mò hỏi về cây nêu của người Cor có những nét đặc sắc gì, và vì sao mọi hoạt động lễ hội lại diễn ra quanh cây nêu. Đôi mắt nghệ nhân Hồ Ngọc An sáng rực như những chàng trai vào cuộc vui. Ông say sưa nói như đọc thơ vậy: “Cây nêu vũ trụ. Treo Gu, bàn thờ. Bản làng người Cor. Lễ cúng tiên tổ. Lễ cúng thần linh. Vào Tết Ngã rạ…”.
Ông dẫn chúng tôi ra trước cây nêu rồi giảng giải về nghi lễ dựng cây nêu trong lễ hội và ngày Tết ra sao. Cây nêu của người Cor thường có ba loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau. Nhưng cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày Tết Ngã rạ (chừng 10 - 15 m). Đáng chú ý phần thân cây nêu được trang trí hoa văn hai mầu đen đỏ, tượng trưng cho trời đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ. Bộ Gu chỉ có ở tộc người Cor. Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc.
Cùng với bộ Gu, cây nêu còn được treo những con chim chèo bẻo gỗ. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào, để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo. Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu. Nghi lễ dựng cây nêu chỉ có ở người Cor. Đó chính là di sản văn hóa được tôn vinh từ năm 2015.
3. Và mới đây nghệ thuật đánh cồng chiêng và đấu chiêng của Trà Bồng cũng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Khi nhắc đến điều này, nghệ nhân Hồ Ngọc An càng trở nên hứng khởi. Khi lớn lên Hồ Ngọc An được cha dạy cho đánh cồng chiêng và cùng tham gia lễ hội làng. Nhất là lễ ăn Tết Ngã rạ ở làng, bao giờ hai cha con cũng là một cặp phối hợp nhịp nhàng thả hồn vào tiếng chiêng. Đặc biệt, khi ở tuổi trưởng thành, Hồ Ngọc An còn được bố dạy cho nghệ thuật đấu chiêng. Đấu chiêng là một cuộc “tỉ thí” về âm nhạc độc đáo của đồng bào người Cor. Nó có lịch sử từ một huyền tích về tình yêu giữa hai chàng trai với một cô gái xinh đẹp bên con suối Trà Bồng. Cô gái Rơ Lang dịu dàng có đôi mắt bồ câu trong veo. Cô hay ca hát trong rừng quế làm say đắm bao chàng trai. Trong đó hai chàng trai Tơ Rưng và Ban Na đều tỏ lòng yêu Rơ Lang tha thiết. Ai cũng đều muốn giành được trái tim cô gái. Biết chuyện, già làng “lệnh” cho hai người đấu chiêng với nhau. Ai đánh chiêng hay cho đến phút cuối cùng sẽ trở thành chồng cô gái. Vậy là suốt đêm đó cả làng ra hội đấu chiêng và xem hai chàng trai tỏ rõ sức mạnh của mình. Tục đấu chiêng ra đời từ đó.
Các chàng trai dân tộc Cor luôn luyện tập đấu chiêng để thể hiện tài năng âm nhạc và sức mạnh của mình. Nghệ nhân Hồ Ngọc An sôi nổi nói, khi đấu chiêng hai người phải thể hiện những điệu nhảy mạnh mẽ cùng chiêng. Họ cầm dây chiêng trên tay và đánh theo nhịp trống lúc nhanh lúc chậm, lúc khoan thai lúc cuồn cuộn như gió rừng. Tiếng chiêng mang cảm xúc của những nghệ sĩ bản làng nhưng cũng chứa đựng sức mạnh của những dũng sĩ rừng núi Tây Nguyên. Hai nghệ sĩ phải lắng nghe nhau và đối thoại bằng tiếng chiêng bay bổng từ tâm hồn mình. Họ hòa đồng để ứng tác âm thanh. Do vậy mỗi cặp đấu đều có những âm sắc riêng không ai lường được trước.
4. Chính vì thế tiếng chiêng của người Cor luôn ẩn chứa tâm hồn của một nghệ sĩ lên biểu diễn và cống hiến cho người nghe những bản nhạc ngợi ca tình yêu cuộc sống. Cả huyện Trà Bồng có tới hơn 1.000 nghệ nhân đánh chiêng và có tới 100 người biết chỉnh chiêng. Truyền thống nghệ thuật chiêng của dân tộc Cor được đánh giá độc đáo và có bề dày hàng trăm năm. Lễ hội cồng chiêng ở Trà Bồng đã trở thành một sản phẩm du lịch của Quảng Ngãi hằng năm không những vào mùa xuân; mà còn vào những ngày hội ở Điện Trường Bà (tháng 4 âm lịch), hoặc dịp kỷ niệm ngày khởi nghĩa Trà Bồng (28-8 dương lịch)... Đây là những sinh hoạt lịch sử và văn hóa tâm linh của cả bốn tộc người (Cor, Kinh, Hoa, Chăm) ở Trà Bồng. Hằng năm, lễ hội cồng chiêng của dân tộc Cor thành lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn người tham gia. Rừng núi trên dãy Trường Sơn và miền tây Quảng Ngãi quanh năm âm vang tiếng cồng chiêng cùng với điệu múa Xà Ru uyển chuyển quanh cây nêu. Đó là minh chứng cho sức mạnh và nét độc đáo về văn hóa của đồng bào dân tộc Cor.
Nghệ nhân Hồ Ngọc An còn nhớ có lần xem cha đấu chiêng với một người ở xã khác. Khi thấy đối thủ đã có vẻ đuối sức, tay cầm chiêng đã chùng xuống tỏ ra mệt mỏi. Không vì thế mà cha ông cố đánh dồn dập vang to để lấn át bạn đấu. Cha ông đã đánh theo nhịp thở của bạn như cùng đồng hành và an ủi nhau khi đã đuối sức. Đó là tình nhân ái của người Cor, không ganh đua ăn thua lấy được mà phải ân cần thương yêu nhau.