Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: 'Bông hồng Núi Chúa' trọn vẹn nghĩa tình đồng đội

Nữ anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt luôn đau đáu, nặng tình với quê nhà, cũng là nơi mà bà đã chiến đấu năm xưa...

Bà Minh Nguyệt thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trinh. (Ảnh: Lộc Viên)

Nhân dịp kỉ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã đồng hành, hỗ trợ nhiều hoạt động ý nghĩa tại quê hương Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là hoạt động thường niên của vị nữ anh hùng được mệnh danh là “Bông hồng Núi Chúa”. Sở dĩ có “biệt danh” ấy vì bà sinh ra và lớn lên dưới chân Núi Chúa (huyện Nông Sơn).

“Nguyễn Vũ Minh Nguyệt luôn đau đáu, nặng tình với quê nhà - nơi mà nữ anh hùng đã chiến đấu năm xưa. Nơi chôn nhau cắt rốn, cũng là nơi mà những đồng đội đã nằm xuống để hôm nay bà tiếp tục viết tiếp những ước vọng của đồng đội năm nào”, anh Đỗ Duy Hoàng, bí thư xã đoàn Sơn Viên nói về bà Minh Nguyệt.

Khắc khoải nghĩa tình đồng đội

Theo anh Đỗ Duy Hoàng, nữ anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt, những đồng đội là người thân, họ là người sẵn sàng chia nửa củ sắn đào được bên hố bom để lại.

Bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt nói về đồng đội đầy cảm xúc: “Đó là người dìu nhau dưới những dây thông hào, trên đầu là đạn rơi bom nổ. Là những người cùng nhau bẻ đôi miếng lương khô, uống chung bi đông nước, ăn cả những con cá nhiễm lân tinh phát sáng nhưng luôn trọn niềm tin đất nước khải hoàn. Và cũng đau đáu lắm khi phải tận tay chôn cất những người kề vai sát cánh hi sinh dưới họng súng địch”.

Có lẽ vì thế, giờ đây nữ anh hùng luôn khắc khoải hướng về những đồng đội đã anh dũng hy sinh cho hòa bình hôm nay…

Năm nào cũng vậy, cứ dịp 22/12, dẫu cuối năm bộn bề bao công việc nhưng anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt gác hết lại để về Nông Sơn, viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên, nơi có gần 800 những người con anh dũng, ưu tú của dân tộc đang yên nghỉ vĩnh hằng.

Kiên trung trước quân thù, kiên cường trong thời kì đổi mới, bản lĩnh trên chiến trường và mạnh mẽ trên thương trường. Nhưng đứng trước những đồng đội đang lặng im trong lòng đất mẹ bao giờ nữ anh hùng cũng khóc…

Xin hãy để cho tôi được khóc,

với những nấm mộ có tên hàng ngang hàng dọc,

vì chúng tôi là đồng đội của nhau

(Lời bài hát: Đồng đội ơi)

Khóc là bởi lẽ họ - những đồng đội của anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt hy sinh khi còn quá trẻ, thanh xuân còn phơi phới với rất nhiều những dự định ấp ủ, những ước mơ thủ thỉ cùng nhau dưới hầm trốn địch, hay trong những đợt hành quân giữa rừng già. Nhưng tất cả gác lại để viết vào bản hùng ca lịch sử của dân tộc bằng máu và cả bản thân mình.

“Với anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt những giờ phút này không chỉ sống cho riêng mình mà đang sống nốt cho ước mơ của biết bao đồng đội. Vì thế nữ anh hùng luôn tâm nguyện phải sống thật tử tế và luôn san sẻ với tất cả mọi người. Để một ngày đoàn viên với những đồng đội năm nào sẽ ngẩng đầu tự hào vì đã sống trọn vẹn với sự kiên trung của người lính cụ Hồ”, anh Đỗ Duy Hoàng chia sẻ.

AHLLVTND Vũ Thị Minh Nguyệt thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phò. (Ảnh: Lộc Viên)

Thay các anh chăm mẹ…

Không chỉ luôn khắc khoải với đồng đội của mình. Một điều đáng quý nữa ở nữ anh hùng ấy đấy chính là việc phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng tại quê nhà. Theo bà Minh Nguyệt, các con của mẹ đã cùng nữ anh hùng chiến đấu, cùng nằm gai nếm mật, cùng vào sinh ra tử. Các anh đã nằm xuống khi chưa trọn chữ hiếu với mẹ già. Vì thế bà muốn trọn đạo thay các anh, muốn được chăm các mẹ một phần nào đó.

Năm 2023 này, nữ anh hùng Minh Nguyệt đã tri ân các mẹ nhiều dịp từ Tết Nguyên đán, 8/3. “Và nay, 22/12 được nắm tay các mẹ trong những ngày cuối đông lạnh giá mà nghẹn ngào vì các mẹ đã mắt mờ chân yếu. Thương các đồng đội năm nào và thương hơn cho các mẹ vò võ đơn côi”, bà Nguyệt xúc động nói.

Nữ anh hùng tâm niệm, đạo hiếu không chỉ với những đấng sinh thành, mà nó còn dành cho cả những người mẹ cao cả. Bà Nguyệt cho biết, chỉ mong mỏi các mẹ được sống thật lâu để được phụng dưỡng các mẹ nhiều hơn nữa.

Viết tiếp bản hùng ca

Không chọn an dưỡng tuổi già, dẫu đã ở tuổi 70 - tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng nữ thương binh Nguyễn Vũ Minh Nguyệt vẫn tiếp tục thực hiện nhiều dự định ấp ủ của mình.

Bà mong muốn viết tiếp bản hùng ca của người lính, trước đây là trên chiến trường trận mạc, nay là trong cuộc sống hòa bình. Nghĩ là làm, trong dịp này, bà đã trao tặng 300 áo ấm cho hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tại địa phương xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tổng hoạt động lần này trị giá trên 50 triệu đồng. Cùng với đó là rất nhiều các hoạt động khác mà nữ anh hùng Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã thực hiện trên quê hương Sơn Viên cũng như trên nhiều địa phương khác.

“Mỗi một hoạt động trao đi là mỗi thời khắc ấm lòng đối với tôi. Thực sự, tôi mong muốn được sẻ chia nhiều hơn với bà con mình, trong khả năng”, nữ anh hùng bày tỏ.

Tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe cũng giảm sút đi nhiều, bà Nguyệt cho biết không biết còn bao nhiêu hành trình có thể thực hiện và đồng hành với thế hệ trẻ được. Nhưng dẫu chỉ còn sống trọn một ngày thì với nữ anh hùng ngày đó phải thật sự ý nghĩa, phải thật sự hiến dâng, được đóng góp cho cuộc đời.

“Tôi cảm nhận tinh thần quả cảm của người lính với đức hy sinh, cống hiến luôn cuộn chảy trong trái tim nữ anh hùng này”, bí thư xã đoàn Sơn Viên cảm nhận.

Nữ anh hùng tài năng

Vào ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã kí các quyết định 621, 622, 623 phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) cho các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Nguyễn Vũ Minh Nguyệt đã được trao tặng danh hiệu AHLLVTND đợt này.

Ngoài ra, bà còn được tôn vinh “Nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh” và nhận danh hiệu “Doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng; nhận Cúp Thánh Gióng tại chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2015; danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam thế kỷ 21” (năm 2016)...

Lộc Viên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-niem-ngay-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-bong-hong-nui-chua-tron-ven-nghia-tinh-dong-doi-254696.html