Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4): Đập tan 'cánh cửa thép', tiến công giải phóng Sài Gòn
Bài 1: Mở toang “cánh cửa thép” hướng Đông
Trên đường tiến quân thần tốc, quyết thắng “một ngày bằng 20 năm” của quân dân ta về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, thị xã Xuân Lộc, tỉnh lỵ Long Khánh ngày ấy (thành phố Long Khánh ngày nay) được coi là “cánh cửa thép” phải mở để đại quân ta tiến về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng thị xã Xuân Lộc kể về những kỷ niệm 50 năm trước tại chính nơi từng xảy ra chiến sự (thành phố Long Khánh ngày nay). Ảnh:N.Hà
Chiến dịch giải phóng Xuân Lộc diễn ra trong 12 ngày đêm (9 đến 21-4-1975) là trận tuyến ác liệt giữa quân dân ta với địch tại phòng tuyến Xuân Lộc cách đây 50 năm. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực giữa quân dân ta với Sư đoàn 18 ngụy cùng các chiến đoàn thiết giáp mạnh của địch diễn ra vô cùng ác liệt...
Phòng tuyến Xuân Lộc được Chính quyền Sài Gòn bố phòng cẩn mật và coi là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn từ hướng Đông. Mất Xuân Lộc cũng có nghĩa sẽ mất Sài Gòn. Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc chính là “trận then chốt” mở đường cho đại quân ta tiến về Sài Gòn, hội với 5 cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 26 đến 30-4-1975).
Phá tan “cánh cửa thép”
Ông Đào Bá Lượng, ngụ phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh, Đội trưởng Đội Biệt động trong cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc kể lại, Đội Biệt động đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ khác nhau. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, những người lính biệt động đã làm nên những trận đánh gây được tiếng vang, khiến kẻ thù kinh sợ, nhất là trận Đồn Ông Thước đánh thẳng vào Tòa hành chính Tỉnh trưởng Long Khánh.
Ông Lượng còn trực tiếp dẫn đoàn xe tăng quân ta đánh vào “cửa thép” Xuân Lộc. “Đây là trận đánh vô cùng ác liệt. Sau 3 ngày liên tiếp, ta chuyển chiến thuật mới giãn ra, bao vây không cho địch bên trong đánh bung ra ngoài cũng như cắt đứt tiếp tế từ ngoài vào trong khiến chúng bị cô lập và tìm đường rút chạy khỏi Xuân Lộc trong đêm 20, rạng sáng 21-4-1975. Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng vào 21-4-1975” - ông Đào Bá Lượng kể lại.
Cùng đơn vị truy quét tàn quân địch tại Long Khánh và cắt đứt các đường rút chạy của chúng, cựu chiến binh Nguyễn Tá Dẫn, ngụ khu phố 8, phường Xuân An, thành phố Long Khánh, cho biết lúc đó, ông là Trung đội phó trinh sát, thuộc Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ điều nghiên, nắm tình hình.
Sau những thất bại liên tiếp trên các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và miền Đông Nam Bộ, ngụy quyền Sài Gòn quyết “tử thủ Sài Gòn”. Địch tổ chức tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang (Ninh Thuận) qua Xuân Lộc (Đồng Nai) đến Tây Ninh. Trong đó, Xuân Lộc (thành phố Long Khánh ngày nay) là mắt xích quan trọng - “cánh cửa thép” phía Đông quyết phải giữ, nếu để mất Xuân Lộc sẽ mất Sài Gòn... Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tấn công giải phóng Xuân Lộc. Sau 12 ngày đêm quyết liệt, quân dân ta đập tan “cánh cửa thép” hướng Đông, mở đường cho đại quân ta vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định…
Đầu tháng 4-1975, ông và một số trinh sát cải trang ra vào khu vực tỉnh lỵ Long Khánh nhằm điều nghiên, giúp bộ đội đặc công đánh thẳng vào Dinh tỉnh trưởng theo 2 hướng: hướng 1 dự kiến đánh từ khu 18 Gia Đình, xã Bảo Quang ngày nay vào và hướng 2 từ khu vực Bàu Trâm đánh lên.
Trong bối cảnh chiến trường thời điểm đó diễn biến khá nhanh nên bộ đội đặc công của ta chưa kịp đánh thì các đơn vị thuộc Sư đoàn 7 và đơn vị bạn đã đánh tan tác khiến địch rút chạy các đêm 19, 20-4-1975. Ông Dẫn và một bộ phận được điều về truy kích địch trên đường chúng rút chạy trên lộ 2 - đèo Con Rắn (khu vực Nông trường Ông Quế, Cẩm Mỹ ngày nay).
Ông Dẫn kể: “Đêm 20-4-1975, mưa lớn, pháo đạn của địch bắn xối xả phục vụ cho chúng rút chạy. Ấn tượng nhất là Trung đội Trinh sát chúng tôi bắt gặp trên xe jeep của địch có một cuốn sổ tay mà ngay trang đầu có ghi dòng chữ “Bổ nhiệm ngày 17-9-1974” và ký tên đại tá Phạm Văn Phúc, Tiểu khu trưởng Bình Long cùng số điện thoại DT/45637-ds. 21-9-1974 (nghĩa là dòng nhật ký được viết sau 4 ngày được bổ nhiệm)”.
Ông Dẫn không được giữ cuốn nhật ký nhưng theo nhiều đồng đội đã được đọc kể lại, sau trang mở đầu còn khoảng trên 10 trang kế tiếp, tên Phúc chủ yếu ghi chép, bày tỏ nỗi sợ hãi trước các đợt pháo kích, tấn công liên tục của “Việt cộng”, cầu nguyện được bình an…
Mở chốt Trảng Bom, tiến về Sài Gòn
Sau khi mở cánh cửa thép Xuân Lộc ngày 21-4-1975, đại quân ta tiến như vũ bão về giải phóng Sài Gòn, đập tan sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền, thực hiện lời chúc Tết thiêng liêng của Bác “đánh cho ngụy nhào”, thu non sông về một dải…
Trên đường tiến quân hướng Đông, Chi khu Trảng Bom là một điểm ngụy quyền bố phòng cẩn mật phải được giải phóng để tiến về Biên Hòa, Sài Gòn. Chiến dịch giải phóng Trảng Bom ngày 27-4-1975 được coi là trận “then chốt mở đầu thắng lợi” trên hướng Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giữ thế, tạo đà, cổ vũ tinh thần quân, dân ta đồng loạt tiến công nổi dậy theo chiều sâu chiến dịch.
Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị chủ trương “tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa” tức là trước tháng 5-1975. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định: “Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh”; thông qua phương án chiến dịch lần cuối.
Thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quân sự) cho hay, ngày 25-4-1975, Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 cùng lực lượng tăng cường tiêu diệt địch từ ngã ba Sông Thao về Suối Đỉa. Yêu cầu tác chiến: thần tốc, đánh tiêu diệt lớn, đánh tan rã lớn, mở cửa lớn và rộng vào đêm 26 và rạng sáng 27-4-1975.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Danh, chiến sĩ liên lạc, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, hiện ngụ ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom vẫn nhớ rõ từng chi tiết khi tham gia đánh trận Trảng Bom cách đây nửa thế kỷ.
Ông Danh kể lại: “Điều tôi nhớ nhất là lần đầu tiên nhìn thấy loại đạn của địch có mức độ sát thương cao nhưng không biết là loại gì. Chỉ đến trưa 27-4-1975, khi quân ta làm chủ Chi khu Trảng Bom thì mới biết đó là đạn M72, một loại khí tài mới đã gây sát thương và hy sinh nhiều đồng đội của tôi”.
Mất Xuân Lộc, ngày 25-4-1975, địch vội vã điều chỉnh tổ chức Trảng Bom thành một cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ Trảng Bom - Biên Hòa - Sài Gòn.
Theo thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, tuyến phòng ngự của địch ở Trảng Bom có thế liên hoàn từ ấp Hưng Nghĩa qua Trảng Bom - Suối Đỉa - Hố Nai với chiều dài 14km. Tại đây, địch bố trí lực lượng gồm 3 Chiến đoàn Bộ binh (48, 43 và 52), 2 Chi đoàn Thiết giáp (1, 3) và Chiến đoàn 315, tập trung chủ yếu ở hướng Đông và Đông Bắc, nơi có 7 trận địa pháo binh.
Ngoài ra, còn một số đơn vị bảo an, dân vệ được bố trí bên trong các vị trí phòng ngự chặt chẽ. Hệ thống công sự trận địa chủ yếu dựa vào các chốt, công sự tương đối vững chắc; kiên cố, có các hầm ngầm, tháp canh, lô cốt. Vật cản gồm 3 lớp hàng rào dây thép gai. Quá trình chiến đấu, địch được chi viện trực tiếp của Lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến ở khu vực Hố Nai…
Thực hiện kế hoạch, đúng 4h5 ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công địch. Sau khi pháo bắn chuẩn bị, từ các hướng, quân ta nhanh chóng mở thông các cửa, đưa lực lượng vào tiến công địch. Đến 8h30 cùng ngày, Sư đoàn 341 cơ bản tiêu diệt toàn bộ quân địch và làm chủ từ ngã ba Sông Thao đến Tây Trảng Bom, dồn lực lượng còn lại của địch về phía Suối Đỉa, Long Lạc, Hố Nai. Đến 10h30, toàn bộ quân địch ở Suối Đỉa bị tiêu diệt. Trận đánh Trảng Bom là trận đánh giành thắng lợi mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông; tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.