Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Người tạo cảm hứng cho nghệ thuật Xô Viết thăng hoa

Vladimir Ilyich Lênin sinh ngày 22/4/1870 và mất ngày 21/1/1924. Người là một lãnh tụ của phong trào Cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx- Engels.

Và từ Người cùng đất nước Nga Xô Viết đã là cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang dấu ấn Lênin - Xô Viết, trở thành những tác phẩm kinh điển. Câu nói của Người mãi trở thành slogan cảm hứng về tri thức nhân loại: “Học, học nữa, học mãi”.

Vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã đến với văn chương, nghệ thuật bằng một tình yêu lớn. Tình yêu đó gắn liền với sự am hiểu sâu sắc về sứ mệnh nặng nề và vẻ vang của văn nghệ, về đặc thù của văn nghệ trong các hoạt động sáng tạo của con người. Thị hiếu văn chương của Lênin nhất quán xây dựng trên tình yêu ấy, trên sự hiểu biết ấy.

Sinh thời Lênin không phải là người hoàn toàn hâm mộ tài thơ của Maiacốpxki, nhưng Người lại thú vị với các tác phẩm của Tsêkhốp, đặc biệt đã xúc động khi đọc truyện ngắn Phòng số sáu và khi xem vở kịch Cậu Vania của Tsêkhốp... Người không muốn nâng thị hiếu văn học nghệ thuật của mình lên thành những nguyên tắc chi phối người khác, nhưng chính điều đó lại tạo cảm hứng đến giới sáng tạo văn học nghệ thuật, trước tiên của nước Nga.

V. Lênin - lãnh tụ của phong trào Cách mạng Vô sản Nga.

Người đã đánh giá cao tác phẩm “Người mẹ” của Maxin Gorky cho rằng đây là quyển sách rất có ích, rất kịp thời, có ích đối với phong trào cách mạng và kịp thời với tình hình cách mạng lúc bấy giờ. Cũng trong thời gian này, Lênin rất thích đọc tác phẩm “Ngựa con phi nước đại” của Verơkhôiandơ, quyển sách bị Sở kiểm duyệt Nga hoàng cấm vì khuynh hướng chính trị rõ rệt của nó. Người ưa tác phẩm trên bởi một lý do giản dị mà dứt khoát: Quyển sách với sự chế giễu rất cay độc chế độ Nga hoàng “rất có ích cho nông dân”. Nếu Người ưa thích và đề cao những tác phẩm văn học nghệ thuật ít nhiều có lợi cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, vì một xã hội tương lai công bằng tốt đẹp, thì ngược lại, Người phê phán những ảo tưởng ngây thơ của các văn nghệ sĩ tiểu tư sản và đặc biệt thù ghét những tác phẩm gieo rắc tư tưởng hoài nghi chống đối của những cây bút tư sản phản động. Vào những ngày cuối cùng của đời mình, Lênin vô cùng xúc động lắng nghe bà Cơrúpxkaia, vợ Người đọc thiên truyện nổi tiếng “Tình yêu cuộc sống”- Jack London.

Thiên hướng cảm thụ văn học nghệ thuật của Lênin thật rõ rệt.Thiên hướng này thậm chí giúp Người vượt qua được những mối thiện cảm và ác cảm riêng tư nhằm vươn tới đánh giá đúng chân giá trị nào đó. Người biết gạn đục khơi trong. Người chỉ ra tiêu chuẩn chân xác để xét đoán tài năng của một nghệ sĩ chân chính: “Và nếu nhà nghệ sĩ của chúng ta là vĩ đại thật, thì người đó phải phản ánh được trong các tác phẩm của mình ít ra là vài ba khía cạnh chủ yếu của cuộc cách mạng”. Đó chính là nguyên do khiến các tác phẩm của Puskin, Xantưcốp Sêđơrin, Tsêkhốp... chiếm được lòng ham thích của Lênin. Văn học Nga đối với Lênin là vũ khí để nhận thức cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật nào phản ánh cuộc sống đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và mộc mạc lại càng được Lênin coi trọng.

Và chính vì thế, Người đã tạo nguồn cảm hứng chủ đạo của nền văn hóa Xô Viết. Nó đã tạo nên nhiều giá trị chân chính, đạt được những thành tựu xuất sắc, được cả thế giới khâm phục, thiếu chúng không thể hình dung được diện mạo văn hóa thế kỷ XX. Từ các tác phẩm như: Con đường đau khổ của Alêcxây Tôlxtôi, Thép đã tôi thế ấy của Nikolai A.Ostrovsky, là hàng loạt tác phẩm đã trở thành “kinh điển” trong giới văn nghệ sĩ thế giới trong đó có Việt Nam: Người mẹ (M.Gorky), Sông Đông êm đềm, và Đất vỡ hoang (M.K.Solokhov), Daghestan của tôi (R.Gamzatov), Bến bờ (I.Bon- darev), Trên mảnh đất người đời (K.Ivanov), Và nơi đây bình minh yên tĩnh (Vaxiliev), Bài ca núi Anpơ (V.Bưkov), hay bài thơ bất hủ Đợi anh về (K.Ximonov)...

Rối những tượng đài kỷ niệm người chiến sĩ Xô Viết ở Nga, nhạc của Prôkophiev và Sôxtakôvitch cùng nhiều tác phẩm xuất sắc khác của văn học nghệ thuật Nga - Xô Viết đã chinh phục trái tim của độc giả, khán giả, thính giả khắp năm châu, trong đó có người Việt Nam chúng ta. Nhiều ca khúc Xô Viết vang lên tự hào, tha thiết như: Thời thanh niên sôi nổi, Đỉnh núi Lênin, Đôi bờ, Nhựa bạch dương, Chiều Hải cảng, Kachiusa, Cây thùy dương, Giã biệt em gái Xlavơ, Nước Nga Tổ quốc tôi..., ngót trăm năm rồi vẫn “sống” và mỗi lần cất lên thì không chỉ người Nga mà cả người Việt và nhiều dân tộc khác vẫn thấy đắm say, cuốn hút, dạt dào cảm xúc. Trong điện ảnh, có những phim của điện ảnh Xô Viết một thời đã trở thành kinh điển, từng gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của một thế hệ và nhiều thế hệ người xem ở nước Nga Xô Viết nhiều năm trước, ở Nga ngày nay, Việt Nam và nhiều nước khác.

Hoài Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ky-niem-150-nam-ngay-sinh-lenin-22-4-1870-22-4-2020-nguoi-tao-cam-hung-cho-nghe-thuat-xo-viet-thang-hoa-n172755.html