Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 – 1-1-2024) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tấm gương người cộng sản kiên trung

Hơn 30 năm cống hiến cho Đảng và nhân dân, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên khai sinh là Nguyễn Vịnh) sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Khi ở tuổi 17, được các lớp đàn anh giác ngộ cách mạng, người thanh niên Nguyễn Vịnh đã tham gia đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương và sau đó tham gia phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939, được kết nạp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí Quân Giải phóng miền Nam tại căn cứ Trung ương Cục. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên ở tuổi 24, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ, tháng 9-1938, đồng chí đã lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp và chính quyền Nam triều. Trong hai năm 1938-1939, đồng chí Nguyễn Vịnh bị địch bắt 2 lần, giam ở các nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trong thời gian bị tù đày, đồng chí luôn kiên cường, thể hiện tinh thần bất khuất, gan dạ, giữ vững khí tiết của người cộng sản, tham gia đấu tranh chống chế độ quản phạm độc ác, khủng bố, tra tấn tù nhân, bảo vệ được cán bộ, gây tiếng vang lớn. Đầu năm 1942, đồng chí vượt ngục thành công, bí mật về Quảng Điền, cùng một số đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Tháng 7-1943, trên đường công tác, đồng chí bị địch bắt lần thứ ba. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động cách mạng ở Trung Bộ để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 13-15-8-1945), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Ngày 31-8-1945, Hội nghị đại biểu các tỉnh Trung Bộ tại Huế đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Bộ và bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Xứ ủy Trung Bộ. Cuối năm 1946 đến năm 1949, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân Khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên Khu ủy khu IV. Trên những cương vị này, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào thực tiễn chiến trường Thừa Thiên; bình tĩnh, sáng suốt trong đánh giá tình hình, đưa ra những giải pháp về công tác tư tưởng, về chiến tranh nhân dân, chỉ đạo nhiều vấn đề cụ thể về lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, phát triển chiến tranh du kích. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên khói lửa, xứng đáng với danh hiệu “Vị tướng du kích” mà Bác Hồ trao tặng. Năm 1959, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1961, miền Bắc đang trong quá trình hợp tác hóa mạnh mẽ, nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Nhận nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tư duy của một nhà lãnh đạo trên lĩnh vực kinh tế thông qua tổ chức thực tiễn, bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, dựa vào nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước”, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hiệu quả nhiều phong trào thi đua. Trên thực tế, những phong trào thi đua như “Cờ Ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Gió Đại phong” trong nông nghiệp đã mang đậm dấu ấn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cùng với các phong trào thi đua “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp, “Trống Bắc lý” trong giáo dục đã trở thành điển hình tiêu biểu cho phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, động viên được sức mạnh của hàng triệu con người vào sự nghiệp cách mạng.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào miền Nam. Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, đồng chí đã góp phần xác định đúng việc chuyển hướng chiến lược của Mỹ từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), đưa ra những đánh giá, phân tích khoa học và biện chứng về thực chất sức mạnh của Mỹ, so sánh lực lượng giữa ta và địch, tìm ra những mâu thuẫn, chỗ yếu của đối phương, từ đó khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chủ nghĩa anh hùng cách mạng được coi như khâu đột phá về tư tưởng cho quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thể hiện tầm tư duy quân sự của một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng. Đại tướng khẳng định: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của chúng ta mang trong mình nó một tư tưởng lớn của thời đại là không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ, đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội”. Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay” lập các “vành đai diệt Mỹ”... Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của Đại tướng đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng sức mạnh thật sự của đế quốc Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam, từ đó hoạch định đường lối kháng chiến. Nhiều quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện chiến lược tiến công với niềm tin nhất định thắng Mỹ, cùng với những phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu, chắt lọc đưa vào các nghị quyết Trung ương như Nghị quyết Trung ương 11 và 12 khóa III, kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí liên tục có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm đầy thử thách, quyết liệt. Vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết mình cho dân tộc và Tổ quốc. Trên mỗi cương vị được giao, đồng chí để lại dấu ấn sâu sắc về cả tư duy lãnh đạo và tổ chức thực hiện, tạo ra bước phát triển mới cho phong trào cách mạng trong cả thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

T.K

(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202401/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-1-1-1914-1-1-2024-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-tam-guong-nguoi-cong-san-kien-trung-6187567/