Kỷ lục của các sản phẩm công nghệ
Dưới sự phát triển của công nghệ, nhiều công ty, phòng thí nghiệm đã tạo ra các sản phẩm hữu ích, đạt nhiều kỷ lục khác nhau.
Smartphone bán chạy nhất. Với doanh số 10 triệu chiếc trong 3 ngày lên kệ từ 19/9/2014, iPhone 6 được xem là smartphone bán chạy nhất từ trước đến nay. Theo Slashgear, thiết bị nổi bật nhờ ngoại hình mỏng nhẹ, màn hình 4,7 inch khá lớn tại thời điểm ra mắt, chip xử lý A8 hiệu năng cao. Kể cả CEO Tim Cook cũng tiết lộ doanh số iPhone 6 và 6 Plus “vượt kỳ vọng của chúng tôi trong tuần ra mắt”. Ảnh: The Verge.
Kính thông minh đầu tiên. Google Glass được công bố tháng 4/2012. Có hình dạng giống kính mắt thông thường, tuy nhiên thiết bị sở hữu khả năng điều khiển bằng giọng nói lẫn cảm ứng, tích hợp camera, loa ngoài và cổng sạc. Người dùng có thể chụp ảnh, đọc email, trả lời tin nhắn, xem bản đồ qua màn hình bên phải. Dù ý tưởng hiện thông tin trước mặt được xem là đi trước thời đại, những lo lắng về quyền riêng tư và giá đắt khiến nhiều người e dè khi chọn Google Glass. Ảnh: Phandroid.
Camera độ phân giải cao nhất. Với ống kính rộng hơn 1,5 m, 6 bộ lọc chuyên dụng và nặng 2,7 tấn, Large Synoptic Survey Telescope (LSST) là camera kỹ thuật số độ phân giải cao, kích thước lớn nhất từng chế tạo với ống kính quang học, cảm biến khổng lồ. Nằm tại Đài quan sát Vera C. Rubin, camera có độ phân giải 3.200 MP, mặt phẳng tiêu cự 64 cm và 189 cảm biến CCD. Theo Forbes, thiết bị dùng để chụp bầu trời bán cầu nam 1.000 lần/đêm trong 10 năm, dữ liệu mỗi đêm tương đương 15 TB. Ảnh: Rubin Observatory.
Kính VR theo dõi mắt đầu tiên. Năm 2016, dự án của FOVE gây quỹ thành công trên Kickstarter khi thu về 480.650 USD trong chưa đầy 3 ngày. Khác với kính VR thông thường, thiết bị của FOVE có thể cảm nhận chuyển động mắt với sai số tối đa 0,2 độ, giúp điều hướng, chọn thành phần trên màn hình, giao tiếp với nhân vật ảo. Điều này tạo cảm giác thoải mái, tránh tình trạng chóng mặt do chuyển động kém thực tế. Ảnh: FOVE.
Điện thoại di động doanh số cao nhất. Nokia 1100 xếp đầu bảng trong danh sách điện thoại di động bán chạy nhất lịch sử. Từ khi ra mắt năm 2003, doanh số model này đạt hơn 250 triệu. Thiết bị có ngoại hình đơn giản, độ bền cao, thời lượng pin lâu và giá rẻ, yếu tố khiến sản phẩm rất phổ biến tại các nước đang phát triển. Đứng sau Nokia 1100 là Nokia 1110 với doanh số 248 triệu chiếc. Ảnh: Mobilissimo.
Máy chơi game cầm tay đầu tiên hỗ trợ AR. Khi smartphone dần phổ biến, Nintendo vẫn ra mắt máy chơi game cầm tay 3DS vào đầu 2011. Thiết bị có ngoại hình giống laptop với 2 màn hình cảm ứng, màn hình 3D và 6 thẻ thực tế tăng cường (AR). Khi đưa thiết bị đến gần thẻ, màn hình sẽ chèn nhân vật tương ứng lên không gian xung quanh, có thể tương tác và xoay 360 độ. Màn hình 3D không cần kính cũng là chi tiết được Nintendo quảng bá mạnh trên 3DS. Dù có màn ra mắt thảm họa, 3DS vẫn được xem là hệ máy thành công sau nhiều đợt giảm giá, nâng cấp của công ty Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock.
Camera smartphone “nhìn xuyên góc” đầu tiên. Năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo & Khoa học máy tính (MIT) phát triển CornerCameras, thuật toán phân tích hình ảnh dựa trên ánh sáng phản chiếu, đổ bóng tại góc để phát hiện kích thước, hình dạng vật thể ẩn phía sau. Dù không thể bắt trọn chi tiết, camera sẽ hình dung đại khái khoảng cách và độ dày, sau đó mô tả dưới dạng đường kẻ trên bản đồ, đường kẻ càng mỏng tương ứng độ dày vật thể đến máy ảnh càng lớn. Ảnh: MIT.
Laptop dạng vỏ sò đầu tiên. Năm 1975 và 1981, IBM 5100 và Osborne 1 lần lượt là máy tính di động và máy tính “xách tay” (laptop) đầu tiên. Tuy nhiên, hình dạng laptop mà chúng ta quen thuộc ngày nay chỉ xuất hiện từ 1982, trên thiết bị GRiD Compass của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Nhiều người công nhận đây là mẫu “laptop thực thụ” đầu tiên với vỏ magie, màn hình phẳng, dù cân nặng đến 4,5 kg và giá 8.150 USD. Ảnh: Wikimedia Commons.
Camera nhanh nhất. Với tốc độ chụp 156,3 nghìn tỷ khung hình/giây, SCARF (Swept-Coded Aperture Real-time Femtophotography) dùng cho mục đích khoa học, hỗ trợ quan sát các hiện tượng cực nhanh như khử từ kim loại, sự di chuyển của sóng xung kích qua tế bào sống. Hệ thống sử dụng công nghệ chụp quang phổ nén cực nhanh (CUSP) phát triển vào năm 2020, là bản nâng cấp của công nghệ chụp ảnh nén cực nhanh nghìn tỷ fps (T-CUP) và chụp ảnh nén cực nhanh (CUP), xuất hiện lần đầu năm 2014. Ảnh: INRS.
Máy game đầu tiên có modem vệ tinh. Năm 1993, Nintendo trả 6,7 triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất của đài truyền hình kỹ thuật số Satellite Digital Audio Broadcasting (St. Giga). Một năm sau, cả 2 ra mắt thiết bị có tên Satellaview, gắn vào máy chơi game Super Famicom để tải hình ảnh, game, tin tức phát qua vệ tinh. Đến 1999, St. Giga không thể xin giấy phép phát sóng của chính phủ Nhật Bản nên bị Nintendo ngừng hợp tác. Năm 2003, công ty này phá sản và sáp nhập vào một doanh nghiệp khác. Ảnh: Time Extension.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-luc-cua-cac-san-pham-cong-nghe-post1478053.html