Kỳ I: Sự chuyển tiếp thế kỷ
Khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ngày đầu tiên của năm mới cách đây 25 năm (1/1/1997), tỉnh Phú Thọ chính thức tái lập. Sau một phần tư thế kỷ, Phú Thọ hôm nay đã có những bước chuyển mới, khẳng định vị thế quan trọng của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Lịch sử như có sự trùng hợp, tháng 1 năm 1947 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ I. Tròn nửa thế kỷ, vào năm 1997 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ sau khi tái lập tỉnh (Đại hội XIV).
Đến hôm nay, thế hệ cha anh chứng kiến sự tái lập tỉnh Phú Thọ vào năm 1997 vẫn gọi đó là sự “chuyển tiếp thế kỷ”. Bởi chỉ sau đó 3 năm, bước sang năm 2000 – thế kỷ XXI, Phú Thọ nhanh chóng nhập cuộc với những đổi thay, phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Ngay sau khi tái lập, 6 thị trấn thuộc 6 huyện được thành lập gồm Thị trấn Yên Lập (Yên Lập), thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa), thị trấn Hưng Hóa (Tam Thanh), thị trấn Lâm Thao và Phú Hộ (Phong Châu); thị trấn Thanh Sơn (Thanh Sơn). Hai năm sau đó, Chính phủ ra Nghị định số 59 chia tách hai huyện của tỉnh Phú Thọ là Phong Châu và Tam Thanh để tái lập lại các huyện cũ là Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông và Thanh Thủy.
Tròn 10 năm sau, vào năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới huyện Thanh Sơn để thành lập huyện Tân Sơn.
Có thể nói, phương thức lãnh đạo của Đảng được Phú Thọ đặc biệt quan tâm, thường xuyên và liên tục đổi mới trên tất cả các phương diện theo hướng ngày càng phong phú, phù hợp và hiệu quả. Qua mỗi nhiệm kỳ, phương thức lãnh đạo của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lại được xem xét, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm cũng như hạn chế, từ đó kịp thời đưa ra những giải pháp điều chỉnh nhanh chóng, hợp lý.
Trong lãnh đạo, điều hành luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, mở rộng dân chủ, tăng cường thảo luận, tranh luận để thống nhất, tập trung và quyết định. Việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; không buông lỏng, coi nhẹ nhưng cũng không bao biện, làm thay, “lấn sân” các công việc không thuộc thẩm quyền và trách nhiệm.
Trong mọi giai đoạn phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng nhiệm kỳ đều chủ động trong xây dựng chương trình toàn khóa; trọng tâm là phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, nổi bật để bàn bạc, thống nhất và ra các quyết nghị phù hợp. Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề quan trọng, vấn đề nóng, bức xúc để đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị; chấn chỉnh kịp thời nhiều vướng mắc, hạn chế, yếu kém.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202112/ky-i-su-chuyen-tiep-the-ky-182006