Kỳ họp thứ 6: Nhân dân rất quan tâm đến việc lấy phiếu tín nhiệm

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ chưa được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây.

Đề nghị rút nội dung về quy hoạch không gian biển quốc gia

Sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6. Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến nội dung chương trình có một số điều chỉnh.

Theo đó, chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Lý do là hồ sơ dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong khi 2 nghị quyết này cần xem xét, thông qua cùng một thời điểm.

Đồng thời, chưa trình Quốc hội xem xét việc phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia tại kỳ họp này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày. Ngày khai mạc là 23/10/2023 và ngày bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 15 ngày, từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 là 7,5 ngày, từ ngày 20 đến sáng ngày 29/11/2023.

Bên cạnh đó, chương trình được bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Bổ sung 3 báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.

Về quy hoạch không gian biển quốc gia, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa gửi hồ sơ tài liệu nên UBTVQH không kịp cho ý kiến tại phiên họp này. Do thời gian từ nay đến kỳ họp còn rất ít, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị rút nội dung này ra khỏi dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6.

Về dự kiến chương trình chi tiết, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp. Trong đó, không bố trí trình bày các báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 mà chỉ bố trí Quốc hội thảo luận nội dung này cùng với các nội dung về kinh tế - xã hội; bố trí Quốc hội thảo luận riêng tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (chiều ngày 9/11/2023); không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ 7.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị giữ nguyên tổng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày.

Chính phủ chuẩn bị 81 báo cáo, tờ trình để báo cáo Quốc hội

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 6. Theo Bộ trưởng, đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, Chính phủ phải chuẩn bị 81 báo cáo, tờ trình để báo cáo Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các phó thủ tướng, các bộ trưởng, đến nay đã gửi 79/81 hồ sơ. Trong 79 hồ sơ, các bộ, ngành đang tập trung hoàn thiện 10 tờ trình, báo cáo (chủ yếu về kinh tế - xã hội, đầu tư công, ngân sách).

Đối với 2 báo cáo về Quy hoạch không gian biển quốc gia và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa con người Việt Nam, hiện đang được Hội đồng thẩm định quốc gia họp và đang trong quá trình hoàn thiện để gửi Quốc hội, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang phát biểu tại phiên họp

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang bày tỏ đồng tình chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học và sắp xếp được nghỉ ngày thứ 7 để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu nhiều hơn.

Về nội dung, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, qua theo dõi, nhân dân rất quan tâm đến nội dung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Qua những nhiệm kỳ gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đảm bảo thời gian, trả lời rõ, nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng nhấn mạnh nhân dân rất quan tâm đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Nêu rõ đây là một hình thức dân chủ trực tiếp, ông Bùi Tuấn Quang bày tỏ mong muốn việc tổ chức lấy phiếu được thực chất và đảm bảo hiệu quả.

Qua nắm tình hình, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, tình hình nhân dân trước kỳ họp cơ bản ổn định, nhiều vấn đề đã được các địa phương giải quyết tại cơ sở, hy vọng tại kỳ họp này, nhân dân theo dõi nội dung kỳ họp nhiều hơn. Ban Dân vận Trung ương đã có kế hoạch tiếp tục vận động nhân dân, nắm tình hình, theo dõi sát kết quả của Kỳ họp thứ 6 này.

Không bổ sung thêm nội dung trừ trường hợp cấp bách

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nội dung của kỳ họp sẽ phải chấp hành nghiêm kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, không bổ sung thêm nội dung vào chương trình trừ trường hợp cấp thiết, cấp bách, có ý kiến của cấp có thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có phiên họp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để có trao đổi về việc tổ chức kỳ họp.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ky-hop-thu-6-nhan-dan-rat-quan-tam-den-viec-lay-phieu-tin-nhiem-137739.html