Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII: Thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn nhiều vấn đề quan trọng

Tiếp tục chương kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII, chiều nay 10/7, trong phiên thảo luận tại 4 tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu về các nội dung liên quan đến tình hình KT - XH, QP - AN và nhóm vấn đề về đầu tư, tài chính ngân sách; chính sách dự kiến ban hành; sửa đổi các nghị quyết.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lê Thiết Hùng tham gia ý kiến về tình hình tội phạm có dấu hiệu gia tăng thời gian qua - Ảnh: Thanh Trúc

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lê Thiết Hùng tham gia ý kiến về tình hình tội phạm có dấu hiệu gia tăng thời gian qua - Ảnh: Thanh Trúc

Gợi mở các nội dung trọng tâm cần tập trung thảo luận, tổ trưởng các tổ đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp đối với chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn, tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, việc huy động nguồn lực để hỗ trợ các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, cấp xã năm 2024.

Các yếu tố cản trở động lực phát triển chậm được khắc phục như vấn đề giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu sử dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; công tác phối hợp và trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương...Thảo luận sâu về hiệu quả triển khai các nhóm chính sách địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng tham gia ý kiến thảo luận tổ - Ảnh: Thanh Trúc

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng tham gia ý kiến thảo luận tổ - Ảnh: Thanh Trúc

Góp ý vào tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, QP-AN 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024, các đại biểu cho rằng, báo cáo đã đánh giá sát, đúng, đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo đánh giá, mặc dù nền kinh tế đã có sự phục hồi, tuy nhiên nội tại nền kinh tế của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Nhiều chỉ số quan trọng đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 2,86% so với kế hoạch (từ 10% - 11%), thấp nhất từ trước đến nay...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng trao đổi, thảo luận với các đại biểu thuộc Tổ thảo luận số 4 - Ảnh: Hà Trang

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng trao đổi, thảo luận với các đại biểu thuộc Tổ thảo luận số 4 - Ảnh: Hà Trang

Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh nhìn nhận lại một số vướng mắc, tồn tại kìm hãm sự phát triển KT- XH địa phương. Trong đó, phải kể đến việc triển khai một số dự án còn chậm và tình hình giải ngân đầu tư công không đồng đều giữa các đơn vị, địa phương.

Đề nghị UBND tỉnh cần triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về tài chính, về thị trường để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào phát triển KT- XH. Tăng cường công tác quản lý thuế, nhất là đối với các hộ kinh doanh cá thể và kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời có giải pháp để thu thuế đối với những doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn nhưng chưa có nhiều đóng góp cho ngân sách của tỉnh.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân thảo luận về một số vấn đề liên quan đến đất ở, nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Hà Trang

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ly Kiều Vân thảo luận về một số vấn đề liên quan đến đất ở, nước sạch vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Hà Trang

Để nâng cao các chỉ tiêu phát triển KT- XH, nâng cao chỉ số GRDP, đại biểu cho rằng cần quan tâm 3 vấn đề: động lực, chất lượng và giải pháp dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Phân tích sâu về các vấn đề này, đại biểu cho rằng, hiện nay tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả để tạo động lực tăng trưởng, các nghị quyết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chưa được khai thác tối ưu. Chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Từ đó đề xuất các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cần phát huy tối đa dư địa để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm thảo luận một số vấn đề liên quan đến các công tác giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: Hà Trang

Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm thảo luận một số vấn đề liên quan đến các công tác giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: Hà Trang

Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có sự đánh giá và học hỏi kinh nghiệm một số địa phương trong toàn quốc. Đồng thời, cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm khiến một số dự án bị mất nguồn vốn. Trong đó, cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và mức độ chịu trách nhiệm của các cá nhân, tập thể.

Các đại biểu nghiêm túc, thẳng thắn thảo luận các chỉ tiêu chưa đạt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm - Ảnh: Thanh Trúc

Các đại biểu nghiêm túc, thẳng thắn thảo luận các chỉ tiêu chưa đạt trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm - Ảnh: Thanh Trúc

Một số ý kiến cũng đề nghị cần rà soát lại các dự án đã cấp chủ trương đầu tư, các dự án có thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời có chế tài xử lý đối với những dự án, những nhà đầu tư đã được cấp chủ trương đầu tư nhiều năm nhưng không triển khai thực hiện. Đề nghị các cấp có thẩm quyền thận trọng khi cấp phép các dự án khai thác khoáng sản; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn 2 huyện Đakrông, Hướng Hóa nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), một số đại biểu đề nghị tỉnh cần cân đối, bổ sung thêm nguồn lực cho các huyện đăng ký về đích huyện NTM nâng cao; đồng thời hướng dẫn rõ tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh đối với các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Về chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, nhiều đại biểu cho rằng cần xem xét, đánh giá đúng với thực tế. Chú trọng thực hiện tốt các nội dung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; hỗ trợ đất ở, cấp giấy CNQSD đất ở, đất sản xuất nhằm giúp người dân yên tâm định cư, phát triển sản xuất.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong thực hiện mục tiêu của Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Liên quan đến công tác chuyển đổi số, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp xã trên địa bàn tỉnh, đại biểu cho rằng, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã vẫn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho cán bộ địa phương trong xử lý các thủ tục hành chính; tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Do vậy, cần thiết có thể ban hành một nghị quyết chung trong toàn tỉnh để dành nguồn lực đồng đều bố trí cho dự án chuyển đổi số ở các địa phương.

Các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất phương án đối với các chính sách địa phương như: Quy định mức hỗ trợ đối với giáo viên, trẻ em và cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; mức chi Giải thưởng Bùi Dục Tài; mức thu, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024-2025.

Ngày mai 11/7, theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII sẽ tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn và thực hiện một số nội dung quan trọng khác.

Thông tin về kỳ họp sẽ được báo Quảng Trị online tiếp tục cập nhật.

Thanh Trúc - Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-quang-tri-khoa-viii-thao-luan-soi-noi-trach-nhiem-thang-than-nhieu-van-de-quan-trong-186833.htm