Kỳ cuối: Tìm 'chìa khóa' riêng cho mỗi tuyến phố

'Với vị thế Thủ đô của cả nước, sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội cần đậm yếu tố văn hóa, truyền thống', đó là lời khẳng định của bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội trong hội nghị lấy ý kiến về tổ chức chuỗi hoạt động phát triển kinh tế đêm Hà Nội.

“Gỡ” bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội:

Phố Tạ Hiện là điểm giữ chân du khách tham gia hoạt động về đêm. Ảnh: Khánh Huy

Hướng tới khai thác giá trị thương mại

Mục tiêu đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đêm gắn với yếu tố di sản. Bên cạnh các sản phẩm tour đêm trở thành “thương hiệu” như: Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”; tour đêm “Nhà tù Hỏa Lò”, Bảo tàng văn học Việt Nam,… cùng hoạt động sôi nổi của 5 tuyến phố đi bộ đã khoác màu áo mới cho du lịch Thủ đô khởi sắc.

Mặc dù được đầu tư chỉnh trang, cải tạo khu phố, khai thác tiềm năng sẵn có của khu vực, một số tuyến phố đi bộ chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí, tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) phải 2 lần tạm dừng để tu sửa vì “ế” khách. Nhiều tuyến phố mới mở như phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (quận Ba Đình) vẫn tồn tại các bất cập về chi phí thuê vỉa hè, giá vé gửi xe và nghèo nàn khu vui chơi, mua sắm, ẩm thực.

Nhìn sang Thái Lan, Thủ đô Bangkok có tới gần 20 tuyến phố đi bộ, chợ đêm sầm uất. Riêng tại Hà Nội, khu phố cổ có hàng trăm cửa hàng kinh doanh, một số cửa hàng bày bán đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống đa số mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Du khách ít có sự lựa chọn, vì vậy nguồn thu nhập kinh tế đêm không đáng kể.

Một chủ cửa hàng kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ sau dịch Covid-19 số lượng du khách vắng vẻ. Hầu hết du khách đều lấn cấn trong việc rút hầu bao để chi cho các sản phẩm thủ công từng là nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Việc kinh doanh ế ẩm trong khi chi phí thuê mặt hàng là 15 triệu đồng/tháng khiến các chủ cơ sở kinh doanh nơi đây điêu đứng.

Chia sẻ của một du khách Việt, đến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nhóm bạn anh có lựa chọn duy nhất là đến phố Tạ Hiện - nơi giữ chân du khách trong các hoạt động ăn uống, giải trí về đêm. Tuy nhiên, phố Tạ Hiện chỉ dừng lại ở “phố bia”, món ăn vỉa hè. Nhóm bạn trẻ sớm hụt hẫng khi khám phá, tận hưởng Hà Nội về đêm không có nhiều dấu ấn đặc biệt. Các tour du lịch khám phá di tích đều kết thúc trước 22h đêm. Từ khi lập đề án mở tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hồ Tây), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây và khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã được kỳ vọng mang đến sự tươi mới, nhộn nhịp về đêm nhưng khách vẫn vắng vẻ, cửa hàng ăn đóng cửa tắt đèn trước 23h đêm.

Trong khi, quan niệm “kinh tế đêm” là tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm từ 18h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Thực tế hiện nay, “khoảng trống” kinh tế đêm sau 24h bị “bỏ ngỏ”.

Khách quốc tế mua sắm trên phố Hàng Đào. Ảnh: Mộc Miên

Sẵn sàng đăng cai các sự kiện văn hóa, ẩm thực

Để “gỡ” bài toán kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội, việc xây dựng chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch cần phải được tính toán, có quy hoạch, bài bản rõ ràng.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và người dân. Trong đó, cần cơ chế chính sách đặc thù là điều kiện tiên quyết để xây dựng và phát triển kinh tế đêm.

Các sản phẩm du lịch đặc thù được kể đến: Du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực về đêm, du lịch mua sắm. Tại Hà Nội, hiện tại, khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Tại đây, có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trước thách thức trong việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế đêm theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Chính phủ, Sở Du lịch Hà Nội đang rốt ráo công tác thực hiện, triển khai kế hoạch. Cụ thể, Sở Du lịch Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với tên gọi “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”, tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn”.

Sắp tới, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng Cty Du lịch Hà Nội khảo sát xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch văn hóa, làng nghề trên khu vực sông Hồng, sớm đưa vào khai thác tour du lịch đường thủy kết nối Phố cổ Hà Nội với Làng gốm sứ Bát Tràng, di tích đền thờ Chử Đổng Tử.

Theo các chuyên gia du lịch, phát triển đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, giải trí, mua sắm. Nhìn vào kế hoạch kích cầu kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội, có thể thấy Sở Du lịch Hà Nội chưa quan tâm đầy đủ đến việc mở được nút thắt tăng chi tiêu của khách. Đó là chỉ tập trung hoạt động du lịch chưa có sự liên kết hoạt động thương mại với các hệ thống sản phẩm giá trị, đa dạng để khách mua sắm, thiếu địa điểm cụ thể để khách tiêu tiền. Thống kê chung có tới 70% chi tiêu của du khách tập trung vào ban tối.

Tại các tuyến phố đi bộ, hoạt động giải trí bó hẹp trong không gian phố đi bộ, chợ đêm hoặc vũ trường. Do thực hiện tuyến phố đi bộ xen kẽ các hộ dân kinh doanh và khu dân cư nên chưa đảm bảo về trật tự, gây xung đột với cộng đồng dân cư không tham gia vào kinh tế ban đêm.

Hầu hết, các sự kiện Tuần lễ văn hóa, ẩm thực đều được triển khai tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, do không gian lớn, tuyến phố trở thành “thương hiệu” thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nhằm kích cầu du lịch địa phương, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy kiến nghị Sở Du lịch Hà Nội cần phân bổ các sự kiện văn hóa cho các tuyến phố đi bộ tại Hà Nội. Phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã sẵn sàng đăng cai các sự kiện văn hóa, ẩm thực như: Tổ chức Tuần lễ văn hóa, ẩm thực Tây Bắc, ẩm thực Sơn La,… Sắp tới, UBND phường Trúc Bạch mong muốn tổ chức giới thiệu, trải nghiệm văn hóa Phở Việt Nam, văn hóa Trà, Tuần lễ các loại hình văn hóa trung thu,… Quy mô tổ chức đòi hỏi nguồn lực, kinh phí, nhân lực và “đòn bẩy” từ cơ chế, chính sách từ Sở Du lịch Hà Nội để mang đến trải nghiệm của người dân và du khách so với việc phát triển “tự lực” của địa phương.

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đã đón khoảng 14,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 38,7 so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,43 triệu lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 12,3 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng 68,3% với cùng kỳ năm 2022. Từ tháng 9 là mùa vàng đón khách du lịch quốc tế, hiện Hà Nội cũng đang nỗ lực các giải pháp kích cầu du lịch và đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, hướng đến mục tiêu đón 22 triệu lượt khách trong năm 2023.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-tim-chia-khoa-rieng-cho-moi-tuyen-pho-350700.html