Kỳ công nghề đục ruột cây tìm 'vàng' ở thủ phủ trầm hương

Để tìm được trầm trong những cây dó, những người thợ phải kỳ công đục, tỉa, lần theo từng mạch dầu li ti nhằm lấy lõi trầm hương mỏng dính ẩn bên trong thân cây.

Những ngày này, các cơ sở làm trầm hương, trầm cảnh tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật làm hàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Công việc tìm trầm trong thân cây nhìn bằng mắt có vẻ dễ dàng, song chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm mới thành thạo làm công việc này.

Tại cơ sở trầm hương Thiện Tâm ở xã Hương Giang (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), thời điểm này có 3 nhân công túc trực để làm nghề đục, xoi trầm. Họ là những thợ có kinh nghiệm, trú tại tỉnh Quảng Bình.

Ông Hà Thanh Hiểu (SN 1973, trú tỉnh Quảng Bình) làm nghề đẽo cây tìm trầm hơn 30 năm qua. Dịp này ông cùng hai người trong xã đến tại Hà Tĩnh để làm theo thời vụ.Theo ông Hiểu, nghề đẽo, tỉa trầm cần tính kiên trì, tỉ mỉ và cẩn thận mới cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng.

"Lớp trầm ở những thân cây khá mỏng, nó có những đường nhỏ li ti nên làm phải cầu kỳ, cẩn thận. Vừa tay làm, mắt phải nhìn thật kỹ. Bởi sơ sẩy tý sẽ mất tiền như chơi", anh Hiếu nói.

Tùy vào thế cây, người thợ phân đoạn trước lúc mài, đục. Để cho ra một sản phẩm trầm hương cảnh, phải thực hiện nhiều công đoạn gồm bổ, chẻ, đục, đẽo, phá, tỉa, mài và đánh bóng sản phẩm.

Người thợ dùng những chiếc đục đủ kích cỡ để phá, gạn, tỉa khúc dó bầu để tách ra miếng trầm.

Người thợ dùng những chiếc đục để bóc tách những phần gỗ không có trầm từ đó những vết vân đen trầm dần dần lộ ra.

Tỉa” là người thợ dùng chiếc đục xoi, xỉa những phần thịt màu trắng nằm dính sát vào mạch trầm để miếng trầm chỉ còn tinh màu đen, nếu miếng trầm dầu nhiều sẽ bóng loáng trông rất bắt mắt.

Nhiều gốc trầm qua bàn tay điêu luyện, tỷ mỉ của thợ lành nghề đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt.

Những khối gỗ trầm hương qua bàn tay thợ lành nghề được chế tác thành nhiều góc trầm cảnh đẹp mắt.

Những sản phẩm trầm hương sau khi hoàn thành.

Trầm hương chính là nhựa cây do bị tổn thương bởi sâu, kiến đục thân hay do gãy cành, gãy ngọn. Tại những nơi cây dó bị thương, nhựa chảy ra, tự bồi đắp, tự chữa lành, sau 10 đến 15 năm tích tụ bởi thời gian, nắng và gió từ đó kết tạo thành trầm hương. Trong ảnh người dân huyện Hương Khê tự đục để cây dó tạo trầm.

Cây dó trầm cũng được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo”, khi nhiều gia đình ở xã miền núi Hương Khê vươn lên làm giàu trở thành tỷ phú nhờ trồng cây dó trầm.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ky-cong-nghe-duc-ruot-cay-tim-vang-o-thu-phu-tram-huong-post1606177.tpo