Kỳ bí 'con trăn khổng lồ' canh giữ Tử Cấm Thành hơn 600 năm

Theo một số giai thoại, Tử Cấm Thành có một 'con trăn khổng lồ' canh giữ suốt nhiều thế kỷ qua. Điều này khiến nhiều người tò mò 'con trăn khổng lồ' có thật hay không?

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc là cung điện hoàng gia tráng lệ của 24 hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh. Theo đó, hoàng cung gồm 9.999 gian phòng này chứa đựng nhiều bí mật. Kèm theo đó là một số giai thoại hấp dẫn về Tử Cấm Thành khiến công chúng tò mò về tính xác thực.

Một giai thoại nổi tiếng được nhiều người biết đến kể về một "con trăn khổng lồ" ẩn náu ở Tử Cấm Thành trong hơn 600 năm. Sinh vật kỳ bí này canh giữ hoàng cung rộng lớn, tráng lệ nhưng không ai biết nó "trốn" ở chỗ nào.

Tương truyền, dưới thời nhà Minh, vào một đêm nọ, trời đột nhiên nổi sấm sét trước khi mưa to, gió lớn ập xuống Tử Cấm Thành. Trận mưa lớn, sấm chớp kinh hoàng này còn khiến cánh cửa - nơi bảo thất của hoàng đế nghỉ ngơi bị hư hại.

Đêm hôm ấy, hoàng đế nhà Minh bừng tỉnh sau khi gặp một giấc mơ "lạ". Khi tỉnh dậy, gương mặt nhà vua toát đầy mô hôi và có chút kinh sợ.

Ngày hôm sau, vị hoàng đế kể về những điều đã gặp trong giấc mơ. Ông kể rằng đã nhìn thấy một con trăn khổng lồ trong giấc mộng tối qua. Theo đó, một số quan viên cho rằng đó là điềm báo về việc cần xây dựng một "con trăn khổng lồ" tại Tử Cấm Thành.

Nhà vua tin vào cách giải thích này và quyết định xây dựng một "con trăn" tại Bắc Kinh. "Con trăn" đó thực chất chính là sông Kim Thủy chảy dọc Tử Cấm Thành cho đến Đại sảnh Tần An.

Việc xây dựng sông Kim Thủy không chỉ giúp tạo ra khung cảnh ngoạn mục tại Tử Cấm Thành mà còn có tác dụng phòng cháy. Để đề phòng xảy ra hỏa hoạn trong hoàng cung, các cung nữ, thái giám sẽ lấy nước từ dòng sông này và đổ đầy vào trong các vạc đồng.

Nhờ vậy, khi xảy ra hỏa hoạn tại nơi nào đó trong Tử Cấm Thành thì sẽ có thể lấy nước nhanh chóng để dập lửa. Nhờ vậy, hoàng cung rộng lớn này không bị thiêu rụi trong các trận hỏa hoạn lớn nhỏ suốt nhiều thế kỷ qua.

Thêm nữa, việc xây dựng sông Kim Thủy còn giúp các cấu trúc bằng gỗ trong Tử Cấm Thành không bị quá khô. Dòng sông này có thể thay đổi độ ẩm trong không khí thông qua quá trình bốc hơi. Nhờ vậy, cung điện bằng gỗ lớn nhất thế giới này trường tồn với thời gian.

Ngoài ra, sông Kim Thủy còn có vai trò thoát nước trong mùa mưa. Nhờ vậy, công trình này không bị ngập nước trong những ngày mưa lũ lớn.

Mời độc giả xem video: Trung Quốc phát trực tuyến lớp học đầu tiên từ vũ trụ. Nguồn: VTV24.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/ky-bi-con-tran-khong-lo-canh-giu-tu-cam-thanh-hon-600-nam-1774552.html