Kỳ 3: Bất cập giá vé gửi xe 'đắt đỏ'

Hiện Hà Nội đang triển khai 5 tuyến phố đi bộ (4 tuyến phố nội đô và 1 tuyến phố ngoại thành Hà Nội). Sắp tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu thành lập 3 tuyến phố đi bộ mới là phố chuyên kinh doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết (năm 2023); phố đi bộ khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 2023) và phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam (năm 2024). Giữa thời điểm các quận, huyện rốt ráo lập đề án xây dựng tuyến phố đi bộ thì những bất cập về không gian sống cũng kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.

“Gỡ” bài toán phát triển kinh tế đêm tuyến phố đi bộ Hà Nội:

Du khách nước ngoài chụp ảnh kỷ niệm với khu ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá. Ảnh Mộc Miên

Tạo “thương hiệu” phố ẩm thực

18h, tối thứ 7 khi phố xá lên đèn cũng là thời điểm người dân sống trong khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) thay đổi nhịp sinh hoạt hằng ngày.

Khu phố nhỏ với cung đường ngắn nhưng được UBND phường Trúc Bạch quan tâm chỉ đạo việc thiết kế, chỉnh trang, cải tạo khu phố với mặt đường nhựa láng bóng, hàng loạt bức tranh bích họa, treo đèn lồng khu phố tạo cảnh quan đẹp đẽ. Nhiều du khách và người dân đến đây đều thích thú với diện mạo mới của khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá. Không gian giống như một “Hội An thu nhỏ” giữa lòng Hà Nội.

Cách đây 8 tháng, khi tuyến phố đi bộ chưa triển khai hoạt động, mỗi dịp cuối tuần nơi đây đón tiếp khá đông thực khách đến thưởng thức ẩm thực nổi tiếng. Trước đó, phố Ngũ Xã là điểm đến của giới trẻ yêu thích ẩm thực phở cuốn, phở xào phồng và bún Thái hải sản.

Sau khi triển khai tuyến phố đi bộ, khu phố ẩm thực thứ hai của Hà Nội đón hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế vào mỗi cuối tuần. Thưởng thức cảnh quan đẹp, ẩm thực ngon nổi tiếng rất nhiều người “rỉ tai” nhau về điểm đến mới khi khám phá Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Dân Huy - Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, từ khi triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ cơ bản đạt được mục tiêu Đề án giai đoạn 1, tạo được nét đặc sắc riêng so với các khu phố ẩm thực và khu phố đi bộ khác của Hà Nội. Đề án đã xác định việc tập trung dịch vụ ẩm thực từ nền tảng các nhà hàng kinh doanh món ăn nổi tiếng lâu năm tại phường Trúc Bạch. Đáp ứng tiêu chí phát triển dịch vụ ẩm thực đặc thù là thế mạnh.

Sau 8 tháng triển khai, có 12 cơ sở kinh doanh phát triển mới trong khu phố ẩm thực, đặc biệt là các khu vực phụ cận khu phố ẩm thực đã có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh cùng song hành. Doanh thu ước đạt 154% so với cùng kỳ năm 2022.

Ghi nhận thực tế tại các hộ kinh doanh trong khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá, từ khi tuyến phố chính thức đón khách tối ngày 23/12/2022, việc kinh doanh phát triển, đón lượng khách ổn định. Các hàng quán phở cuốn, cửa hàng kinh doanh tham gia vào phố ẩm thực, thực hiện quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đây, khu phố ẩm thực nổi tiếng với món phở cuốn, phở chiên phồng, lẩu Thái hải sản, lẩu ếch,… du khách ăn xong sẽ không có các hoạt động giải trí, tham quan thì nay sau với việc cải tạo cảnh quan tuyến phố và tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc, tuyến phố ngày càng thu hút du khách.

Người dân kêu trời vì giá vé gửi xe “cắt cổ”

Cùng với việc xây dựng thương hiệu khu phố ẩm thực mới Hà Nội thì câu chuyện về quỹ đất dành cho các hoạt động gửi xe vẫn là “khoảng trống” bất cập. Theo ý kiến của một số hộ kinh doanh, tuyến phố phục vụ hoạt động cho du lịch đã đáp ứng cơ bản tiêu chí của Đề án nhưng với một số người dân Hà Nội thì hoạt động gửi xe vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trước đây, khách hàng đến quán ăn được sắp xếp chỗ gửi xe, bước ra khỏi quán là lên xe đi về. Từ khi triển khai khu phố ẩm thực, người dân muốn đến ăn uống không có nhu cầu tham quan nhưng vẫn phải gửi xe với chi phí xe máy là 10.000 đồng/xe và phí ô tô tùy loại.

“Rất nhiều khách hàng quen của quán kêu trời về chi phí gửi xe đắt, mỗi bữa ăn phải trả chi phí gửi 40.000 đồng cho 4 xe máy nên khi thanh toán tiền ăn họ đều mặc cả việc quán phải chiết khấu cho phí gửi xe. Đôi lúc chúng tôi cũng phải cân đo để giữ chân khách hàng”, một chủ quán kinh doanh chia sẻ.

Một số ý kiến phản ánh khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ còn nghèo nàn các hoạt động, chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ngoài khu ẩm thực nổi tiếng.

Nhìn lại câu chuyện về việc thí điểm triển khai tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận cách đây 7 năm cũng phải giải bài toán về thực trạng “chặt chém” giá vé gửi xe khiến người dân bức xúc. Đó là tình trạng thu phí cao của các nơi trông giữ xe tự phát.

Sau 1 tháng thí điểm, Ban chỉ đạo thí điểm tuyến phố đi bộ hồ Gươm giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì tổ chức bàn giao 27 điểm trông giữ phương tiện bổ sung phục vụ Nhân dân tham quan không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm (từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật hàng tuần) cho Đoàn thanh niên Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đoàn thanh niên Công an thành phố tiếp nhận, tổ chức trông giữ đã nhận được sự ủng hộ lớn của người dân. Giá vé xe được thu theo đúng quy định: Xe đạp điện, xe máy điện là 2 nghìn đồng/lượt ban ngày, 3 nghìn đồng/lượt ban đêm. Xe máy là 3 nghìn đồng/lượt ban ngày, 5 nghìn đồng/lượt ban đêm.

Nhưng đến nay, những điểm trông giữ xe này gần như không còn thực hiện, nhiều người dân lâu nay phải gửi xe cao hơn mức giá theo quy định.

Mặc dù khu phố ẩm thực kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đang trong giai đoạn thí điểm, đã có sự sắp xếp việc trông giữ xe, nhiều hộ kinh doanh đều bày tỏ mong muốn về quy định gửi xe thay đổi để có thể thu hút và “giữ chân” khách hàng đến với khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã hơn.

Nhìn con số tăng trưởng về cơ sở kinh doanh và doanh thu có thể khẳng định, triển khai tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xá là hướng đi đúng nhưng trong quá trình thực hiện, những bất cập phải sớm tháo gỡ để tuyến phố đi bộ trở thành điểm đến hấp dẫn người dân và du khách.

(còn nữa)

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-3-bat-cap-gia-ve-gui-xe-dat-do-350212.html