Kỳ 2: 'Thôn thông minh' – Khi làng quê bứt phá nhờ chuyển đổi số

Nếu như Cẩm nang 'Làng số' là chiếc chìa khóa mở cánh cửa đưa người dân bước vào thế giới số, thì mô hình 'thôn thông minh' chính là hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nơi không chỉ có hạ tầng, cảnh quan đổi thay mà còn có công nghệ len lỏi vào từng góc nhỏ đời sống.

Tại Hà Nam, từ nền móng “Làng số”, nhiều thôn đã bứt phá, “lên đời” thành “thôn thông minh” nhờ chuyển đổi số toàn diện, trong đó có dấu ấn đậm nét của lực lượng Công an xã những người vừa bảo đảm an ninh, vừa là “kỹ sư số” của làng quê hiện đại.

Cán bộ Công an xã tranh thủ thời gian học sinh nghỉ hè để cấp căn cước cho các em học sinh.

Cán bộ Công an xã tranh thủ thời gian học sinh nghỉ hè để cấp căn cước cho các em học sinh.

Công nghệ hóa đời sống làng quê

Tại thôn Đông, xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng) nơi từng được xem là vùng quê thuần nông, đến nay đã trở thành điển hình tiên phong trong xây dựng thôn thông minh. Không còn những cuộc họp phải gõ cửa từng nhà, không còn tiếng loa vang lên giữa trưa nắng giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, trưởng thôn Nguyễn Văn Vũ đã có thể điều hành công việc, triển khai công việc qua các nhóm Zalo như nhóm chi bộ, nhóm Ban công tác Mặt trận, nhóm người dân toàn thôn. Mọi ý kiến, phản ánh từ cơ sở đều được tiếp nhận kịp thời, minh bạch và có thể xử lý ngay trong ngày.

“Từ ngày triển khai “thôn thông minh”, cuộc sống người dân thay đổi hẳn. Cán bộ thôn làm việc hiệu quả hơn, còn người dân thì hào hứng vì được tham gia, giám sát, phản hồi mọi lúc, mọi nơi”, anh Nguyễn Văn Vũ, Trưởng thôn Đông chia sẻ.

Không chỉ kết nối thông tin, thôn Đông còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp số hóa: 100% hộ dân được gắn mã địa chỉ số; gần 100% hộ kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã QR code để thanh toán không tiền mặt; Nhà văn hóa thôn lắp đặt wifi miễn phí phục vụ cộng đồng. Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt trên 92%, internet cáp quang phủ tới 85% số hộ. Việc tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu nguồn gốc sản phẩm, đặt lịch khám bệnh online… đều trở nên phổ biến.

Một trong những lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong việc “cắm rễ” công nghệ vào làng quê chính là Công an xã. Với việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, lực lượng Công an xã tại Hà Nam đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn trở thành những “kiến trúc sư chuyển đổi số” từ cơ sở.

Từ việc thu nhận và cấp căn cước công dân gắn chip, định danh điện tử VNeID, đến hỗ trợ người dân đăng ký tạm trú, khai sinh, đăng ký kết hôn trực tuyến, Công an xã đã giúp người dân tiếp cận công nghệ một cách trực tiếp và gần gũi. Đây chính là bước đệm quan trọng để người dân nắm bắt kỹ năng số, phục vụ cho cuộc sống, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Việc cấp căn cước cho các lứa tuổi trong quy định sẽ giúp xây dựng công dân số, xã hội số ngay từ cơ sở các làng quê.

Việc cấp căn cước cho các lứa tuổi trong quy định sẽ giúp xây dựng công dân số, xã hội số ngay từ cơ sở các làng quê.

“Chúng tôi xác định, việc chuyển đổi số không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của cán bộ xã hay ngành Công nghệ thông tin. Công an xã phải là người đi trước, dẫn đường, giúp bà con hiểu công nghệ không xa lạ nó là công cụ để làm cho cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn”, chỉ huy Công an xã Hoàng Tây khẳng định.

Với dữ liệu dân cư quốc gia làm nền tảng, lực lượng Công an xã có thể nhanh chóng xác minh nhân thân, xử lý các yêu cầu hành chính, phát hiện sớm rủi ro an ninh, bảo vệ người dân khỏi các hành vi lợi dụng không gian mạng. Việc liên thông dữ liệu còn giúp địa phương nâng cao chất lượng quản trị từ quản lý hộ tịch, đất đai, đến an sinh xã hội, chính sách.

Từ “công dân số” đến cộng đồng số

Sự lan tỏa từ mô hình thôn Đông không dừng lại ở một địa phương. Hiện nay, nhiều xã như Nhật Tựu (Kim Bảng), Thanh Thủy (Thanh Liêm), Ngọc Lũ (Bình Lục)... cũng đang từng bước hình thành “làng số”, phát triển thôn thông minh với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ tổ công nghệ số cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trong đó Công an xã là đầu mối kỹ thuật và quản lý chính.

Người dân dần làm quen với tư duy “không cần đến xã, không cần giấy tờ” – bởi mọi dịch vụ công cơ bản đều có thể thực hiện từ điện thoại. Các hợp tác xã nông nghiệp học cách quảng bá sản phẩm qua TikTok, Zalo OA, sàn thương mại điện tử. Thanh niên biết cách đưa các sản phẩm làng nghề lên sàn online, từ đó mở rộng đầu ra. Người cao tuổi được hướng dẫn dùng điện thoại thông minh để tra cứu y tế, nhận thuốc bảo hiểm, kết nối bác sĩ tư vấn từ xa.

Người dân ở các xã, thôn vui mừng trước sự đổi thay mạnh mẽ của chính quyền, xã hội số.

Người dân ở các xã, thôn vui mừng trước sự đổi thay mạnh mẽ của chính quyền, xã hội số.

Đặc biệt, công nghệ cũng đang giúp thôn xóm tăng cường tính tự quản: thông qua camera an ninh thông minh, hệ thống tiếp nhận ý kiến phản ánh qua Zalo, tổng đài tự động… các vấn đề xã hội được phát hiện và giải quyết nhanh hơn, chính xác hơn.

Từ những thôn quê nhỏ bé, Hà Nam đang tạo ra mô hình “thôn thông minh” nơi công nghệ không chỉ là công cụ phát triển mà còn là nhịp cầu gắn kết cộng đồng, là phương thức mới để xây dựng chính quyền kiến tạo, xã hội tương tác và người dân chủ động.

Đây không phải là sự “đi tắt đón đầu” theo phong trào, mà là cách Hà Nam “đi trước một bước” từ cơ sở – thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản trị và phát triển dữ liệu quốc gia. Với lực lượng Công an xã chính quy, dữ liệu dân cư được làm “sống”, nền tảng số được đưa về từng nhà, Hà Nam đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu: “mỗi công dân là một công dân số, mỗi làng quê là một tế bào của xã hội số”.

Từ “cẩm nang” đến cuộc sống, từ “làng số” đến “thôn thông minh”, từ nếp làng truyền thống đến mô hình làng quê thời đại số, Hà Nam đang khẳng định rằng: chuyển đổi số không bắt đầu ở thành phố, mà chính từ nơi chân ruộng, mái tranh, tiếng gà gáy sáng nơi người dân đang từng ngày thay đổi để vươn tới tương lai.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/ky-2-thon-thong-minh--khi-lang-que-but-pha-nho-chuyen-doi-so-i772012/