Kinh tế Xây dựng - Giao thông Không để 'nghẽn' hàng hóa

TTH - Phá điểm 'nghẽn', tạo thuận lợi cho lưu thông, vận tải hàng hóa giữa các địa phương và vùng dịch là mục tiêu đề ra hiện nay của Chính phủ.

Cảnh sát giao thông tỉnh hướng dẫn phương tiện vận tải đi qua “luồng xanh” ở Thừa Thiên Huế

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố “luồng xanh” quốc gia trên hệ thống quốc lộ cho các phương tiện ưu tiên lưu thông quá cảnh, nội vùng qua các tỉnh, thành trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Đơn vị này yêu cầu các sở GTVT cập nhật, xây dựng, công bố “luồng xanh” quốc gia, kết nối với “luồng xanh” nội tỉnh; lựa chọn công bố các vị trí dừng nghỉ cho các phương tiện phục vụ nhu cầu thiết yếu.

Việc tổ chức “luồng xanh” quốc gia, liên vùng và các tuyến vận tải trên phạm vi cả nước nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa; vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải chủ động liên hệ các đơn vị y tế phù hợp để khẩn trương xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho tài xế, người xếp dỡ hàng hóa trên xe. Tại các chốt kiểm soát tăng cường giám sát, kiểm tra y tế, đồng thời xét nghiệm nhanh các tài xế, phụ xe đi từ vùng dịch qua địa phương để sàng lọc, tạo điều kiện tối đa lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất kinh doanh với quan điểm “không ngăn sông cấm chợ”, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Để đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương tạo điều kiện tối đa lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất và kinh doanh; không tùy tiện dừng phương tiện để kiểm soát. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ vào xử phạt như “phạt nguội” vi phạm qua hình ảnh đối với những trường hợp lợi dụng các cơ quan chức năng tập trung phòng, chống dịch bệnh để vi phạm giao thông.

Tài xế, phụ xe vận tải hàng hóa được tầm soát khai báo y tế tại chốt kiểm soát Lăng Cô, Phú Lộc

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế quan tâm tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, công nhân, chuyên gia khi ra vào địa phương và các địa bàn khác trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Sở GTVT đã có văn bản công bố “luồng xanh” của tỉnh kết nối với “luồng xanh” quốc gia qua địa bàn tỉnh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể hướng từ Bắc vào Nam và ngược lại: QL1A - đường tránh Huế - rẽ xuống QL1A - km842+800 - đường dẫn hầm Phước Tượng - QL1A - đường dẫn hầm Phú Gia - QL1A - hầm Hải Vân - Đà Nẵng. Những phương tiện này được phát phù hiệu màu vàng tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ phía bắc và nam. Hiện bình quân mỗi ngày có khoảng 22.000 lượt xe vận chuyển hàng hóa, hành khách đi qua địa bàn và gần 1.500 lượt xe vận tải hàng hóa ra vào địa bàn Thừa Thiên Huế.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Đăng kiểm, Sở GTVT cho biết, các thông tin, hướng dẫn đối với xe vận chuyển hàng hóa đều được cập nhật liên tục trên trang điện tử của Sở GTVT. Đối với các phương tiện vận tải liên tỉnh chở hàng hóa vào địa bàn, trước hết cần DN hoặc chủ xe phải đăng ký khai báo y tế, lịch trình di chuyển nguồn hàng đi/đến bằng hình thức trực tuyến trên phần mềm của Sở GTVT hoạt động 24/24h. Khi qua chốt kiểm soát, nếu xe đi từ vùng dịch sẽ cấp phù hiệu màu hồng, vùng không dịch sẽ cấp phù hiệu xanh.

Sở GTVT cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xem xét, bố trí điểm xét nghiệm nhanh tại các chốt kiểm soát cho lái xe, người bốc xếp hàng hóa theo xe chưa có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện công tác kiểm tra phương tiện; bố trí luồng riêng hoặc tăng thêm các cửa kiểm tra để phục vụ các phương tiện.

Kể từ ngày 25/7/2021, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không để hàng hóa “đứt gãy” khi về vùng dịch, tại Thừa Thiên Huế sẽ không kiểm tra các phương tiện cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho người dân ở vùng dịch (khi đã được nhận diện mã QR của ngành GTVT) trên các tuyến đường, ngoại trừ khi phương tiện này đậu đỗ giao nhận hàng và không đảm bảo công tác phòng dịch. Đây là một giải pháp giúp phương tiện chuyên chở hàng hóa nêu trên lưu thông nhanh để đến cung ứng, phục vụ các địa bàn đang có dịch.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/khong-de-nghen-hang-hoa-a102734.html