Kinh tế tư nhân: Hành trình lột xác từ lực lượng bổ sung đến động lực quan trọng
Từ chỗ bị xem là 'lực lượng bổ sung' chịu nhiều nghi ngại, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vị thế 'động lực quan trọng' của nền kinh tế, được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng.
Lời mở đầu
Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử kinh tế Việt Nam thời kỳ Đổi Mới, sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 4/5/2025) như một “cú hích” mạnh mẽ, một “đường băng” vững chãi, thắp lên niềm tin và khát vọng lớn lao cho kinh tế tư nhân.
Cụ thể, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một dấu ấn lịch sử mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ và sự đồng lòng của Đảng, Chính phủ và Quốc hội trong việc kiến tạo một tương lai thịnh vượng cho kinh tế Việt Nam. Nghị quyết 68 là sự kết tinh của một quá trình đổi mới tư duy sâu sắc, đặt nền móng vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá. Với những định hướng rõ ràng về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực bình đẳng và đặc biệt là tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, Nghị quyết 68 đã mở thời kỳ mới cho khu vực kinh tế tư nhân.
Giá trị lịch sử của Nghị quyết không chỉ nằm ở việc ghi nhận vai trò mà còn ở việc khơi thông những "điểm nghẽn", thắp lên niềm tin và khát vọng cống hiến cho hàng triệu doanh nhân, tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế tư nhân thực sự trở thành đầu tàu dẫn dắt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường, tự chủ và phát triển bền vững.
Khẳng định "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Nghị quyết ghi nhận ở mức độ cao nhất của một hành trình đầy gian truân về sự trỗi dậy và khẳng định vị thế của khu vực kinh tế tư nhân. Từ những bước chân dò dẫm, mang nặng tâm tư của một “lực lượng bổ sung” chịu nhiều nghi ngại, khu vực kinh tế này đã kiên cường “lột xác,” vươn mình trở thành “động lực quan trọng” và hơn thế nữa là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.
Đây không chỉ là sự thay đổi về chính sách, mà còn là minh chứng cho một cuộc cách mạng trong tư duy, một sự chuyển mình sâu sắc trong nhận thức của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội về vai trò không thể thiếu của những con người dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. Quốc hội đã vào cuộc mạnh mẽ với những hành động cụ, thể thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp cận nguồn lực, thủ tục phá sản thông thoáng hơn, hạn chế hình sự hóa quan hệ kinh tế và ưu tiên doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đến các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng khó, phát triển công nghiệp phụ trợ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối giữa các thành phần kinh tế.
Khi cơ chế được “cởi trói”, niềm tin được thắp lên, các doanh nghiệp tư nhân, từ những “sếu đầu đàn” đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đã sẵn sàng cho những kế hoạch táo bạo.
Hành trình của kinh tế tư nhân Việt Nam là biểu tượng của sự kiên trì, đổi mới và khát vọng cống hiến. Từ những “con buôn” thầm lặng đến những “người kiến tạo” tương lai, những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đã và đang viết nên những câu chuyện về sức sống mãnh liệt trong nền kinh tế đất nước. Với những “cú hích” chính sách mang tính lịch sử, đặc biệt là Nghị quyết 68 cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và niềm tin của toàn xã hội, chúng ta có quyền hy vọng về một kỷ nguyên mới, nơi doanh nghiệp tư nhân không chỉ “lớn” về số lượng mà còn “mạnh” về chất lượng, thực sự trở thành những “sếu đầu đàn” dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam cất cánh, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một quốc gia phồn vinh, hùng cường.
Con đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách nhưng với ngọn lửa niềm tin và ý chí sắt đá, kinh tế tư nhân Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục viết nên những kỳ tích mới.
Với mong muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện và sâu sắc về quá trình chuyển đổi đầy thách thức này, Báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu chùm bài “Nghị quyết 68 và sứ mệnh lịch sử của kinh tế tư nhân”.
Bài 1: Kinh tế tư nhân: Hành trình “lột xác” từ lực lượng bổ sung đến động lực quan trọng
Sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân tại Việt Nam là minh chứng cho một cuộc "cách mạng" trong tư duy và chính sách. Từ chỗ bị xem là “lực lượng bổ sung” chịu nhiều nghi ngại, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vị thế "động lực quan trọng" của nền kinh tế, được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn kiện quan trọng của Đảng.
Hành trình này là một quá trình chuyển đổi sâu sắc, được đánh dấu bằng các nghị quyết quan trọng, từ Nghị quyết 10 (1988) khởi đầu cho đổi mới, đến Nghị quyết 10 (2017) mang tính bước ngoặt và đỉnh cao là Nghị quyết 68/NQ-CP (2025), được xem là "cú hích" then chốt, mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.
Từ nghi ngại đến khẳng định vai trò
Sự thay đổi trong quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh chính sách mà còn là sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vai trò của các thành phần kinh tế trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sự khai mở tư duy bắt đầu từ Nghị quyết 10-NQ/TW (5/4/1988), được ví như "Khoán 10" với hiệu lệnh đầu tiên mở ra cánh cửa cho tư duy đổi mới kinh tế tại Việt Nam. Đây là một bước đi mang tính đột phá, tạo tiền đề quan trọng để nhìn nhận lại vai trò của các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước. Mặc dù chưa trực tiếp đề cập đến kinh tế tư nhân một cách toàn diện, song Nghị quyết đã gián tiếp thừa nhận và đánh giá cao hiệu quả của kinh tế hộ gia đình, một hình thức sơ khai của kinh tế tư nhân. Sự công nhận này là bước khởi đầu cho một quá trình thay đổi sâu sắc trong quan điểm về vai trò của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Sự khai mở tư duy bắt đầu từ Nghị quyết 10-NQ/TW (5/4/1988), được ví như "Khoán 10" với hiệu lệnh đầu tiên mở ra cánh cửa cho tư duy đổi mới kinh tế tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)
Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh: “Trước năm 1988, kinh tế tư nhân là thuộc diện cải tạo và không được thừa nhận. Nhưng, Luật Công ty (năm 1990) lần đầu tiên đã chính thức thừa nhận phát triển khu vực kinh tế này. Đây là một dấu mốc rất quan trọng”.
Dấu mốc thứ hai, ông Hiếu chỉ ra Việt Nam có Luật doanh nghiệp (năm 2000) đây là sự hợp nhất giữa luật công ty và luật doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, Nghị quyết 21/NQ-TW (20/1/2003) ra đời tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tuy nhiên, Nghị quyết này đã đề cập đến kinh tế tư nhân với thái độ cởi mở hơn và nhấn mạnh việc "phát triển đa dạng các hình thức sở hữu," trong đó có kinh tế tư nhân. Ở giai đoạn này, kinh tế tư nhân mặc dù vẫn được nhìn nhận ở góc độ bổ sung cho kinh tế Nhà nước, nhưng điều này đã thể hiện sự thay đổi tích cực trong tư duy của Đảng. Việc công nhận và khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân, dù chỉ ở mức độ "bổ sung" song vẫn là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi.
Luật Doanh nghiệp bắt đầu áp dụng nguyên tắc “quyền tự do kinh doanh trong những gì mà pháp luật không cấm,” cùng với đó thủ tục thành lập doanh nghiệp cơ bản đã dễ dàng hơn.
Ông Hiếu phân tích, Luật Doanh nghiệp bắt đầu áp dụng nguyên tắc “quyền tự do kinh doanh trong những gì mà pháp luật không cấm,” cùng với đó thủ tục thành lập doanh nghiệp cơ bản đã dễ dàng hơn. Ông nhấn mạnh đây tiền đề để xây dựng lên lực lượng doanh nghiệp tư nhân ngày nay.
Kế đến là bước ngoặt lịch sử, Nghị quyết 10-NQ/TW (3/6/2017) đánh dấu sự đổi mới trong tư duy của Đảng về kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được khẳng định là "một động lực quan trọng" của nền kinh tế. Theo giới chuyên gia, đây là một sự thay đổi mang tính cách mạng, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cụ thể, Nghị quyết 10 xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân một cách toàn diện và bền vững. Trên cơ sở đó, Nghị quyết nhấn mạnh vào việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển lớn hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân và đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55% GDP. Đại hội cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: "Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế." Quá trình trên thể hiện sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, từ Nghị quyết 10 (2017) đến Đại hội XIII. Điều này cho thấy quyết tâm cao trong việc tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát huy hết tiềm năng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh năm 1990 là điểm khởi đầu của quá trình phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày nay. Tại thời điểm đó, sự tồn tại, hoạt động và phát triển của doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận chính thức về mặt pháp lý. Đây cũng là thời điểm hoạt động bao cấp đối với doanh nghiệp Nhà nước về cơ bản bị bãi bỏ. Theo đó, các xí nghiệp quốc doanh bắt đầu được chuyển đổi và tự chủ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc thị trường.
Ông Cung nhấn mạnh: “Hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành lực lượng “trung tâm” của nền kinh tế. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự đồng nhất, không gắn kết với nhau, thậm chí là tách biệt nhau một cách rõ nét. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài hầu như gắn kết rất ít với doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng không có nhiều liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp tư nhân trong nước."

Hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước trở thành lực lượng “trung tâm” của nền kinh tế. (Ảnh: Vietnam+)
"Cú hích" cho sự bứt phá
Sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một quá trình dài, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong tư duy của Đảng về vai trò của các thành phần kinh tế. Từ chỗ bị nghi ngại, kinh tế tư nhân đã dần được khẳng định là "động lực quan trọng" của nền kinh tế, được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn kiện quan trọng của Đảng.
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang, các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thực chất và khả thi.
Nhưng một trong những điểm quan trọng nhất là phải tạo được môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân.

Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang nhấn mạnh các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển đòi hỏi phải có sự đồng bộ, thực chất và khả thi. (Ảnh: Vietnam+)
Trong đó, các quy định về đấu thầu, về điều kiện tham gia các dự án lớn, các dự án trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, cần được đổi mới, hoàn thiện trên tinh thần cởi mở, bình đẳng, cho phép sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực kinh tế tư nhân đồng thời nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng tham gia hiệu quả vào các lĩnh vực chiến lược của đất nước thông qua các cơ chế và chính sách, như hình thành các kênh dẫn vốn trung-dài hạn phục vụ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngắn hạn từ ngân hàng; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch; Tiếp tục đổi mới cơ chế hợp tác công tư, áp dụng cơ chế vốn đối ứng với doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư vào các dự án trọng điểm chiến lược như công nghệ cao, R&D, hạ tầng chiến lược như trung tâm dữ liệu, pin năng lượng, cảng thông minh...
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68-NQ/TW được xem như một "đường băng" đủ dài và vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân "cất cánh" và phát huy hết tiềm năng.
Ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh với những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo ra những chuyển biến quan trọng và rõ nét, thể hiện ở sự sẵn sàng tham gia của một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân vào một số dự án trọng điểm của quốc gia trong các lĩnh vực như đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, năng lượng, hạ tầng chuyển đổi số… Cùng với đó, việc tạo thuận lợi cho quá trình kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau và với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI cần phải được nhấn mạnh thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, nhất là các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành.
Tại giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức đan xen, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68-NQ/TW được xem như một "đường băng" đủ dài và vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân "cất cánh" và phát huy hết tiềm năng.
Cụ thể, Nghị quyết khẳng định mạnh mẽ: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số." Đây là một sự ghi nhận xứng đáng đồng thời đặt ra những kỳ vọng lớn đối với khu vực kinh tế này.
Theo tiến sỹ Phan Đức Hiếu, Nghị quyết 68 khác với các đợt cải cách trước đây ở chỗ, nó không chỉ tập trung tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh mà còn đặc biệt chú trọng tăng cường bảo vệ doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết 68 nhấn mạnh đến việc giảm thiểu thanh tra, kiểm tra và xử lý hình sự hóa các vi phạm dân sự, kinh tế. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng tập trung vào việc khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Hành trình phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam là một câu chuyện về sự đổi mới, về sự thay đổi trong tư duy và chính sách. Từ chỗ bị nghi ngại, kinh tế tư nhân đã trở thành "động lực quan trọng" của nền kinh tế, được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng. Đến nay, Nghị quyết 68/NQ-CP là một "cú hích" quan trọng, tạo động lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự phát huy hết tiềm năng, ông Hiếu nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp. /.

Bài 1: Kinh tế tư nhân: Hành trình “lột xác” từ lực lượng bổ sung đến động lực quan trọng