Kinh tế Trung Quốc kém tích cực ảnh hưởng đến xuất khẩu và du lịch Việt Nam?

Các công ty chứng khoán cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kém tích cực có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi xuất khẩu và du lịch của Việt Nam.

Một số cập nhật về tình hình kinh tế Trung Quốc và tác động tới kinh tế Việt Nam

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại, bao gồm tiêu dùng suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù có nhiều lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn là tăng trưởng dương, đặc biệt khi chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng hỗ trợ.

Về mặt tích cực, Mirae Asset nhận thấy tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam, mặc dù vẫn rất đáng kể, nhưng đang giảm đi.

Thứ nhất đối với du lịch, trong 7 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc tăng lên 11% (từ tỷ trọng 3% trong năm 2022) sau khi Trung Quốc mở cửa lại kinh tế, mặc dù vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước đại dịch (chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế giai đoạn 2017−2019 và giảm 72,6% so với bình quân 7 tháng giai đoạn 2017−2019).

Mirae Asset cho rằng rủi ro cần lưu ý là sự phục hồi kinh tế chậm hơn kỳ vọng của Trung Quốc có thể khiến người dân Trung Quốc ngần ngại chi tiền để đi du lịch nước ngoài.

Trong các tháng sắp tới, du lịch vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhờ việc gia hạn thị thực điện tử cho du khách quốc tế từ 30 ngày lên 90 ngày kể từ ngày 25/8/2023. Nhìn chung, Mirae Asset vẫn tin rằng sự phục hồi của du lịch tiếp tục dẫn dắt doanh số bán lẻ của Việt Nam (tháng 7 tăng 7,1% so cùng kỳ; 7 tháng 2023 tăng 10,4% so cùng kỳ).

Thứ hai với xuất nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc như Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (+13,6% so cùng kỳ), Rau quả (+127,3% so cùng kỳ) có mức tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng 2023. Tính chung 7 tháng 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 2,4% so cùng kỳ, là điểm sáng trong khi các thị trường xuất khẩu khác sụt giảm so với cùng kỳ.

Đối với nhập khẩu, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, một số mặt hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc như Máy móc thiết bị (chiếm 54% tổng nhập khẩu của mặt hàng này), Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 29%), Vải các loại (chiếm 62%), Điện thoại và linh kiện (chiếm 38%), Sắt thép các loại (chiếm 42%). Trong 7 tháng 2023, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 18% so cùng kỳ (so với 2022 tăng 7% so cùng kỳ) trong bối cảnh sản xuất công nghiệp trong nước chậm lại.

Mirae Asset cho rằng, rủi ro cần lưu ý là sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, từ đó gây áp lực đối với hoạt động thương mại và sản xuất của Việt Nam. Thêm vào đó, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế chậm lại của Trung Quốc.

Thứ ba FDI, Mirae Asset cho rằng để quản trị rủi ro từ việc chuyển đổi cấu trúc, rủi ro địa chính trị, cũng như sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, các nhà sản xuất sẽ có động lực tìm kiếm thị trường mới để đặt nhà máy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc+1, nhờ Việt Nam thúc đẩy đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII được thông qua gần đây, cũng như chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh các yếu tố rủi ro kể trên, Mirae Asset thấy kinh tế Việt Nam nói chung đã có những dấu hiệu khởi sắc ban đầu: 1) Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 7, mặc dù vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, nhưng đây là lần suy giảm nhẹ nhất trong 5 tháng gần đây; 2) Sản xuất công nghiệp tháng 7 khởi sắc hơn tháng trước, ước tính tăng 3,9% so tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ; 3) Xuất khẩu sang Mỹ (-20,8% so cùng kỳ), EU (-7,9% so cùng kỳ) và Asean (-8,3% so cùng kỳ) bắt đầu thu hẹp đà giảm; 4) Doanh thu doanh thu du lịch lữ hành tăng 53,6% so cùng kỳ trong 7 tháng 2023 nhờ vào khách quốc tế tiếp tục hồi phục (tăng gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước); trong đó, khách từ Hàn Quốc đã hồi phục lại mức bình quân trước dịch COVID, chiếm gần 29% tổng lượt khách trong 7 tháng 2023.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng rất lớn đến từ việc Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ.

Đà phục hồi xuất khẩu và du lịch của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng

Chứng khoán VietCap (VCSC) cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc kém tích cực có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi xuất khẩu và du lịch của Việt Nam.

Một số tổ chức quốc tế gần đây đã điều chỉnh giảm dự báo GDP năm 2023 của Trung Quốc. Đáng chú ý, Morgan Stanley và J.P. Morgan đã hạ dự báo lần lượt từ 5% xuống 4,8% và 4,7% sau khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tháng 7 với doanh thu bán lẻ và sản xuất công nghiệp ghi nhận kết quả thấp hơn dự kiến (2,5% so với cùng kỳ và 3,7% so với cùng kỳ, so với kết quả thăm dò ý kiến của Reuters là 4,5% và 4,4%), trong khi xuất khẩu giảm mạnh 14,5% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất trong 3 năm, sau mức giảm 12,4% so với cùng kỳ vào tháng 6.

Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư bất động sản (BĐS) đã giảm 8,5% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm 2023, từ mức giảm 7,9% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023. Dữ liệu mới nhất do Bloomberg tổng hợp đã tiếp tục dấy lên lo ngại về thị trường BĐS Trung Quốc khi 18/38 nhà phát triển BĐS niêm yết thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tăng từ mức 11 công ty trong năm 2022 và 4 công ty trong năm 2021.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2023, với việc mở cửa trở lại, Trung Quốc là thị trường duy nhất - trong số các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam - mà Việt Nam ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu.

Ngoài ra, khách du lịch Trung Quốc dự kiến sẽ là một trong những nhân tố đóng góp chính cho đà phục hồi của ngành du lịch Việt Nam do khách du lịch từ Trung Quốc là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước dịch COVID-19, đạt 5,8 triệu lượt chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2019. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi xuất khẩu/sản xuất và du lịch của Việt Nam.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/kinh-te-trung-quoc-kem-tich-cuc-anh-huong-den-xuat-khau-va-du-lich-viet-nam-183255.html