Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 160 tỉ đô la bởi virus coronaKinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 160 tỉ đô la bởi virus corona

Giới chuyên gia cảnh báo dịch bệnh viêm phổi cấp gây ra bởi chủng mới virus corona (đại dịch Vũ Hán) sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu nói chung nặng nề hơn dịch SARS nhiều lần. Giáo sư kinh tế Warwick McKibbin của Úc xác định dịch SARS khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỉ đô la Mỹ hồi năm 2003, và tổn thất từ dịch virus corona có thể cao gấp 3-4 lần.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số ca nhiễm SARS tại Trung Quốc chỉ vượt mốc 5.000 sau hơn 6 tháng. Từ ngày 1-11-2002 đến 31-7-2003, Trung Quốc phát hiện 5.327 ca nhiễm SARS.

 Du khách trong trang phục truyền thống hanbok đi tham quan cung điện Gyeongbokgung (Seoul, Hàn Quốc) không quên mang khẩu trang y tế đê phòng ngừa virus corona. Ảnh: AFP

Du khách trong trang phục truyền thống hanbok đi tham quan cung điện Gyeongbokgung (Seoul, Hàn Quốc) không quên mang khẩu trang y tế đê phòng ngừa virus corona. Ảnh: AFP

Ngược lại, chỉ trong vỏn vẹn một tháng, số ca nhiễm virus corona đã vượt qua mốc 5.000. Virus mới được phát hiện tại thành phố Vũ Hán vào ngày 31-12-2019. Tính đến hết ngày 31-1-2029, toàn Trung Quốc có 259 người chết, 11.791 ca nhiễm virus corona, tổng cộng thế giới đã có 11.948 ca nhiễm, theo số liệu mới nhất công bố sáng 1-2 từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.

"Virus Vũ Hán" tàn phá kinh tế toàn cầu

Theo Bloomberg, giáo sư kinh tế Warwick McKibbin thuộc trường Đại học Quốc gia Úc ở Canberra cho biết nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 17 năm qua. Do đó, tác động của dịch virus Vũ Hán với nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu đáng kể hơn nhiều so với năm 2003.

"Quy mô nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn rất nhiều. Do đó, tổn thất của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới cũng sẽ lớn hơn nhiều lần", vị giáo sư kinh tế nổi tiếng cho biết, ông phân tích rằng: "Sự sợ hãi - chứ không phải những ca tử vong - sẽ đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu".

Theo tính toán của giáo sư McKibbin, năm 2003, ông ước tính dịch SARS gây tổn thất kinh tế 40 tỉ đô la Mỹ, và dịch virus corona có thể gây thiệt hại tương đương 120-160 tỉ đô la, đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trước đó, các nhà kinh tế của Nomura dự báo virus corona sẽ khiến GDP Trung Quốc sụt giảm hơn 2% từ mức 6,1% của năm 2019.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia Chang Shu, Jamie Rush và Tom Orlik của Bloomberg phân tích năm 2003, Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Năm 2020, con số này đã tăng lên đến 17%. Do đó, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của dịch virus corona sẽ lớn hơn nhiều.

Họ cho rằng ở khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngay trong trong quí 1-2020. Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản cũng là những nền kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực.

Các khách sạn, nhà hàng và điểm du lịch tại nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng "virus Vũ Hán" còn nghiêm trọng hơn cả dịch SARS năm 2003.

Theo Bloomberg, từ Tokyo (Nhật Bản) cho đến London (Anh), các khách sạn, sòng bạc, hãng hàng không và doanh nghiệp bán lẻ đang đối mặt với nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng khủng hoảng khi Trung Quốc hủy các tour du lịch nước ngoài và chính quyền nhiều quốc gia thắt chặt kiểm soát biên giới để chặn dịch virus corona.

Năm 2018, có tới 163 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài, con số lớn hơn cả tổng dân số Nga. Chi tiêu của du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% doanh số bán lẻ du lịch toàn cầu.

Năm 2003, khi dịch SARS bùng phát, chỉ khoảng 20 triệu người Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài. Có thể nói, rất nhiều thành phố quốc tế, thương hiệu xa xỉ và ngành bán lẻ sống nhờ vào túi tiền của du khách Trung Quốc.

"Mọi người đều so sánh dịch virus corona với dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên tác động của dịch với du lịch toàn cầu lớn hơn nhiều, bởi hiện rất nhiều người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài", nhà phân tích Luya You của Bocom International cho biết.

Theo thống kê của công ty phân tích Jefferies, du khách Trung Quốc chi tiêu 150 tỉ đô la trong dịp Tết Nguyên Đán 2019. Ngành bán lẻ du lịch - mảng kinh doanh bao gồm mua sắm hàng miễn thuế và bán lẻ tại sân bay cũng như các trung tâm giao thông khác - có quy mô lên đến 79 tỉ đô la vào năm 2018 và tăng trưởng rất mạnh tại châu Á.

Khi dịch virus corona bùng nổ, Hồng Kông, Singapore và Malaysia lập tức thắt chặt kiểm soát biên giới với Trung Quốc. Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc, trong khi Mỹ kêu gọi người dân nước này không nên tới quốc gia 1,4 tỉ dân.

Hàng không và công nghiệp dịch vụ "dính đòn"

Các hãng hàng không như British Airways (Anh), Cathay Pacific (Hồng Kông), American Airlines (Mỹ)... đồng loạt ngừng hoặc giảm số chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc

"Việc các hãng hàng không cắt giảm số chuyến bay tác động không chỉ tới các sân bay và cửa hàng, mà còn làm gián đoạn cả một hệ sinh thái, dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng", các nhà phân tích của Jefferies giải thích.

 Các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Macau vắng vẻ vì dịch corona. Ảnh: StraitsTimes

Các địa điểm du lịch nổi tiếng tại Macau vắng vẻ vì dịch corona. Ảnh: StraitsTimes

Hai trong số những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hồng Kông và Macau. Du lịch Hồng Kông đã lao đao vì nhiều tháng biểu tình và virus corona là cú đòn mới đánh mạnh vào bán lẻ và du lịch thành phố này.

Còn tại Macau, số lượng du khách từ Trung Quốc đại lục sụt giảm 82% trong dịp Tết Nguyên Đán 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các sòng bạc ở Macau, nhân viên bảo vệ đeo khẩu trang, đo thân nhiệt từng vị khách.

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán thường là thời điểm Macau đón lượng khách nhiều nhất trong năm tới du lịch hoặc chơi bạc. Năm nay, các nhà phân tích kinh tế dự báo, doanh thu của các sòng bạc tại Macau sẽ giảm ít nhất 30% trong thời gian hạn chế du khách.

Giá cổ phiếu của các công ty đánh bạc tại Macau hiện đã giảm mạnh từ 4-6%. Nhiều sòng bạc và nhà hàng tại Macau đã phải đóng cửa vì không có khách. Một số khu phố sầm uất cũng vắng tanh do lệnh hạn chế khách du lịch. Macau cũng đã thực hiện lệnh hạn chế giao thông với khu vực đại lục. Hàng chục chuyến bay, tàu phà, đã bị hủy bỏ. Chính quyền thành phố cũng tăng thời gian nghỉ Tết cho người dân, kéo dài đến giữa tuần sau.

Tại Nhật Bản, virus Vũ Hán cũng đang đe dọa mục tiêu thu hút 40 triệu khách du lịch trong năm 2020 mà Thủ tướng Shinzo Abe đặt ra. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, năm ngoái, gần 9,6 triệu du khách Trung Quốc đến Nhật Bản, chi tiêu 16,2 tỉ đô la.

"Ngành du lịch Nhật Bản sẽ lao đao vì Trung Quốc hủy các tour du lịch ra nước ngoài. Nếu tình hình nghiêm trọng như hồi dịch SARS, nền kinh tế Nhật Bản có thể thiệt hại 611 tỉ yên Nhật (khoảng 5,6 tỉ đô la)", nhà kinh tế Yuki Masujima của Bloomberg cho biết.

Tương tự, doanh số bán hàng miễn thuế và doanh thu các sòng bạc tại Hà Quốc cũng bị ảnh hưởng. "Hàn Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào du khách Trung Quốc", nhà phân tích Jun Young-hyun của SK Securities cho biết. Ước tính trong tháng 11-2019, du khách Trung Quốc chiếm 35% tổng du khách nước ngoài đến Hàn Quốc.

Lotte Group, tập đoàn sở hữu hàng loạt trung tâm mua sắm và khách sạn, cho biết nhiều đoàn du khách Trung Quốc đã hủy đặt phòng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch virus corona với ngành du lịch Hàn Quốc.

Trong khoảng một thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018), tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Lượng khách du lịch quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018 đạt tổng cộng 349 triệu lượt, tăng 7%, chiếm 1/4 trong tổng khách du lịch thế giới. Châu Á đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất về lượng khách quốc tế trong giai đoạn 2000 đến 2018, phần lớn được cung cấp bởi Trung Quốc, thị trường nguồn hàng đầu thế giới.

Liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí hàng đầu thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu (GTERC), năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỉ đô la (tăng 5,2% so với năm 2017), chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới.

Đáng lưu ý, khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 đô la/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong nhóm đầu các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau Úc (3.370 đô la/ chuyến) và Singapore (2.440 đô la/chuyến).

Với số lượng lớn và mức chi tiêu hàng đầu thế giới, khách du lịch Trung Quốc đang được ngành du lịch châu Á coi trọng thu hút, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đến hầu hết các điểm đến ở Đông Nam Á.

Du lịch Đông Nam Á sẽ bị tổn thất nặng nề

Nhiều chuỗi khách sạn ở Đông Nam Á những ngày qua đã thông tin về tình trạng các đoàn du khách Trung Quốc hủy tour và đặt phòng. Ngành du lịch chiếm tới hơn 1/5 GDP ở các quốc gia như Thái Lan và Philippines, gấp đôi mức bình quân toàn cầu.

 Khi Trung Quốc và cả thế giới trong cơn khủng hoảng virus corona, vẫn có những khoảnh khắc ấm lòng đến từ sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Trong ảnh là các y bác sĩ tình nguyện đến Vũ Hán để góp sức trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: ChinaNews

Khi Trung Quốc và cả thế giới trong cơn khủng hoảng virus corona, vẫn có những khoảnh khắc ấm lòng đến từ sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Trong ảnh là các y bác sĩ tình nguyện đến Vũ Hán để góp sức trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: ChinaNews

Các nhà phân tích cho rằng Thái Lan nhiều khả năng là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về du lịch nhất tại Đông Nam Á. Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính tổng số du khách Trung Quốc đến nước này trong năm nay sẽ sụt giảm tới 2 triệu người.

Nếu Trung Quốc tiếp tục các biện pháp chặn dịch virus corona trong 3 tháng tới, ngành du lịch Thái Lan có thể thiệt hại khoảng 50 tỷ baht (1,6 tỉ đô la). Chính phủ Thái Lan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 một phần vì dịch virus Vũ Hán.

Năm ngoái, khoảng 11 triệu du khách Trung Quốc đến Thái Lan và chi tiêu gần 18 tỉ đô la, tương đương 1/4 tổng doanh thu từ du khách nước ngoài của xứ sở chùa Vàng.

Tại Philippines, 30 khách sạn thông báo du khách Trung Quốc đã hủy đặt 600 phòng ở Manila. Mới đây chính quyền Philippines cho biết sẽ ngừng cấp visa tại cửa khẩu cho các đoàn du khách Trung Quốc và vừa buộc 634 du khách Trung Quốc trở lại Vũ Hán.

Trong khi đó, Singapore tuyên bố sẽ không cho phép du khách từ Hồ Bắc vào nước này hoặc quá cảnh. Năm ngoái, khoảng 1/5 số du khách nước ngoài đến Singapore là người Trung Quốc.

"Dịch virus corona sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của ngành du lịch Singapore", ông Terrence Voonm, Giám đốc truyền thông Ủy ban Du lịch Singapore, cho biết. "Và tình trạng này sẽ còn kéo dài".

Tại Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 29-1 đã ra quyết định không đón khách đến từ vùng dịch corona. Theo yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại; tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua; dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch; cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Các các hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đã thông báo tạm dừng các đường bay đến Trung Quốc từ tháng 2-2020 do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch corona.

Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn chiếm vị trí số 1 trong số những thị trường đưa khách đến Việt Nam đông nhất. Việt Nam cũng là 1 trong 10 điểm đến được du khách nước ngoài ưa thích, lựa chọn. Năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, con số 5,8 lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam cũng chỉ bằng 3,5% tổng số 166 triệu lượt khách Trung Quốc ra nước ngoài.

Theo Bloomberg, AFP, ChinaNews

Tính đến hết ngày 31-1-2029, toàn Trung Quốc có 259 người chết, 11.791 ca nhiễm virus corona, tổng cộng thế giới đã có 11.948 ca nhiễm, theo số liệu mới nhất công bố sáng 1-2 từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.

26 quốc gia, vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh do virus corona

- Tổng số trường hợp mắc: 11.948 ,trong đó tại lục địa Trung Quốc: 11.791

- Tổng số trường hợp tử vong: 259, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 259

- Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 157

- 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/299733/kinh-te-toan-cau-co-the-thiet-hai-160-ti-do-la-boi-virus-corona.html