Kinh tế Đức 'đi lùi' vì Nga cắt mạch khí đốt, Trung Quốc 'quay lưng' thành đối thủ cạnh tranh
Kinh tế Đức - nơi từng được coi là động lực của châu Âu - đang tăng trưởng trì trệ kéo dài. Dưới đây là năm nguyên nhân đang 'kéo lùi' đầu tàu kinh tế châu Âu.

Kinh tế Đức đang gặp khó. (Nguồn: Business Times)
Cú sốc năng lượng từ Nga
Quyết định của Nga về việc cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022 đã giáng một đòn nghiêm trọng. Trong nhiều năm, mô hình kinh doanh của Berlin dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ để thúc đẩy sản xuất hàng công nghiệp và xuất khẩu.
Vào năm 2011, Thủ tướng Đức khi đó - bà Angela Merkel - đã quyết định đẩy nhanh việc chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân ở Đức và vẫn phụ thuộc vào khí đốt từ Nga để chuyển từ sản xuất than sang năng lượng tái tạo.
Moscow được coi là đối tác năng lượng đáng tin cậy với Berlin.
Khi Nga ngừng cung cấp năng lượng, giá khí đốt và điện sản xuất từ khí đốt ở Đức tăng vọt. Cả điện và khí đốt là chi phí chính cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón, hóa chất và thủy tinh.
Theo một nghiên cứu của công ty nghiên cứu Prognos AG, hiện nay chi phí điện cho người dùng công nghiệp ở Đức trung bình là 20,3 EUR cent cho mỗi kilowatt giờ. Tại Mỹ và Trung Quốc, chi phí này chỉ 8,4 EUR cent.
Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo chưa mở rộng đủ nhanh để "lấp đầy khoảng trống" của Moscow tại Berlin.
Trung Quốc: Từ khách hàng thành đối thủ cạnh tranh
Trong nhiều năm, Đức đã hưởng lợi từ sự gia nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu.
Doanh nghiệp Đức đã tìm thấy một thị trường mới khổng lồ cho máy móc công nghiệp, hóa chất và xe cộ. Vào đầu và giữa những năm 2010, Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW đã thu được lợi nhuận khủng khi bán hàng vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Thời điểm đó, các công ty tại đất nước tỷ dân sản xuất các mặt hàng như đồ nội thất và đồ điện tử tiêu dùng không cạnh tranh được với thế mạnh cốt lõi của Đức.
Tuy nhiên, sau đó, các nhà sản xuất ở Trung Quốc đã "bắt tay" vào sản xuất các sản phẩm, mặt hàng tương tự như doanh nghiệp Đức. Cụ thể, các tấm pin Mặt trời do của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến mặt hàng này của Berlin bị lu mờ.
Trong khi đó, thép, máy móc, xe điện và pin xe điện của Trung Quốc cũng đang cạnh tranh với hàng hóa của Đức trên thị trường xuất khẩu.

Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW đã thu được lợi nhuận khủng khi bán hàng vào thị trường ô tô lớn nhất thế giới. (Nguồn: CNBC)
Trì hoãn đầu tư
Nhiều thế kỷ qua, đầu tàu châu Âu đã trì hoãn việc đầu tư vào các dự án dài hạn như đường sắt hay Internet tốc độ cao.
Người dân Đức đang "lắc đầu" với những chuyến tàu không chạy đúng giờ và tình trạng gián đoạn dịch vụ liên tục. Internet tốc độ cao vẫn chưa đến được một số vùng nông thôn.
Trong khi đó, một đường dây truyền tải điện từ miền Bắc của Đức đến các nhà máy ở phía Nam đã chậm tiến độ nhiều năm và sẽ không hoàn thành trước năm 2028...
Thiếu lao động có tay nghề
Các công ty Đức đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người lao động có kỹ năng phù hợp, từ những nhân viên công nghệ thông tin được đào tạo bài bản đến những người cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi hay những nhân viên khách sạn.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức đối với 23.000 công ty cho thấy, có 43% công ty cho biết họ không thể tuyển đủ người vào các vị trí còn trống.
Dân số già hóa ở Đức làm trầm trọng thêm vấn đề. Ngoài ra, các rào cản về thủ tục hành chính cũng gây trở ngại cho việc tuyển dụng những người nhập cư có kỹ năng cao.
Nhiều thủ tục, giấy tờ
Theo các công ty và nhà kinh tế Đức, các thủ tục và quá nhiều giấy tờ là một lực cản đối với nền kinh tế. Việc xin giấy phép xây dựng cho một turbin gió có thể mất nhiều năm hay các công ty lắp đặt tấm pin Mặt trời cần phải đăng ký với cả cơ quan quản lý nhà nước và công ty tiện ích địa phương...
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, bức tranh tăng trưởng kinh tế của Đức trong năm 2025 vẫn ảm đạm với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến chỉ tăng 0,3%. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo mức tăng thậm chí còn yếu hơn là 0,2%.
Với những thách thức khó giải quyết như vậy, Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel cho rằng, nền kinh tế Đức không chỉ đang vật lộn với những trở ngại dai dẳng mà còn với các vấn đề về cơ cấu. Đây sẽ là bài toán khó với đầu tàu kinh tế châu Âu.