KINH TẾ CHIA SẺ - LÝ VÀ TÌNH

Kinh tế chia sẻ là loại hình kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi đem lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội.

Vài năm trở lại đây, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, gần như đồng nhịp với thế giới dựa trên những nền tảng các nguồn lực xã hội sẵn có dồi dào, tâm lý chia sẻ với xã hội truyền thống và nền tảng công nghệ của xã hội số. Trước sự phát triển đó, ngày 12-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đây là bước ngoặt đánh dấu loại hình kinh tế rất mới này và mở ra những triển vọng thuận lợi để đưa các hoạt động kinh tế vào nền nếp, hạn chế, ngăn ngừa những bất cập, tiêu cực nảy sinh.

Nhìn lại thực tế những năm qua, bên cạnh cái được, hoạt động kinh tế chia sẻ ở nước ta cũng bộc lộ không ít khúc mắc cần được xem xét giải quyết cả về lý và tình, cả về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Với taxi công nghệ chẳng hạn, việc đánh thuế lái xe là đúng, là công bằng với taxi truyền thống. Việc tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân tổng cộng lên đến 4,5% (3% là thuế GTGT còn 1,5% là thuế thu nhập cá nhân) cũng được cho là hợp lý. Nhưng lấy mức thu nhập 100 triệu đồng người/năm để tính thuế là điều khiến nhiều lái xe cho là không thỏa đáng. Họ cho rằng, so với mức sống chung ở TP Hồ Chí Minh thì thu nhập như vậy là thấp, chưa kể việc không làm rõ việc giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân. Hoàn cảnh chung của phần lớn lái xe taxi công nghệ là người ngoại tỉnh, không có điều kiện kinh tế đủ bảo đảm, lại phải thuê nhà ở thành phố; con cái họ đều đang đi học… Và nhiều chuyện nữa, như họ phải tự lo mọi chi phí xăng, xe, phải đội mưa nắng làm việc từ 10 đến 14 tiếng mỗi ngày, rồi rủi ro tai nạn; họ lại không có công đoàn để chăm lo, bảo vệ quyền lợi; không có bảo hiểm như ở các doanh nghiệp. Theo tính toán và nguyện vọng chung, nếu xem xét đánh thuế với người lái xe có thu nhập từ 150 triệu đồng là thỏa đáng.

 Ảnh minh họa/qdnd.vn.

Ảnh minh họa/qdnd.vn.

Ở một góc nhìn khác có thể thấy, nhiều hoạt động của kinh tế chia sẻ chưa được đưa vào quản lý chặt chẽ. Rất nhiều người bán lẻ, cho thuê nhà (dịch vụ lưu trú), cho vay thông qua công nghệ tài chính-fintech và nhiều loại hình lao động, việc làm khác, như: Chăm sóc, chữa bệnh, giúp việc tại nhà... đều chưa được xem xét, đánh giá đúng để quản lý, bảo đảm quyền lợi khách hàng và thu thuế. Ngay cả với nhiều người cho thuê xe có lái hoặc tự lái tận dụng CNTT để lách luật trốn thuế và chối bỏ trách nhiệm khi có chuyện không hay hoặc sự cố xảy ra. Có ý kiến cho rằng, cơ quan thuế mới chỉ “túm kẻ có tóc” như các công ty công nghệ để thu thuế lái xe taxi công nghệ chứ nhiều ngành nghề khác còn buông lỏng.

Xã hội thương người, chia sẻ truyền thống và kết hợp với xã hội số là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi cho kinh tế chia sẻ phát triển. Nói chung là thế nhưng trong thực tế vẫn còn có những phân biệt của nhiều nguời đối với những người làm dịch vụ. Một ánh nhìn thân thiện, đồng cảm, một lời cảm ơn cũng hiếm. Ít đồng lẻ tặng lại gọi là cũng vậy, người dân ta chưa có thói quen cho tiền “tip” như ở nhiều nước khác. Nặng hơn là quát nạt, đánh mắng, lạm dụng tình dục, trừ tiền công rồi bùng chối hàng, bùng dịch vụ… Nói đi cũng phải nói lại, không ít người làm kinh tế chia sẻ thiếu đi sự tôn trọng, chia sẻ đúng mực. Những taxi, xe ôm công nghệ, người chuyển hàng phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, xả rác ra đường là chuyện thường thấy trên đường. Những người kinh doanh cho thuê nhà, thuê xe, cho vay tài chính không thật thà, không giữ chữ tín với khách hàng, những người làm dịch vụ không chất lượng, chê khách nghèo… cũng chả ít.

Công nghệ là do con người sinh ra, vậy nên từ góc độ quản lý hay góc độ phục vụ, hoặc tiêu dùng kinh tế chia sẻ đều cần xem xét và ứng xử sao cho thấu tình đạt lý. Kinh tế chia sẻ là một góc của cuộc sống, ở đó hội tụ sự gặp gỡ, sự quan tâm của Nhà nước và mỗi con người. Lợi thế của công nghệ chắc chắn sẽ làm tiện lợi, phong phú thêm cuộc sống của chúng ta khi ai ai cũng sẵn lòng đồng cảm, sẻ chia.

NGUYỄN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/kinh-te-chia-se-ly-va-tinh-592406