Kinh doanh thất bại do không gặp 'thời'?

CEO Đặng Đức Thành, Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành Công cho rằng, doanh nghiệp thất bại là do không hiểu, không biết, không nắm bắt và vận dụng đúng chữ 'thời' trong kinh doanh.

Ngày 8/9, tại TP HCM, Học viện Khởi nghiệp Thành Công và Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2018 – 2023 và Hội thảo với chủ đề “Chữ “thời” trong kinh doanh”. Sự kiện thu hút nhiều nhà kinh tế, doanh nhân đến tham dự.

Theo thỏa thuận được ký kết, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền và tổ chức các chương trình đào tạo khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2023.

Tại sự kiện, TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong giai đoạn cải cách và phát triển có tính chất bước ngoặt và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tạo dựng “Quốc gia khởi nghiệp” và thúc đẩy “đổi mới sáng tạo” chính là lựa chọn có tính chiến lược và cũng rất thực tiễn để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp và đi cùng thế giới.

Các diễn giả tại Hội thảo

CEO Đặng Đức Thành – Giám đốc Học viện Khởi nghiệp Thành Công, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, trong buôn bán kinh doanh, dân gian thường nói “làm ăn gặp thời” để chỉ việc mua bán, kinh doanh của một cá nhân, một tổ chức, doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, tốt đẹp, kết quả kinh doanh phát đạt. Chữ “thời” này phản ánh quan điểm cho rằng kinh doanh phụ thuộc nhiều vào chuyện may rủi.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, chữ “thời” mà ông Thành đề cập đặt dưới góc nhìn của khoa học quản trị và lợi thế cạnh tranh ngành. Trong đó, để có được thành công, nhà sáng lập hay lãnh đạo doanh nghiệp phải có tư duy chiến lược, tầm nhìn để nắm bắt và đoán định được đâu là ngành hàng tiềm năng trong hiện tại và tương lai? Xu hướng thị trường đã, đang và sẽ ra sao? Phải nhận định và phân tích được những điều kiện thuận lợi của môi trường kinh doanh, của ngành hàng, điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp, định vị và tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhằm dẫn đến thành công.

Như vậy, chữ “thời” là nhân tố khách quan giúp cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, kinh doanh thành công khi nó được phát hiện, phân tích trên cơ sở khoa học, với sự nhạy bén và bản lĩnh của nhà doanh nghiệp. Điều đó cũng trả lời cho câu hỏi tại sao cùng một thị trường, cùng hoàn cảnh và điều kiện kinh doanh nhưng có người nhìn thấy được cơ hội, tiềm năng của ngành, có người thì không.

Mai Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-doanh-that-bai-do-khong-gap-thoi-514025.html