Kinh doanh hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

*Bạn đọc hỏi: Chị Hà Tiên, trú TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), hỏi: thời gian gần đây, tôi thấy rất nhiều người bạn của mình bán hàng xách tay (HXT) có nguồn gốc từ nước ngoài. Vậy, việc kinh doanh HXT này có vi phạm pháp luật không?

*Bạn đọc hỏi: Chị Hà Tiên, trú TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), hỏi: thời gian gần đây, tôi thấy rất nhiều người bạn của mình bán hàng xách tay (HXT) có nguồn gốc từ nước ngoài. Vậy, việc kinh doanh HXT này có vi phạm pháp luật không?

*Luật sư Nguyễn Tấn Khoa - Trưởng phòng Xử lý vi phạm của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Dưới góc độ pháp lý, không có khái niệm "HXT". Đây là thuật ngữ dùng để chỉ những hàng hóa (HH) được sản xuất, phân phối ở nước ngoài và được những người đi du lịch, công tác vận chuyển trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam dưới hình thức xách tay. Thông thường, các loại HXT này không được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra nên chất lượng HH không được giám sát và do được sử dụng với mục đích làm quà biếu tặng, tiêu dùng nên không thông qua thủ tục hải quan, không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… Kể từ ngày 15-10-2020, thời điểm Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành, việc vi phạm hành chính (XPVPHC) đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán, tàng trữ giao nhận HH nhập lậu, hàng giả, hàng hết thời hạn sử dụng đã được quy định có chế tài xử phạt cao hơn nhiều so với trước đây. Do vậy, những người bạn của chị Tiên cũng như nhiều người khác kinh doanh HXT dưới bất kỳ hình thức nào cần phải lưu ý một số vấn đề sau: một là, mặc dù các loại HH này có hóa đơn từ nước ngoài nhưng không đủ các điều kiện về nhập khẩu: tem mác, giấy tờ nhập khẩu và không nộp các nghĩa vụ về thuế, phí thì vẫn bị xem là HH nhập lậu theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP và đương nhiên sẽ bị XPVPHC đối với hành vi buôn bán hàng nhập lậu. Hai là, các loại HXT này nếu đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định nhưng không phải hàng chính hãng hoặc hàng chính hãng nhưng hết thời hạn sử dụng thì vẫn có thể bị XPVPHC liên quan đến buôn bán hàng giả; buôn bán hàng hết thời hạn sử dụng hoặc có thể bị XPVPHC về hành vi buôn bán, tàng trữ để bán HH giả mạo nhãn hiệu của thương nhân khác. Ba là, ngoài việc bị XPVPHC cho mỗi hành vi vi phạm với mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân, tổ chức kinh doanh còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện, nộp lại số lợi bất chính... và nếu đã bị XPVPHC mà còn tái phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng với hành vi vi phạm. Như vậy, để tránh trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xử phạt khi kinh doanh HXT, người kinh doanh cần phải kiểm tra xuất xứ HH, thời hạn sử dụng và đã đủ các điều kiện nhập khẩu theo quy định của pháp luật hay chưa. Cụ thể như: đầy đủ hóa đơn chứng từ; không nằm trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; HH có giấy phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép); HH nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định; HH có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định pháp luật.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_234557_kinh-doanh-hang-xach-tay-co-the-bi-phat-den-200-tr.aspx