Kiều bào Gen Z có nhu cầu mua trái phiếu metro
Kiều bào mong TP.HCM tăng cường quảng bá về trái phiếu metro để thu hút đầu tư từ các kiều bào trẻ, gen Z, du học sinh đang làm việc tại nước ngoài có điều kiện kinh tế.
Ngày 18-1, nhân dịp họp mặt mừng xuân Ất Tỵ 2025, lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu và thảo luận Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”.
Đề án này được xây dựng và triển khai thực hiện với chủ trương, chính sách nhất quán là không can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối.
Cũng từ đề án này, TP.HCM muốn tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn, phát huy tối đa hiệu quả nguồn kiều hối, góp phần củng cố, đồng bộ với các chính sách huy động nguồn lực phát triển TP.HCM.
Thu hút kiều bào mua trái phiếu metro bằng sự minh bạch
Góp ý cho đề án này, GS Võ Hồng Đức, Giảng viên Đại học Quốc gia Úc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh, Kinh tế và Tài nguyên (Đại học Mở TP.HCM), mong TP.HCM có thể phát hành trái phiếu đô thị để có nguồn vốn đầu tư cho metro.
Để làm được, ông Đức cho rằng phải đảm bảo tính minh bạch và tính hiệu quả về mặt thể chế khi muốn kiều bào đầu tư vào kênh này.
Cụ thể, TP.HCM phải cam kết thực hiện đúng theo tiến độ dự án, cam kết về nguồn vốn bố trí cho dự án và nguồn thu từ giá trị đất tăng khu vực metro. Sau đó, phải tiếp tục nâng cao chất lượng của trái phiếu.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Văn Tâm, kiều bào Mỹ, cho biết TP.HCM cần đến 100.000 tỉ đồng để đầu tư vào metro, đó là nguồn vốn rất lớn. Ông gợi mở TP.HCM có chính sách cụ thể hơn về chuyển đổi số trong ngành xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào metro.
“Ngoài ra, có thể phát hành trái phiếu và nêu rõ các nguồn kiều hối được đầu tư vào hạng mục nào để kiều bào biết nguồn tiền của mình được sử dụng như thế nào”- ông Tâm góp ý.
Ông Nguyễn Phúc Bình, kiều bào Úc, nêu thực tế kiều bào trẻ, gen Z hiện nay có nhu cầu đầu tư rất lớn để tăng thu nhập. Đặc biệt là với du học sinh đã tốt nghiệp, hiện đang đi làm ở nước ngoài và có kinh tế ổn định.
“Ở Úc đầu tư tài chính không thuận lợi như ở Việt Nam, các bạn cũng muốn đầu tư trong nước nhưng loay hoay không biết làm như thế nào. Tôi cũng từng giới thiệu các bạn mua chứng chỉ quỹ ngân hàng, nếu có thời gian, kinh nghiệm thì mua chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu…”- ông Bình kể và mong muốn TP.HCM đẩy mạnh quảng bá về trái phiếu metro để thu hút nguồn đầu tư từ những người này.
Ngoài ra, ông Nguyễn Phúc Bình đề xuất TP.HCM xây dựng bộ chỉ số tác động kiều bào. Trong đó đánh giá tác động của kiều bào đến nền kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ và tác động xã hội.
Sau đó, định kỳ công bố bộ chỉ số này để đảm bảo tính minh bạch, vừa để người dân TP.HCM biết đến sự đóng góp của kiều bào, vừa đảm bảo niềm tin cho kiều bào rằng sự đóng góp của họ được ghi nhận.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đề án
Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore, đồng sáng lập Vietnam Brand Purpose, cho rằng bước đầu tiên khi thực hiện Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030” là cần xác định rõ các nhóm đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ đề án này.
Đó có thể là kiều bào, các du học sinh, doanh nghiệp, tổ chức định chế tài chính... Qua đó, TP sẽ có phương thức tiếp cận phù hợp với từng nhóm để thu hút đầu tư.
“Ví dụ, chúng ta nhắm đến các đối tượng là gen Z, các bạn du học sinh mới ra trường, kiều bào trẻ thì có thể triển khai chương trình mua nhà trả góp ở Việt Nam. Việc này vừa thu hút được lượng kiều hối, vừa có thể thu hút nhân tài quay trở về cống hiến”- bà Tri gợi mở.
Ngoài ra, bà Trần Tuệ Tri đề xuất TP.HCM có giải pháp khuyến khích các tổ chức tư nhân tham gia vào việc thực đề án. Theo bà, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ và viễn thông, có thể giúp tạo ra các sản phẩm sáng tạo, phục vụ cho nhu cầu đặc thù của kiều bào.
“Như hiện có rất nhiều người Philippines đang xuất khẩu lao động tại Singapore nên một công ty viễn thông tại Singapore đã triển khai một chương trình cho phép người Philippines chuyển tiền dễ dàng từ các ngân hàng ở Singapore về nước qua số điện thoại. Mô hình này cực kỳ tiện lợi”- bà Tri dẫn chứng và khẳng định đây là mô hình mà TP.HCM có thể học hỏi và áp dụng.
Ông Henry Bùi Xuân Hoàng, kiều bào Mỹ, mong TP.HCM tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp khoa học công nghệ được được đóng góp cho quốc gia. “Với những doanh nghiệp mang tiền và công nghệ, kiến thức về để xây dựng quê hương thì cần chính sách để ghi nhận sự đóng góp này”- ông Hoàng nói.
Trao đổi với các kiều bào, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua, TP đã và đang đón nhận sự đầu tư và sự tham gia tích cực từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn tới, bà Mai cho biết TP sẽ nâng cao chất lượng và sự minh bạch trong các sản phẩm, dịch vụ cũng như các chương trình hỗ trợ dành cho cộng đồng kiều bào.
Đề xuất thành lập "Hiệp hội kiều hối"
Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty kiều hối Vietcombank, nêu thực tế trong số 9,6 tỉ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2024 thì có tới 74,2% thông qua các công ty kiều hối (tức khoảng 7,1 tỉ USD).
“Hiện tại có khoảng 40 công ty kiều hối hoạt động đơn lẻ, độc lập và việc thành lập Hiệp hội kiều hối là một điều rất cần thiết nhằm chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động, các thông tin thị trường để phối hợp với nhau cùng khai thác và nâng cao giá trị, chất lượng dịch vụ, thiết lập các tiêu chuẩn chung về quản lý rủi ro”- ông Nam gợi mở.
Ngoài ra, ông Nam đánh giá việc thành lập Hiệp hội kiều hối còn giúp nâng cao sức cạnh tranh của kênh truyền thống với kênh chợ đen, giúp chuyển đổi một phần nguồn kiều hối từ "kênh chợ đen" sang "kênh truyền thống".
Từ đó, TP.HCM sẽ có thêm một nguồn tài chính để có thể điều hướng, điều tiết vào các hoạt động kinh doanh xã hội thiết yếu của TP.
Theo ông Nam, thành viên của Hiệp hội kiều hối không chỉ là các công ty kiều hối mà còn mở rộng sang các công ty xuất khẩu lao động, các công ty tài chính… và tạo thành một hệ sinh thái kiều hối khép kín.
“Qua Hiệp hội này, TP sẽ có cách để điều tiết, hướng dẫn các nguồn kiều hối đi vào các kênh chính thống nhằm tăng hiệu quả sử dụng”- ông Nam nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/kieu-bao-gen-z-co-nhu-cau-mua-trai-phieu-metro-post830722.html