Kiến nghị chưa xử phạt xe đưa rước học sinh theo Nghị định 168
Sở GTVT TP.HCM và đơn vị vận tải đưa ra nhiều kiến nghị về xe đưa rước học sinh, đặc biệt chưa xử phạt theo Nghị định 168/2024.
Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi đến Bộ Công an và Bộ GTVT về việc hướng dẫn các vướng mắc liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ theo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cần sớm ban hành quy chuẩn
Theo Sở GTVT TP, để triển khai thống nhất đến các đơn vị có liên quan về Luật Đường bộ, Luật trật tự, an toàn giao thông, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện, Sở GTVT kiến nghị Bộ Công an và Bộ GTVT xem xét, hướng dẫn một số vấn đề trong đó có liên quan đến hoạt động xe đưa rước học sinh.
Về vấn đề này, Điều 46 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định về thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, bỏ quên trẻ em trên xe. Cạnh đó, Điều 30 của Nghị định số 151/2024 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ) quy định về biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ. Các quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Tuy nhiên, chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn đối với thiết bị có chức năng cảnh báo, bỏ quên trẻ em trên xe. Do đó, Sở GTVT kiến nghị Bộ Công an xem xét hướng dẫn về quy chuẩn cụ thể của thiết bị có chức năng cảnh báo, bỏ quên trẻ em trên xe theo khoản 1 và khoản 2 của Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để các đơn vị liên quan thực hiện đảm bảo theo quy định.
Sở GTVT TP.HCM
Ngoài ra, về biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2024/BGTVT kèm theo Thông tư số 48/2024 của Bộ GTVT) có kích thước lớn (350 mm x 350 mm), nên khi đặt biển báo ở góc dưới bên phải kính xe sẽ làm hạn chế tầm nhìn của tài xế. Do đó, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh kích thước hoặc điều chỉnh vị trí gắn biển báo này cho phù hợp thực tế và đảm bảo an toàn.
Trong thời gian chờ hướng dẫn từ các đơn vị thực hiện, Sở GTVT kiến nghị lực lượng chức năng xem xét chưa xử phạt vi phạm đối với các phương tiện nêu trên theo Nghị định số 168/2024.
TP.HCM có quy định riêng về niên hạn xe chở học sinh
Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM, hoạt động xe đưa rước học sinh là một nhu cầu thiết yếu của các đô thị nói chung và ở TP.HCM nói riêng. Nếu ngành GTVT TP giải quyết tốt nhu cầu này sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và cả mỹ quan đô thị.
Trong gần 10 năm qua, TP.HCM đã rất chú tâm về công tác này nhưng trên thực tế, hoạt động vận chuyển học sinh cũng còn nhiều khó khăn. Cụ thể, mức trợ giá thấp trong điều kiện năng suất phương tiện loại hình này luôn ở mức thấp, nạn kẹt xe làm cho việc vận chuyển đúng giờ là điều nan giải, phương tiện vận chuyển chất lượng kém.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM
Trong năm 2025, hai luật mới là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-1, quy định thêm nhiều yếu tố bắt buộc khá nghiêm ngặt như phải gắn thiết bị chống bỏ quên học sinh trên xe; xe phải có màu sơn vàng riêng; xe phải gắn biển hiệu riêng khi lưu hành. Riêng ở TP.HCM, xe còn phải có niên hạn thấp hơn quy định chung của ngành đăng kiểm.
Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong khối liên quan đến các vấn đề trên.
Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM kiến nghị
Theo quy định của cơ quan đăng kiểm, niên hạn xe khách được phép sử dụng đến 20 năm. Tuy nhiên theo quy định của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, niên hạn xe này chỉ còn 15 năm, tức rút ngắn 5 năm.
Hiệp hội đề nghị chỉ nên quy định niên hạn 15 năm đối với các đơn vị mới tham gia kể từ ngày hai luật mới có hiệu lực, còn với những DN, HTX đã và đang thực hiện công tác này nên chấp thuận niên hạn xe là 20 năm theo quy định của ngành đăng kiểm nhằm khuyến khích các đơn vị vận tải.
Về mức trợ giá, hiệp hội cũng kiến nghị điều chỉnh mức trợ giá hiện nay vì đã tồn tại gần 20 năm nay (3.537đồng/2.830 đồng/lượt học sinh), không còn phù hợp với mặt bằng chung. Đây cũng là điều kiện nhằm động viên phía vận tải có điều kiện trang bị xe có niên hạn thấp hơn, gắn các thiết bị theo yêu cầu của luật mới. Một phương án nữa là tính toán lại phương thức trợ giá theo chuyến như trợ giá xe buýt thay vì theo lượt học sinh.
Về màu sơn riêng cho xe vận chuyển học sinh có thể gây hạn chế cho DN, HTX vì khó kinh doanh loại hình khác để nâng cao năng suất vận chuyển. Do đó, Hiệp hội đề xuất chỉ những xe chuyên kinh doanh vận tải học sinh mới sơn màu riêng biệt, các xe kết hợp vận chuyển cho sử dụng một màu khác và khi vận chuyển học sinh phải gắn biển báo dành riêng cho loại hình vận chuyển này.
Về lâu dài, chính quyền TP nên nghiên cứu tuyến ưu tiên hoặc dành riêng cho xe vận chuyển học sinh khi lưu thông nhằm giúp các em đến trường đúng giờ học. Đồng thời, việc này cũng giúp các đơn vị có thể quay vòng thêm chuyến.