Kiểm định khí thải xe máy thế nào ít tốn kém, đỡ gây phiền hà?
Theo chuyên gia, để việc kiểm định khí thải xe máy không gây phiền hà và tốn kém thời gian, tiền bạc người dân, ngành giao thông vận tải cần ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn, quy trình thủ tục và hướng dẫn chi tiết.
Đề xuất kiểm định khí thải xe máy từ 2027
Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất kiểm định khí thải xe máy tại Hà Nội, TP HCM từ 2027, thành phố công nghiệp từ 2030 và toàn quốc 2032.
VAMM vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải lộ trình kiểm soát khí thải, triển khai Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, những xe máy sản xuất trước năm 2010 sẽ áp dụng kiểm định khí thải mức 1 (CO 4,5% và HC 1,500 ppm); xe sản xuất sau năm 2010 kiểm định khí thải mức 2 (CO 4,5% và HC 1,200 ppm) theo TCVN 6438:2018.
Đại diện VAMM cho biết những xe máy sản xuất trước năm 2010 chưa bắt buộc tuân thủ theo Tiêu chuẩn kỹ thuật nên được đề xuất áp dụng tiêu chuẩn kiểm định khí thải mức 1 (thấp hơn mức 2), giúp người dân dễ dàng tuân thủ, nhất là người có thu nhập thấp. Xe sản xuất sau 2010 đến 30/6/2017 đã áp dụng theo TCKT Euro 2 và xe sản xuất sau 1/7/2017 áp dụng theo TCKT Euro3. Các loại xe này được thử nghiệm tương đương đạt mức 2.
Ước tính đến năm 2027, Việt Nam có 45,3 triệu xe môtô, xe gắn máy, trong đó xe sản xuất từ 5 năm trở lên cần kiểm định là 31,4 triệu. Tuy nhiên, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải đồng loạt trên toàn quốc thì sẽ có khoảng 0,7% số xe lưu hành cần thay thế. Việc này ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo do xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh chính. Do đó, VAMM đề xuất thực hiện trước tại thành phố lớn, nơi bị ô nhiễm không khí, để người dân làm quen kiểm định khí thải, sau đó mở rộng ra toàn quốc.
Hà Nội và TP HCM đang có khoảng 8,1 triệu xe máy trên 5 năm lưu hành. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam có 246 đại lý, trạm bảo dưỡng với công suất kiểm định khoảng 28.000 xe mỗi ngày. Mỗi năm các đại lý có thể đáp ứng được 6,9 triệu xe. Do đó, tần suất kiểm định trung bình hai năm một lần là phù hợp với năng lực của các đại lý.
Theo chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh, mục đích của việc kiểm định khí thải là để đảm bảo các xe tuân thủ tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Việc kiểm định giúp xác định xem xe máy có phát thải ô nhiễm vượt quá mức cho phép hay không, dựa theo các tiêu chuẩn quy định của cơ quan chức năng. Điều này nhằm nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng cách loại bỏ hoặc hạn chế xe phát thải quá mức, góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Việc kiểm soát khí thải xe máy đã được xem xét nghiên cứu từ những năm 2010, Chính phủ đã có đề án 909 về kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành. Tuy nhiên, do lượng xe máy tại Việt Nam rất lớn và với số lượng này thì kiểm soát khí thải là bài toán khá nan giải.
Để việc kiểm định khí thải ít tốn kém
TS Phạm Sanh đưa ra con số, ở TP.HCM, mỗi năm có khoảng 3.000 người chết hoặc suy giảm tuổi thọ, con số này cao gấp nhiều lần so với thương vong do tai nạn giao thông đường bộ. Vấn đề sức khỏe này đặt ra yêu cầu cấp bách rằng chúng ta phải kiểm soát khí bụi bẩn từ các xe máy.
TS Phạm Sanh nêu ý kiến, để việc kiểm định khí thải xe máy không gây phiền hà và tốn kém thời gian, tiền bạc người dân, ngành giao thông vận tải cần ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn, quy trình thủ tục và hướng dẫn chi tiết về kiểm định khí thải xe máy.
Trong đó đặc biệt phương án huy động khoảng 300 đơn vị trong hệ thống kiểm định xe cơ giới hiện nay với hơn 600 cơ sở bảo dưỡng xe, 1.800 đơn vị thuộc hệ thống các xưởng bảo hành bảo dưỡng xe máy. Tổng cộng sẽ có khoảng 2.700 đơn vị có thể kiểm định khí thải xe máy. Ngoài ra, có thể triển khai trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, sau đó lan tỏa dần ra khu vực khác.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thực tế đã xác định được những tác hại, ảnh hưởng của khí thải từ các loại xe môtô, xe gắn máy tới môi trường, sức khỏe con người.
Chưa kể, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kiểm soát khí thải đối với các loại phương tiện này từ lâu và cho kết quả tích cực. Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này càng để lâu càng khó thực hiện.
"Số lượng xe ngày càng tăng thì việc kiểm soát càng khó. Tôi nghĩ chúng ta phải làm ngay. Bài toán đặt ra bây giờ là quy trình kiểm định thế nào, kiểm định ở đâu... Sẽ không có vấn đề gì khó nếu chúng ta quyết tâm làm", TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... là những nơi tập trung lượng xe máy rất lớn. Theo chuyên gia, những địa phương này cần được ưu tiên thực hiện trước việc kiểm định khí thải. Ở những vùng núi xa xôi thì tỉ lệ xe vẫn còn ít, phát thải vào môi trường cũng chưa nhiều nên chúng ta có thể giãn tiến độ kiểm soát khí thải tại những vùng này. Tập trung làm tốt ở các thành phố lớn, nơi có lượng phương tiện nhiều thì sau đó việc triển khai ở các vùng khác sẽ dễ dàng hơn.