Kích thích kinh tế nhưng không gây nợ xấu
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sụt giảm mạnh. Đã có những ý kiến cho rằng, để tăng trưởng tín dụng, kích thích nền kinh tế thì phải nới lỏng điều kiện cho vay, thậm chí giảm tới 50% mức lãi suất cho vay hiện hữu.
Tuy nhiên, nếu làm như vậy, trong tương lai các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ xấu khó có khả năng thu hồi. Do đó, đây là lúc các TCTD phải vừa có những biện pháp tăng trưởng tín dụng, bảo đảm dòng vốn cho nền kinh tế, vừa vẫn hạn chế nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng đạt 3,26%
Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản nền kinh tế và hệ thống ngân hàng nhưng vẫn duy trì được kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường kinh doanh. Đối với các giải pháp về lãi suất, NHNN Việt Nam đã hai lần liên tục giảm lãi suất điều hành ở mức mạnh là 1,5%; kết hợp với đó là kiên quyết chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như giảm lương thưởng để hạ lãi suất cho vay. Vì vậy, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, kể cả các khoản vay hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới, đã giảm khá mạnh.
Về tín dụng, mặc dù nhu cầu tín dụng thời gian qua tăng chậm, đặc biệt tháng 4 và tháng 5 khá yếu nhưng hiện nay tín dụng đã tăng trở lại. Tính đến ngày 29-6, tín dụng tăng 3,26%, là mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn, giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch. Ngay từ đầu tháng 7, NHNN Việt Nam đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ tăng trưởng, vì vậy vừa qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả NHTM có vốn nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân, để ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn.
Tuân thủ quy trình cho vay để hạn chế nợ xấu
Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, vốn tín dụng có nguồn gốc từ tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp. Vì thế, trách nhiệm đầu tiên của các ngân hàng là phải bảo đảm an toàn nguồn vốn để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tăng cường tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn cho vay để bảo đảm an toàn và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà còn cho cả tương lai. Do đó, ngân hàng không được tùy tiện nới lỏng các điều kiện cho vay, không tùy tiện tháo gỡ các thủ tục, quy trình nghiệp vụ để bảo đảm an toàn vốn và chất lượng hoạt động tín dụng. Hệ thống ngân hàng có vận hành an toàn, lành mạnh thì mới bảo đảm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Theo ông Đoàn Mạnh Vinh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Hải Phòng: Trong hoạt động kinh doanh, đơn vị luôn đặt mục tiêu phát triển đi đôi với bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ban lãnh đạo Chi nhánh VietinBank Hải Phòng đã triển khai đồng bộ các tuyến kiểm soát rủi ro, thiết lập hạn mức rủi ro và giám sát mức độ tập trung danh mục tín dụng vào những lĩnh vực biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro cao để có những chỉ đạo điều chỉnh phù hợp. Đối với công tác tín dụng, chi nhánh quán triệt tới cán bộ, bộ phận liên quan đến công tác thẩm định, đề xuất cấp tín dụng tuân thủ nghiêm túc các quy trình, quy định hiện hành của NHNN Việt Nam, VietinBank trong việc nhận diện khách hàng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc quản lý, giám sát khách hàng hiện hữu được thực hiện định kỳ theo quy định (kiểm tra trực tiếp khách hàng, thông qua Trung tâm Tín dụng Quốc gia, thông tin truyền thông…) để quản lý chất lượng tín dụng của từng khách hàng và có biện pháp ứng xử kịp thời khi xuất hiện các biến động bất thường. Cán bộ quan hệ khách hàng, phòng quản lý có khách hàng chuyển sang nhóm nợ xấu phải thực hiện khai báo đầy đủ, kịp thời trên hệ thống phần mềm theo dõi của VietinBank để có biện pháp xử lý nợ nhằm thu hồi nhanh, cải thiện chất lượng tín dụng tại chi nhánh.
Cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng và NHNN Việt Nam khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như bảo đảm an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống các TCTD.
NHNN Việt Nam sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 và các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch vào ngày 23-1-2020 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại. “NHNN Việt Nam sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các TCTD từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan tỏa để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kich-thich-kinh-te-nhung-khong-gay-no-xau-626720