Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ lập quy hoạch xây dựng
Các địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc nhận tài trợ kinh phí, tài trợ sản phẩm quy hoạch và các vấn đề liên quan.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng chỉ rõ, quy định pháp luật về kinh phí cho việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí theo quy định của pháp luật cho lập quy hoạch xây dựng.
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Kinh phí cho lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị bao gồm: kinh phí từ ngân sách nhà nước được sử dụng để lập và tổ chức thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết không thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh; kinh phí của tổ chức, cá nhân được sử dụng để lập quy hoạch thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh.
Theo Bộ Xây dựng, trong việc tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng, để đảm bảo thực hiện đồng bộ, đúng quy định pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm quy định về tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng; pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan - Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc triển khai lập đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về trách nhiệm, thẩm quyền và trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Theo đó, các địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt phải tuân thủ theo quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, đất đai và pháp luật khác có liên quan; không để lợi dụng trục lợi, lợi ích nhóm,… đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, lập danh mục dự án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kế hoạch kinh phí từ ngân sách nhà nước làm cơ sở để chủ động bố trí kinh phí lập quy hoạch trên địa bàn theo quy định.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Quyết định số 1398/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng;
Cùng đó, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030./.