Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn hậu COVID-19
Tình trạng thiếu chip máy tính, sự tắc nghẽn tại các hải cảng, việc thiếu tài xế xe tải, chuỗi cung ứng hàng hóa và nguyên vật liệu toàn cầu đã rơi khủng hoảng suốt gần 2 năm qua, thậm chí được dự báo 'sẽ còn trở nên tồi tệ hơn' bởi hàng loạt các tác nhân.
Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm tăng giá đối với các mặt hàng tiêu dùng và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Thật không may, hãng phân tích tài chính và tín dụng Moody’s cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu “sẽ còn trở nên tồi tệ hơn”.
Moody’s cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai (11/10) vừa rồi: “Khi nền kinh tế thế giới đang dần lấy lại hơi thở, thì nó lại gặp phải một trở ngại lớn là sự gián đoạn trong cuỗi chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu và ở mọi góc cạnh”.
Trên thực tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ xuống một điểm phần trăm, mức cao nhất đối với bất kỳ nền kinh tế G7 nào. IMF giải thích rằng, nguyên nhân đến từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự suy giảm tiêu thụ - mà bản thân nó một phần được gây ra bởi sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, ví như thiếu ô tô mới bởi không có chip máy tính.
“Các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, việc chưa có chứng nhận vắc xin toàn cầu, rồi hàng hóa bị mắc kẹt trong nước đã kết hợp thành một cơn bão, nơi sản xuất toàn cầu sẽ bị cản trở vì giao hàng không kịp thời, chi phí và giá cả sẽ tăng. Do đó, tăng trưởng GDP trên toàn thế giới sẽ không mạnh mẽ như kỳ vọng”, Moody’s nhận xét thêm.
Cũng theo Moody’s, “mắt xích yếu nhất” có thể là tình trạng thiếu tài xế xe tải - một vấn đề đã góp phần gây ra tắc nghẽn tại các bến cảng và khiến các trạm xăng cạn kiệt. Thậm chí, nhà phân tích này còn cảnh báo rằng có “những đám mây đen phía trước”, bởi một số yếu tố khiến việc vượt qua những hạn chế về nguồn cung trở nên khó khăn.
Đầu tiên, Moody’s chỉ ra sự khác biệt trong cách các quốc gia đang chống lại đại dịch Covid-19. Ví như, Trung Quốc nhắm tới mục tiêu không có ca bệnh nào, còn Mỹ lại “sẵn sàng sống chung với Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu”.
Các nhà phân tích viết: “Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng trong việc hài hòa các quy tắc cho việc hàng hóa ra và vào cảng, cũng như đến các trung tâm thương mại trên thế giới”.
Vấn đề thứ hai là việc thiếu “nỗ lực toàn cầu phối hợp để đảm bảo hoạt động thông suốt” của mạng lưới vận tải và hậu cần trên toàn thế giới.
Dẫu vậy, những cũng có một số ý kiến lạc quan hơn về triển vọng chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới. Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho biết hôm thứ Hai (11/10) rằng: “Những trục trặc của chuỗi cung ứng này sẽ nhanh chóng biến mất”.
Dimon đánh giá trong một hội nghị của Viện Tài chính Quốc tế rằng: “Đây sẽ không còn là vấn đề vào năm tới. Tôi tin rằng các hệ thống thị trường tuyệt vời của chúng ta sẽ sớm điều chỉnh nó”.
Hoàng Huy (Theo CNN)