Khu vực phía Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 8

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông có những trao đổi với Báo Ấp Bắc về những ảnh hưởng của bão số 8 đối với khu vực phía Nam và những dự báo về tình hình mưa bão, hạn, mặn trong thời gian tới.

Đồng chí Võ Văn Thông.

Đồng chí Võ Văn Thông.

* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, cơn bão số 8 đang di chuyển vào đất liền ở khu vực phía Bắc nước ta sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến tình hình thời tiết ở phía Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Bão số 8 (có tên quốc tế là Kompasu) là một cơn bão mạnh, có đường kính lớn từ 500 - 600 km, đang hoạt động ở phía Bắc Biển Đông và dự báo bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta từ Thanh Hóa - Quảng Bình, gây ra mưa to đến rất to cho khu vực từ Nam Đồng bằng Bắc bộ đến Bắc Trung bộ.

Đối với khu vực phía Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 8, nhưng hoàn lưu của bão hút gió làm cho gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, thời tiết có mưa rải rác; trên đất liền có gió Tây Nam cấp 3, cấp 4. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (trong đó có vùng biển Gò Công) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2 - 4 m, biển động.

* PV: Từ nay đến đầu năm sau, tình hình mưa bão sẽ diễn biến như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Từ nay (13-10) đến cuối năm 2021 sang đầu năm 2022, trên Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động, trong đó có từ 1 - 3 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

* PV: Đồng chí có thể cho biết thêm về dự báo tình hình lũ và hạn, mặn trong mùa khô sắp tới ở Tiền Giang sẽ như thế nào?

* Đồng chí Võ Văn Thông: Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu (An Giang) ở mức thấp, thấp hơn mực nước lũ năm 2020 (năm 2020 là 2,88 m) và xuất hiện vào những ngày đầu tuần cuối tháng 10.

Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021 - 2022 từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15% - 25% so với trung bình nhiều năm.

Tình hình xâm nhập mặn cho mùa khô 2021 - 2022 đến sớm hơn và cao hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, mùa mưa được dự báo sẽ kết thúc muộn. Lượng mưa trong các tháng mùa khô tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng cao hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Do đó, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Tiền Giang không gay gắt như mùa khô 2019 - 2020, ở mức tương đương mùa khô 2020 - 2021 nhưng cũng có những thời đoạn xâm nhập mặn xấp xỉ mùa khô 2015 - 2016.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202110/khu-vuc-phia-nam-khong-chiu-anh-huong-truc-tiep-tu-bao-so-8-936507/