Khu Phố cổ - mang 'hồn cốt' của Thủ đô Hà Nội

Nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ là một 'viên ngọc quý' trong kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô, là nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Đây cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Khu Phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, tọa lạc ở vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.

Chỉ nằm trên một diện tích nhỏ hẹp, nhưng khu phố cổ Hà Nội là một phức hợp di sản, gồm có 121 di tích các loại, trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Chưa kể, hàng nghìn ngôi nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc giá trị.

Khu Phố cổ cũng là nơi hội tụ buôn bán sầm uất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử (Ảnh: Hữu Minh)

Từ bao đời nay, phố cổ cũng là nơi lưu giữ các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, nhất là nét đẹp cuộc sống hằng ngày, nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân và “kho tàng” ẩm thực của Hà Nội. Đây cũng là nơi hội tụ của 36 phố phường buôn bán sầm uất có bề dày hàng ngàn năm lịch sử.

Do vậy, mỗi tên phố thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống như: Hàng Bông, Hàng Gai, Lò Rèn, Hàng Đường... Mỗi một con phố đang lưu giữ những nét đặc trưng rất riêng của đất kinh kỳ về những ký ức về lịch sử, con người và đất nước.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khu Phố cổ tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô, tạo thành những dãy phố. Đã từ lâu khu phố cổ Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Trước đây, hầu như tất cả những con phố đều chuyên bán một loại mặt hàng mang thương hiệu riêng. Ví dụ phố Hàng Mã ngày xưa chuyên buôn bán đồ vàng mã để thờ cúng; phố Hàng Lược nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá, vốn là nơi có nhiều nhà buôn bán lược như lược gỗ, lược sừng và sau này là lược nhựa; phố Hàng Bạc là nơi mở lò đúc bạc...

Hiện nay, khu Phố cổ vẫn còn những nét kiến trúc khá độc đáo. Đi ngang qua phố cổ, nhiều ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên những nét rêu phong trước sự thay đổi của không gian và thời gian. Những ngôi nhà ống thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác, với những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở thành hình ảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô.

Bên cạnh đó, hàng loạt giá trị văn hóa phi vật thể sống động với những di tích chùa cổ, đình làng, đền, miếu, quán và cả những nhà thờ tộc với các lễ hội phong phú diễn ra thường niên trên các phố phường của khu Phố cổ Hà Nội. Chính nhờ những giá trị văn hóa đó mà ngày 5/4/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng khu Phố cổ là Di sản lịch sử của quốc gia.

“Trước thách thức của quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với bản sắc rất riêng có của mình, khu Phố cổ Hà Nội luôn thích nghi để tồn tại và phát triển. Mặc dù trải qua các đợt trùng tu nhưng phố cổ Hà Nội vẫn bảo tồn được nét văn hóa lịch sử, những bản sắc hấp dẫn toát lên từ những tuyến phố đi bộ, hấp dẫn từ các di tích”, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Có thể nói, Phố cổ Hà Nội là minh chứng rõ nét trong kiến trúc dân gian Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày đã mang đến nhiều ngạc nhiên thú vị cho du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.

K.T

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khu-pho-co-mang-hon-cot-cua-thu-do-ha-noi-114381.html