Không xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 tại Công ty Sợi Đà Lạt
Ngày 25/8, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Liên quan chùm ca bệnh Covid-19 tại Công ty Sợi Đà Lạt đến nay đã ghi nhận 146 ca nhưng không xác định được nguồn lây.
Do dịch đã lan ra cộng đồng nên việc xác định ca F0 đầu tiên không còn có ý nghĩa về mặt dập dịch. Hiện, ngành y tế tập trung triển khai các biện pháp chuyên môn đợt 3 để nhanh chóng cắt đứt, chấm dứt chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty Sợi Đà Lạt tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường
DIỄN BIẾN CHÙM CA BỆNH PHỨC TẠP
Từ ngày 5/8, trên địa bàn TP Đà Lạt xuất hiện chùm ca bệnh Covid-19 tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành liên quan tới 3 ca bệnh đầu tiên là công nhân của Công ty Sợi Đà Lạt (đóng tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt).
Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thực hiện khẩn cấp các phương án khoanh vùng, dập dịch tại Công ty Sợi Đà Lạt và 2 xã Trạm Hành, Xuân Trường.
Nhân lực huy động trên 250 người tham gia, tiến hành 2 đợt truy vết (đợt 1 từ ngày 9 - 15/8, đợt 2 từ ngày 16 - 19/8) để lấy mẫu sàng lọc cộng đồng nguy cơ phòng chống dịch Covid-19 tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường (TP Đà Lạt). Qua 2 đợt truy vết, đã khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm nhanh các đối tượng nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng cho tất cả người dân trên địa bàn 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường. Đồng thời, triển khai các hoạt động cách ly, điều trị theo quy định và truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa bàn, cụm dân cư về kiến thức phòng, chống dịch.
Kết quả, đã có gần 21.800 lượt người dân (chiếm tỷ lệ 92% dân số) tại 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành được lấy mẫu cộng đồng để làm xét nghiệm qua 2 đợt, số còn lại không lấy mẫu là trẻ em dưới 5 tuổi, công dân đi làm ăn xa, người đang thực hiện cách ly chưa về địa phương, người dân ở rẫy xa... Kết quả xét nghiệm RT-PCR các mẫu tại cộng đồng phát hiện 20 ca Covid-19 (đợt 1 có 16 ca và đợt 2 có 4 ca).
Theo phân tích đánh giá về mặt chuyên môn, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường ban đầu diễn biến phức tạp do phát hiện các ca bệnh đầu tiên không rõ nguồn lây, tập trung ở đối tượng nhân viên Công ty Sợi Đà Lạt. Sau đó, liên tục phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng là thứ cấp qua nhiều vùng lây nhiễm từ nguồn lây từ nhân viên Công ty Sợi Đà Lạt. Đến 7 giờ sáng nay 25/8 đã ghi nhận 146 ca gồm: 54 nhân viên, công nhân công ty và 92 ca lây nhiễm thứ phát. Phân bố tại TP Đà Lạt gồm: Trạm Hành 83 ca, Xuân Trường 44 ca, Phường 8 có 2 ca và Đơn Dương 17 ca. Tổng số đã truy vết 650 F1 và 916 F2 tại vùng dịch tễ Xuân Trường, Trạm Hành và Đơn Dương.
TIẾP TỤC QUÉT SẠCH NGUỒN LÂY NHIỄM TẠI CỘNG ĐỒNG
Nhờ việc tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch thần tốc, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng, đến hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 liên quan đến chùm ca bệnh tại Công ty Sợi Đà Lạt về cơ bản đã được kiểm soát, các ca bệnh mới chủ yếu xuất hiện trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa. Trong 4 ngày gần đây, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận chỉ 2 ca mắc mới liên quan đến Công ty Sợi Đà Lạt, là các trường hợp đã được cách ly tập trung từ trước. Trong khi 13 ngày liên tiếp trước đó từ ngày 5 - 17/8, liên tục ghi nhận ca bệnh Covid-19 liên quan Công ty này, cao nhất là 27 ca (ngày 6/8).
Tất cả các ca bệnh mới phát sinh trong khu vực phong tỏa từ ngày 9/8 đến nay đều đã được điều tra xác định rõ nguồn lây, cách ly kịp thời. Các ca bệnh tập trung theo từng gia đình đã thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “nhà cách nhà”, chưa ghi nhận các ca bệnh không rõ nguồn lây trong khu vực phong tỏa. Việc thực hiện phương pháp test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS- CoV- 2 để sàng lọc nhanh tại cộng đồng cho các đối tượng nghi ngờ, F1, F2, nguy cơ cao kết hợp với phương pháp xét nghiệm GeneXpert và phương pháp RT-PCR đã giúp nhanh chóng phát hiện các ca F0 và đưa nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, làm sạch cộng đồng.
Kết quả, 100% các trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2 dương tính có kết quả tương đồng với phương pháp RT-PCR cho thấy giá trị cao của phương pháp test nhanh kháng nguyên trên nhóm đối tượng nguy cơ.
Để nhanh chóng kiểm soát dịch, các cấp ủy, chính quyền 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường đã vào cuộc quyết liệt, quan tâm, sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cùng đội ngũ y tế xã, tổ Covid cộng đồng thực hiện tích cực, trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện, chuẩn bị nhân lực, cơ sở cách ly tập trung các trường hợp F1, cách ly tại nhà các trường hợp F2, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khi số ca bệnh mới tăng lên. Các ban, ngành, đoàn thể các thôn, tổ dân phố và tổ Covid cộng đồng đã phối hợp với trạm y tế 2 xã thực hiện tốt công tác nắm bắt địa bàn, điều tra dịch tễ, tổ chức khoanh vùng, cách ly, vệ sinh khử khuẩn... theo đúng chuyên môn hướng dẫn của y tế tuyến trên.
Thành lập các chốt kiểm soát dịch, kiểm soát nghiêm ngặt những người ra vào các thôn, tổ dân phố, cử cán bộ thường trực, thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ. Tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, phát thanh tại thôn, tổ dân phố, xe loa lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng...
Để kịp thời khống chế chùm ca bệnh Covid-19 liên quan Công ty Sợi Đà Lạt, ngành y tế tỉnh đã đã thực hiện ngay phương án “tác chiến”: Khi có ca F0 trong cộng đồng, việc điều tra dịch tễ xác định đúng đối tượng nguy cơ, F1, F2... rất quan trọng, kết hợp với chiến lược xét nghiệm hiệu quả, xen kẽ giữa phương pháp test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2, xét nghiệm GeneXpert và phương pháp xét nghiệm RT-PCR đã giúp bóc tách nhanh chóng các ca F0, ca nguy cơ cao ra khỏi cộng đồng, góp phần khoanh vùng, dập dịch kịp thời, nhanh chóng, không để dịch bệnh lây lan rộng.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong tình hình dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, toàn quốc với mức độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh, khó kiểm soát, gây tử vong cao... nên hệ thống y tế các tuyến từ tuyến xã, phường, thị trấn, tuyến huyện, thành phố đến tuyến tỉnh phải chủ động, trau dồi nâng cao kỹ năng chuyên môn, năng lực đáp ứng phòng chống dịch trong tình huống khẩn cấp, tránh bị động, bất ngờ. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra dịch tễ phải có kỹ năng, phán đoán, nhận định đúng vấn đề và ra quyết định nhanh, chính xác, không để sót các ca bệnh trong cộng đồng.
CDC Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ chuyên môn, truy vết, xét nghiệm tại vùng trọng điểm khoanh vùng, để tiếp tục kiểm soát triệt để phát hiện nhanh ca mắc trong vùng phong tỏa, giãn cách xã hội. Tỉnh ưu tiên phân bổ vắc xin, tăng cường tiêm vắc xin diện rộng phòng bệnh Covid-19 cho người dân trong vùng phong tỏa và tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, vận chuyển hàng hóa, nông sản tới thời kỳ thu hoạch, hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, khó khăn trong khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
Thông tin nhanh, kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương để chỉ đạo xử lý kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Lạt tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện, nhanh chóng cắt đứt, chấm dứt chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty Sợi Đà Lạt tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường.
Từ ngày 25/8, CDC Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Y tế TP Đà Lạt, Trung tâm Y tế các huyện Lâm Hà, Lạc Dương tổ chức đồng thời đợt thứ 3 truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm nhanh các đối tượng nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm cho các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường để tiếp tục phát hiện triệt để các ca bệnh, đối tượng nguy cơ trong cộng đồng, đánh giá chính xác mức độ nguy cơ của chùm ca bệnh liên quan Công ty Sợi Đà Lạt với mục tiêu quét sạch nguồn lây nhiễm, kết thúc dịch Covid-19 tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường (TP Đà Lạt).