Không sớm hình thành Khu Thương mại tự do tại Đà Nẵng sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá

Những ngày gần đây, dư luận tại Đà Nẵng rộ lên thông tin dời Khu Thương mại Tự do vào Quảng Nam sau khi hợp nhất 2 địa phương này. Thực hư chuyện này ra sao?

Kiến trúc sư Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị được giao quản lý Khu Thương mại tự do cho rằng, việc hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam để hình thành thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội lịch sử, mở rộng dư địa phát triển.

Về Khu Thương mại tự do, phương án tối ưu không phải là “kéo dài địa giới Khu Thương mại tự do” mà là xây dựng mô hình lõi kép – kết nối đa cực, tận dụng tối đa lợi thế riêng của từng vùng để tạo sức bật cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo ông Vũ Quang Hùng, giữ Khu Thương mại tự do tập trung tại Đà Nẵng và phát triển Quảng Nam thành "vệ tinh" hỗ trợ chính là phương án khả thi, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hệ sinh thái khép kín – Lợi thế "Không thể sao chép" của Đà Nẵng

Theo nghiên cứu, thành công của 1 Khu Thương mại tự do không phụ thuộc vào quy mô địa giới mà dựa trên sức mạnh liên hoàn của hệ sinh thái hạ tầng – công nghệ – tài chính – nhân lực. Đà Nẵng sở hữu chuỗi giá trị khép kín hiếm có.

Cụ thể, Đà Nẵng có cảng Liên Chiểu đã được đầu tư 3.426 tỷ đồng cho hạ tầng dùng chung. Đây là cửa ngõ logistics tối ưu hóa thông quan, giảm 30% chi phí vận chuyển. Trục công nghệ – sản xuất gồm Khu Công nghệ cao duy nhất ở miền Trung với hạ tầng hoàn thiện rộng 1.128ha, khu công nghê thông tin tập trung và các Khu, cụm công nghiệp lân cận. Các hạ tầng đồng bộ này tạo "hành lang nghiên cứu và phát triển – sản xuất – lắp ráp" ngay tại chỗ, có thể cung ứng đến 25.000 lao động chất lượng cao.

Đà Nẵng có nguồn năng lượng sạch, ổn định phục vụ Trung tâm Thương mại tự do

Đà Nẵng có nguồn năng lượng sạch, ổn định phục vụ Trung tâm Thương mại tự do

Bên cạnh đó, Trung tâm Tài chính Quốc tế đang được xúc tiến xây dựng tại Đà Nẵng sẽ cung cấp giải pháp sandbox tiền tệ số, bảo hiểm rủi ro ngoại hối, mở đường cho giao dịch xuyên biên giới.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có lợi thế “Kết nối đa phương thức” gồm Sân bay quốc tế hiện hữu cách vị trí dự kiến xây dựng Khu Thương mại tự do chưa đầy 30 phút; hạ tầng số dẫn đầu với tốc độ 5G 324 Mbps và 8 tuyến cáp quang biển.

Đáng nói hơn, Đà Nẵng còn có nguồn năng lượng sạch ổn định. Đó là Nhà máy LNG Hòa Ninh 1.500 MW (GĐ 1, mới được bổ sung vào danh sách dự phòng – Quy hoạch điện VIII) đảm bảo điện cho công nghiệp vi mạch bán dẫn và trung tâm dữ liệu.

Đà Nẵng có Trục công nghệ – sản xuất gồm Khu Công nghệ cao duy nhất ở miền Trung với hạ tầng hoàn thiện rộng 1.128ha, khu công nghê thông tin tập trung và các Khu, cụm công nghiệp lân cận.

Đà Nẵng có Trục công nghệ – sản xuất gồm Khu Công nghệ cao duy nhất ở miền Trung với hạ tầng hoàn thiện rộng 1.128ha, khu công nghê thông tin tập trung và các Khu, cụm công nghiệp lân cận.

Đây không chỉ là cơ sở hạ tầng mà còn là một "cơ thể sống" đã vận hành, sẵn sàng cho Khu Thương mại tự do hoạt động ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập Khu Thương mại tự do, không cần chờ đợi xây dựng hay điều chỉnh phức tạp. Bởi việc mở rộng Khu Thương mại tự do nếu cần thiết đã được quy định tại Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội.

Mở rộng Khu Thương mại Tự do vào Quảng Nam nguy cơ rủi ro kép về thời gian và nguồn lực

Khi hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam, nếu mở rộng Khu Thương mại tự do vượt quy mô cho phép tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức lớn. Đó là phá vỡ tính liên hoàn. Bởi với diện tích 12.800 km² sẽ làm giãn mạch máu logistics, tách rời chuỗi cảng – sản xuất – tài chính vốn đang ăn khớp tại Đà Nẵng. Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng quy mô lớn, xây dựng hạ tầng sơ cấp từ đầu có thể khiến Khu Thương mại tự do vốn đã chậm chân so với thế giới sẽ tiếp tục làm chậm thêm 2-3 năm so với kế hoạch.

Thời gian gần đây, dòng vốn FDI và GRDP tại thành phố Đà Nẵng tăng 11,36% cho thấy nhà đầu tư đang đổ về Đà Nẵng vì hệ sinh thái sẵn có. Vì vậy, việc dàn trải nguồn lực sang Quảng Nam có nguy cơ làm nguội lạnh lòng tin nhà đầu tư.

Giải Pháp "Lõi – Vệ tinh": Đà Nẵng giữ Khu Thương mại tự do, Quảng Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ

Theo nghiên cứu học tập từ các Khu Thương mại tự do đã thành công như Thâm Quyến – Đông Quan – Huệ Châu (Trung Quốc) cho thấy, thực tế là Khu Thương mại tự do cần một "lõi cứng" tập trung, kết nối với các "vệ tinh" chuyên biệt. Quảng Nam hoàn toàn có thể phát triển khu công nghiệp phụ trợ chuyên sâu nguyên liệu, linh kiện, tận dụng lợi thế đất đai rộng, nhân công giá hợp lý. Đồng thời, xây dựng trung tâm logistics vệ tinh dọc hành lang cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam, kết nối thuận lợi với cảng Liên Chiểu. Mặt khác, Quảng Nam có thể hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao cung ứng thực phẩm sạch cho Khu Thương mại tự do, giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Theo ông Vũ Quang Hùng. mô hình này đảm bảo cả hai địa phương cùng hưởng lợi. Đó là Đà Nẵng tập trung phát triển công nghệ cao, dịch vụ tài chính; Quảng Nam trở thành "bệ đỡ" sản xuất, tạo việc làm tại chỗ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Bản đồ phương án xây dựng Trung tâm Thương mại tự do

Bản đồ phương án xây dựng Trung tâm Thương mại tự do

“Việc hình thành Khu Thương mại Tự do tại Đà Nẵng không phải là cục bộ địa phương mà là chiến lược dựa trên thực lực và quy luật phát triển. Thay vì hy sinh tốc độ để mở rộng địa giới, cần tối ưu hóa "sức bật" từ hệ sinh thái khép kín sẵn có, đồng thời kích hoạt vai trò hỗ trợ của Quảng Nam. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà là cách để miền Trung hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm công nghệ và logistics của khu vực”, ông Vũ Quang Hùng nhấn mạnh.

Nếu không sớm hình thành Khu Thương mại tự do sẽ bỏ lỡ cơ hội

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, tại cuộc gặp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngày 18/4, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương có nói về Logistic. Tại đây, ông Trần Thanh Hải gợi ý Đà Nẵng nên tính toán lại nhiều vấn đề, xem xét Khu Thương mại tự do có nhất thiết phải đặt ở vị trí quy hoạch hiện tại hay không?. Ông Trần Chí Cường cho rằng, đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông Hải tại một hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp chứ không phải phát biểu tại hội thảo Khoa học về Khu Thương mại tự do.

Bản đồ dự kiến đề xuất các vị trí xây dựng trung tâm thương mại tự do tại Đà Nẵng

Bản đồ dự kiến đề xuất các vị trí xây dựng trung tâm thương mại tự do tại Đà Nẵng

Ông Trần Chí Cường khẳng định, quan điểm của thành phố Đà Nẵng là vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 136 của Quốc hội về thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do. Thành phố đang triển khai quyết liệt các bước theo yêu cầu của Trung ương.

“Trong tháng 4 này là phải hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó các vị trí cũng đã được xác định tại Đà Nẵng để trình Thủ tướng Chính phủ theo định hướng của Nghị quyết 136/QH15 và chủ trương của Trung ương. Những vấn đề khác cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu trong điều kiện của thành phố. Những vấn đề khác về sau vẫn còn phải điều chỉnh bởi thành phố đang làm thí điểm, sẽ tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu thêm. Bởi vậy, cái việc di dời địa điểm này kia không phải là việc thành phố mình phải quan tâm. Mà điều quan tâm nhất lúc này là phải làm sao hình thành được Khu Thương mại tự do và phát triển đúng theo yêu cầu của Trung ương. Thời gian không chờ đợi chúng ta”, ông Trần Chí Cường nói.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khi phát biểu về một vấn đề hệ trọng cần có sự nghiên cứu bài bản công phu chứ không thể nói một cách vội vàng. Theo ông Trần Đình Thiên, hiện chưa có một chủ trương gì khác về địa điểm xây dựng Khu Thương mại tự do theo yêu cầu của Trung ương.

“Phải có sự tổng hợp bài bản chứ không thể hóng hớt rồi “quất” lên ầm mà chả có lý giải gì. Bởi đã có ai có chủ trương di dời gì đâu nên không có cơ sở nào mà hùa theo việc đó, không nên dẫn dắt việc đó”, ông Thiên nói.

Cảng biển Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ

Cảng biển Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung đang khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành thành phố triển khai nhanh các phần việc được giao, tập trung phấn đấu kịp thời gian đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu Thương mại tự do ngay trong tháng 4 này, phải làm ngay chứ không chờ đến việc sáp nhập hai địa phương. Bởi vì việc hợp nhất 2 địa phương không có gì ảnh hưởng về chủ trương thành lập Khu Thương mại Tự do tại Đà Nẵng.

“Tôi đã có ý kiến với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc này rồi. Chúng ta phải quyết tâm trong kỳ họp Quốc hội này tham mưu ban hành được Nghị quyết về thành lập Khu Thương mại tự do, Trung tâm tài chính quốc tế. Vì chính sách này đang tạo ra sự quan tâm thu hút các nhà đầu tư rất lớn. Nếu chúng ta dừng lại là chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quan tâm các nhà đầu tư. Chúng ta không làm nhanh là mất cơ hội nên tôi đề nghị phải xác định rõ tâm thế và quyết tâm thực hiện”, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

Việc hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không chỉ mở rộng không gian phát triển mà cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế vùng theo hướng hiện đại, bền vững. Khu Thương mại tự do trong mô hình lõi sẽ trở thành động lực kép: vừa thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, vừa lan tỏa lợi ích đến vùng nông thôn và lao động phổ thông. Vì thế, Đà Nẵng đã và đang gánh vác sứ mệnh sớm hình thành Khu Thương mại tự do theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khong-som-hinh-thanh-khu-thuong-mai-tu-do-tai-da-nang-se-bo-lo-co-hoi-but-pha-post1193551.vov