Thông tin về việc Trung đoàn 920 sắp đưa vào khai thác máy bay huấn luyện T-6C được cung cấp trong chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài An tới đơn vị.
“Hiện nay Trung đoàn đang trong giai đoạn củng cố ổn định nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập, công tác, xây dựng cảnh quan môi trường và chuẩn bị mọi mặt để tổ chức ban bay đầu tiên trên sân bay mới và sẵn sàng tiếp nhận, khai thác và đưa vào huấn luyện đào tạo học viên trên loại máy bay mới (máy bay T-6C của Mỹ)", chỉ huy đơn vị nói rõ.
Như vậy sau các thông tin cho biết về việc Việt Nam đưa phi công sang Mỹ huấn luyện với máy bay T-6 Texan II và Washington đã viện trợ một số phương tiện này thì đây là lần đầu tiên được xác nhận về việc sắp đưa vào khai thác phương tiện trên.
Cần phải lưu ý đó là máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II cùng với T-38 Talon được coi là "lớp học trên trời" cơ bản của các thế hệ phi công tương lai trong Quân đội Mỹ.
Khác với T-38 Talon là máy bay phản lực, T-6 Texan II chỉ sử dụng động cơ turbine cánh quạt nhằm phù hợp với chức năng giúp phi công làm quen với bầu trời.
Chiếc T-6 Texan II được Không quân Mỹ đưa vào trang bị từ đầu những năm 2000 và hiện đang có mặt trong biên chế hơn 10 quốc gia khác.
Máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II được thiết kế và chế tạo bởi hãng Hawker Beechcraft và sau đó Textron Aviation đã giành được quyền sản xuất.
Hiện nay dây chuyền lắp ráp máy bay huấn luyện T-6 Texan II vẫn đang hoạt động, với hơn 800 chiếc được xuất xưởng với giá thành rất rẻ, chỉ khoảng hơn 4 triệu USD.
Trong thành phần chiến đấu của Không quân Mỹ, phi đội T-6 Texan II hiện có quân số lên tới hàng trăm chiếc, dòng máy bay này được đánh giá rất cao ở độ tin cậy và chi phí khai thác rẻ.
Điểm ưu việt của chiếc T-6 Texan II đó là nhờ kết cấu đặc biệt mà nó thực hiện được nhiều động tác thao diễn vô cùng linh hoạt mà máy bay động cơ phản lực cũng phải chào thua.
Trong Không quân Mỹ, việc làm quen với chiếc T-6 Texan II sẽ giúp cho các học viên phi công không bị bỡ ngỡ khi tiếp xúc với dòng T-38 Talon và tiếp theo là những chiếc tiêm kích đích thực.
Mặc dù có bề ngoài của một "máy bay bà già" nhưng buồng lái của máy bay huấn luyện T-6 Texan II có mức độ hiện đại không thua kém bất cứ chiếc phản lực tân tiến nào.
Ngoài phiên bản thông dụng, máy bay huấn luyện T-6 Texan II còn có biến thể cường kích tấn công mặt đất được định danh là AT-6B Wolverine với năng lực chiến đấu rất đáng nể.
Máy bay được trang bị tới 6 giá treo ngoài để mang pod súng máy, rocket hydra cỡ 70 mm và bom dẫn đường bằng laser, thậm chí cả tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder cho mục đích tự vệ.
So sánh về tính năng kỹ chiến thuật thì phiên bản AT-6B Wolverine thậm chí có thể so sánh với chiếc A29 Super Tucano rất nổi tiếng trên thị trường vũ khí hiện nay, do Tập đoàn Embraer của Brazil sản xuất.
Bạch Dương