Không khí lễ hội xuân trên thế giới
Từ Bắc Kinh, Seoul, Bangkok, Jakarta, Tokyo đến London, New York, Milan,… không khí lễ hội mùa xuân đang ngập tràn khắp muôn nơi.
Không khí xuân tại Trung Quốc
Ở Trung Quốc, tính đến ngày 28/1, ước tính có khoảng 226 triệu cuộc hành trình du xuân tại quốc gia tỉ dân này, chỉ trong 7 ngày nghỉ lễ, theo China Daily. Hoạt động lễ hội mùa xuân năm nay tại Trung Quốc đặc biệt hơn những năm khác bởi nó diễn ra ngay sau khi Chính phủ nới lỏng các lệnh hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch COVID-19, cho phép người dân quay trở lại cuộc sống bình thường.
Dù vậy, quốc gia này vẫn đang rất thận trọng trong việc ứng phó với dịch bệnh, nên có nhiều sự kiện lớn đã không diễn ra. Trong khi người dân Trung Quốc đang tận hưởng lễ hội, quốc gia này đã không lơi lỏng trong việc kiểm soát và ứng phó với COVID-19. Trước và trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cơ quan y tế Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị, đặt khu vực nông thôn lên ưu tiên hàng đầu trong công tác chống dịch, đồng thời kêu gọi bố trí cẩn thận các nguồn lực và dịch vụ y tế cho các nhóm trọng tâm như người già và trẻ em. Các nhà phân tích cho biết, với sự chuẩn bị đầy đủ, hầu hết các nơi đều đã vượt qua đợt lây nhiễm gia tăng, khiến tình hình dịch bệnh nói chung ở Trung Quốc có thể kiểm soát được.
Hàng năm vào dịp này, các lễ hội thường diễn ra tại các ngôi đền, chùa nổi tiếng, phục vụ các chuyến du lịch tâm linh, cuộc hành hương của người dân để cầu mong may mắn, tài lộc. Bên cạnh đó còn có các hội chợ nhộn nhịp, trưng bày các sản vật, sản phẩm truyền thống, tác phẩm nghệ thuật cùng các món ăn ngon. Thế nhưng, rất nhiều sự kiện đông người đã được hạn chế tại Trung Quốc.
Đơn cử, công viên Taoran Ting tại Bắc Kinh là nơi thường diễn ra các hoạt động lễ hội đón xuân đầu năm nhưng năm nay các hoạt động này đều bị cắt giảm. Tuy nhiên, điểm đến này vẫn thu hút đông đảo du khách tản bộ qua những cây cầu ngang qua những chiếc đèn lồng giấy được vẽ ký tự “hạnh phúc”. Hay tại khu phố đi bộ Qianmen nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, người dân vẫn có thể cảm thấy không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới, du xuân nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn trong bối cảnh “bình thường mới”.
Ở các tỉnh thành khác, báo chí địa phương cũng ghi nhận đông đảo người dân, du khách đến thăm quan, du xuân đầu năm tại các khu chợ ngoài trời, trung tâm thương mại, công viên được trang trí bằng đèn lồng đỏ, câu đối Tết, xem múa lân, biểu diễn nhào lộn,… Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, các hội chợ hoa truyền thống trước Tết Nguyên đán đã được nối lại, thu hút hàng trăm gian hàng bán hoa, đồ thủ công và đồ ăn nhẹ, trong khi các màn trình diễn sôi động như múa lân cũng được tổ chức. Tiếng cười nói rôm rả của du khách, tiếng nô đùa của những đứa trẻ, tiếng người bán mời chào hàng, tiếng cổ vũ của đám đông trong khung cảnh hân hoan là những hương vị không thể thiếu trong các lễ hội đầu năm, đặc biệt thân thương hơn với người Trung Quốc trong năm nay.
Niềm hân hoan đón xuân trên thế giới
Cùng với không khí lễ hội đầy hoan hỉ tại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Macao và Đài Loan, lễ hội cũng được tổ chức ở Hàn Quốc và giữa các cộng đồng Hoa kiều lớn ở các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Ở các quốc gia này, người dân cũng đón mừng lễ hội xuân và cầu chúc may mắn cho một năm mới đầy niềm vui, sức khỏe và thành công.
Mặt khác, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều địa danh nổi tiếng trên thế giới cũng đã chiếu lên những biểu tượng và diễn ra một số sự kiện lớn để chào mừng Tết Nguyên đán hay lễ hội mùa xuân. Theo đó, Từ tòa nhà Empire State ở New York, tháp Tokyo ở Thủ đô Nhật Bản, nhà hát Opera Sydney ở Úc và nhiều địa danh nổi tiếng khác cho đến các khu phố Tàu trên khắp thế giới, nhiều tòa nhà và khu phố đã được thắp đèn đỏ hoặc trang trí các biểu tượng lễ hội xuân như đèn lồng đỏ, câu đối đỏ, hoa quả đủ sắc đủ vẻ, tạo nên không khí lễ hội vui tươi.
Đơn cử, vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán, tại Quảng trường Trafalgar của London (Anh) trình chiếu một câu chúc bằng tiếng Quan thoại để chúc mọi người một Tết Nguyên đán vui vẻ. Tại đây cũng trưng bày một đèn lồng hình con thỏ - biểu tượng của Tết Nguyên đán Trung Quốc kể từ giữa tháng 1/2023. Bên cạnh đó, ký tự “fu”, có nghĩa là may mắn trong tiếng Trung, được chiếu lên Mole Antonelliana, tòa nhà nổi tiếng ở Turin (Ý). Một số điểm tham quan nổi tiếng và các đường phố chính ở Sydney được trưng bày các tác phẩm nghệ thuật do các họa sĩ thiết kế để chào mừng lễ hội.
Từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2, khu phố Tàu trên đường Yaowarat ở Bangkok, Thái Lan được trang trí bằng đèn, nổi bật với đường hầm ánh sáng dài 45 mét và những chiếc đèn lồng đủ kiểu. Cũng trong không khí lễ hội là thành phố Milan ở phía Bắc nước Ý. Dịp Tết, một bộ phim hoạt hình về Tết Nguyên đán đã được phát trên một màn hình lớn ở Piazza San Babila, một khu vực sầm uất ở trung tâm thành phố. Jungfrau, một khu trượt tuyết nổi tiếng ở Thụy Sĩ, cũng treo đèn lồng Trung Quốc và hệ thống chiếu sáng đặt làm riêng tại Nhà ga Grindelwald để tạo không khí lễ hội.
Không giống như Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á, Nhật Bản từ lâu đã không đón Tết Âm lịch rộng rãi trên toàn quốc mà chỉ đón Tết Dương lịch. Tuy nhiên, người dân địa phương ở các khu phố Tàu lớn ở Nhật, như ở Yokohama, Nagasaki và Kobe vẫn tổ chức lễ, Tết Nguyên đán, mặc dù quy mô nhỏ hơn nhiều. Ở Okinawa, người dân gọi ngày lễ này là Soguwachi và các gia đình cầu nguyện, dâng thức ăn theo mùa cúng Phật. Đáng nói vào thời khắc Giao thừa cũng là thời điểm tòa tháp biểu tượng tại Thủ đô Nhật Bản được thắp sáng, hơn 2.000 quả bóng bay cũng được thả lên bầu trời, gửi đi những lời chúc năm mới tới toàn thế giới. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã gửi video chúc mừng Tết Nguyên đán tới toàn thể người dân, cầu chúc mọi người “vươn cao, vươn xa” trong năm mới con Thỏ - con giáp của năm nay theo quan niệm của Nhật Bản. Tương tự như Tết vào tháng Giêng, các phong tục và nghi lễ được thực hiện để cầu may mắn và thịnh vượng cho năm sắp tới, trong đó cũng có các hoạt động tham gia lễ hội, đi đền chùa,…
Ở một điểm đến khác, khu phố Tàu lâu đời nhất trên thế giới, Binondo ở Manila, là nơi hầu hết người Philippines tổ chức lễ hội năm mới. Cuộc diễu hành của rồng, sử tử và các chương trình sôi động trong tiếng trống và chũm chọe lớn, thu hút rất đông người đến các đường phố tại đây. Theo quan điểm của người Trung Quốc, con rồng được cho là tượng trưng cho sức mạnh, sự may mắn và sức mạnh to lớn. Trong khi đó, sư tử tượng trưng cho sự bảo vệ và tài sản. Những tiếng ồn như tiếng pháo, còi,… là những đặc sản không thể thiếu trong mùa lễ hội đầu năm Âm lịch, tuy nhiên ngày nay nhiều gia đình người Hoa tại Philippines đã chú ý hạn chế những thứ gây ra tiếng ồn lớn, tránh làm ảnh hưởng đến những cộng đồng, khu vực khác.
Mặt khác, cũng có nhiều sự kiện văn hóa và giải trí khác nhau như các buổi hòa nhạc và sự kiện ẩm thực đã được tổ chức tại Hungari, Ethiopia, New Zealand, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp và các nước khác. Đối với nhiều quốc gia, diễu hành múa lân, múa rồng, bắn pháo hoa và phát hành tem cung hoàng đạo đã trở thành hoạt động mang tính biểu tượng trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhìn chung, không khí lễ hội xuân, lễ hội Tết Nguyên đán không chỉ là một đặc sản riêng của một số quốc gia châu Á. Khi những kiều bào xa xứ người Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc,… sống và làm việc tại nước ngoài, họ cũng mang theo, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc họ. Cùng với đó, rất nhiều quốc gia dù không xem Tết Nguyên đán là ngày lễ chính thống của đất nước nhưng cũng gửi tới sự tôn trọng và lời chúc may mắn đối với văn hóa lễ hội đậm chất Á Đông này.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-khi-le-hoi-xuan-tren-the-gioi-post465940.html