Không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, TP về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học.

Văn bản nêu: Để tiếp tục hỗ trợ nhà trường, giáo viên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng:

Phân bố hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Thời khóa biểu cần đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và trong tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng dẫn, tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành thực hiện hiệu quả chương trình.

Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cùng ngày, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng có văn bản thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu sáng 6-10 tại hội nghị xây dựng giáo dục cấp tiểu học năm học 2020-2021.

Theo đó, về chương trình GDPT 2018, ông Hiếu yêu cầu các phòng GD&ĐT phải đặt công tác kiểm tra, giám sát lên hàng đầu. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra nội dung cụ thể, ưu tiên kiểm tra tổ chức dạy học lớp 1 và các điều kiện chuẩn bị cho lớp 2.

Ngoài ra, giáo viên cần căn cứ kế hoạch dạy học của các môn học, hoạt động giáo dục để lưu ý mục tiêu của chương trình là chú trọng hình thành các năng lực đặc thù của môn học bên cạnh các phẩm chất và năng lực chung cho học sinh. Giáo viên phải sử dụng các thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định, sau đó mới đến các thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, lớp học và chuỗi hoạt động dự kiến tổ chức.

Sở cũng yêu cầu giáo viên rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy, khuyến khích giáo viên làm nhật ký giảng dạy ghi nhận những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chương trình để báo cáo với cấp quản lý, sau đó chuyển cho các nhà xuất bản để điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp khi tái bản.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng nói rõ tùy theo mức độ tiếp nhận của học sinh, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối các tiết dạy theo từng giai đoạn, giãn tiến độ thực hiện chương trình và tăng thời lượng tiết dạy để vừa sức với các em, giúp các em dễ dàng tiếp thu, nắm vững bài học.

Ở môn tiếng Việt lớp 1, sở lưu ý giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh, tạo tâm thế nhẹ nhàng để các em tiếp thu bài tốt hơn.

HÀ PHƯỢNG - PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/khong-giao-them-bai-tap-ve-nha-cho-hoc-sinh-lop-1-942398.html