Không còn 'cửa thoát hiểm' cho ông Boris Johnson

'Chú heo được bôi mỡ' - biệt danh từng được cựu Thủ tướng David Cameron gọi ông Boris Johnson - có thể sẽ không còn phù hợp với vị thủ tướng Anh sau ngày 7/7.

Khi một "chú heo được bôi mỡ" (greased piglet), nó sẽ rất khó bị người khác bắt lại. Đây cũng là thuật ngữ chỉ một người có thể vượt qua những tình huống ngặt nghèo.

Ông Boris Johnson được cựu Thủ tướng David Cameron gán cho biệt danh này vào năm 2019, và nó trở nên phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông tại Anh.

Các nhà quan sát nhận xét rằng thuật ngữ này khá phù hợp với Thủ tướng Johnson, người nhiều lần đối mặt với các bê bối hay cáo buộc nói dối, song vẫn có thể vươn lên và lãnh đạo đất nước.

Tuy vậy, biệt danh này sẽ không còn phù hợp sau ngày 7/7, khi Thủ tướng Johnson đã chính thức tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ sau những sóng gió trong chính phủ những ngày qua. Ông cũng sẽ từ chức thủ tướng ngay sau khi đảng chọn ra người kế nhiệm.

Đây dường như là cái kết được báo trước cho ông Johnson, sau những rắc rối ông gặp phải, từ việc tổ chức tiệc trong thời kỳ giãn cách do Covid-19, đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Cuối cùng, làn sóng từ chức của các quan chức chính phủ như giọt nước tràn ly cho nhiệm kỳ của thủ tướng Anh.

Bê bối partygate

Kế từ cuối năm 2021, ông Johnson đã đối mặt với các cáo buộc tổ chức tiệc tại phố Downing trong giai đoạn Anh áp dụng quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Bê bối này được biết đến với tên “partygate”.

Đến tháng 5, một cuộc điều tra nội bộ của quan chức Văn phòng Nội các Sue Gray phát hiện 83 người đã vi phạm nhiều quy tắc khi tham gia các buổi tiệc - bao gồm uống say, gây gổ và phá hoại tài sản.

Cảnh sát London cho biết đã áp dụng 126 án phạt với những người trên vì vi phạm các quy định giãn cách xã hội. Ông Johnson chỉ nhận một án phạt do tổ chức tiệc sinh nhật vào buổi trưa, mặc dù ông cũng xuất hiện tại nhiều buổi tiệc khác.

 Ông Johnson bị cáo buộc đã tổ chức tiệc trong thời kỳ nước Anh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Ảnh: Guardian.

Ông Johnson bị cáo buộc đã tổ chức tiệc trong thời kỳ nước Anh giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Ảnh: Guardian.

Nhưng rõ ràng bê bối partygate đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc của các nghị sĩ và cử tri, khi chính phủ lại phá vỡ những quy định trong bối cảnh đất nước áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.

Ngoài ra, một loạt bê bối về hành vi quấy rối tình dục của các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã gây tổn hại đến hình ảnh ông Johnson.

Tuần trước, nghị sĩ Chris Pincher từ chức phó quản lý kỷ luật đảng tại quốc hội giữa những cáo buộc ông có hành vi quấy rối tình dục. Sau đó, thêm nhiều báo cáo về các hành vi tương tự trong quá khứ của ông Pincher xuất hiện và nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông Johnson lại bổ nhiệm người như vậy.

Bỏ phiếu bất tín nhiệm

Tại Anh, rất khó để phế truất thủ tướng, nhưng không phải là không thể. Điều này phụ thuộc vào đảng cầm quyền tại quốc hội. Đảng đó có thể loại bỏ người lãnh đạo và chọn ra thủ tướng mới mà không cần đợi đến tổng tuyển cử.

Dựa theo quy định của đảng Bảo thủ cầm quyền, các nghị sĩ quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Johnson nếu có 15% nghị sĩ - hiện tại là 54 người - chính thức gửi yêu cầu. Điều này đã xảy ra vào ngày 6/6.

Ông Johnson đã nhận 211 phiếu ủng hộ ông tiếp tục nắm quyền, gần 60% trong số 358 nghị sĩ đảng Bảo thủ, trong khi có 148 người phản đối.

 Sóng gió không ngừng tìm tới ông Johnson trong 3 tháng qua. Ảnh: AP.

Sóng gió không ngừng tìm tới ông Johnson trong 3 tháng qua. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kết quả này thực tế không khả quan như với con số được ghi nhận, do gần một nửa nghị sĩ nắm giữ các chức vụ trong chính phủ sẽ thường ủng hộ ông Johnson, dù lá phiếu của mỗi nghị sĩ không được tiết lộ.

Với các quy định của đảng Bảo thủ hiện tại, ông Johnson sẽ không bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ít nhất một năm kể từ lần bỏ phiếu hôm 6/6. Nhưng đây là luật trong nội bộ đảng, nên về lý thuyết họ có thể đơn giản sửa đổi lại quy định nếu đa số nghị sĩ Bảo thủ muốn loại ông Johnson.

Bắt đầu một kết thúc

Lịch sử đã chứng minh việc sống sót qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tựa như “bắt đầu của một kết thúc”.

Trước đây, hai cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và Theresa May đều phải rời vị trí lãnh đạo một năm sau khi chiến thắng trong lần bỏ phiếu bất tín nhiệm, với tỷ lệ ủng hộ của cả hai bà lúc đó lớn hơn ông Johnson hôm 6/6.

Yếu tố chính khi này đến từ việc liệu các bộ trưởng trong nội các có chống đối nhà lãnh đạo hay không. Hồi kết của nhiệm kỳ bà Thatcher vào năm 1990 đến từ đơn từ chức của Geoffrey Howe, một cựu đồng minh. Trong khi đó, một số lãnh đạo trong nội các bà May đã từ chức, bao gồm ông Boris Johnson, người khi đó từ chức ngoại trưởng vào năm 2018.

 Ông Johnson tuyên bố từ chức hôm 7/7 tại số 10 phố Downing. Ảnh: Telegraph.

Ông Johnson tuyên bố từ chức hôm 7/7 tại số 10 phố Downing. Ảnh: Telegraph.

Vào tối 5/7, dấu hiệu cho hồi kết của nhiệm kỳ ông Johnson bắt đầu khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid từ chức - với lá đơn của hai người chỉ cách nhau vài phút. Đây như những gợn sóng đầu tiên của đợt sóng lớn với hàng chục lá đơn từ chức của các quan chức chính phủ. Đã có hơn 50 người từ chức trước khi phố Downing xác nhận thủ tướng Johnson sẽ không tiếp tục lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Không phải lần nào một bộ trưởng từ chức cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính phủ. Chẳng hạn cựu Thủ tướng John Major vẫn tại vị trong gần 4 năm sau khi Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông khi đó là Norman Lamont từ chức vào năm 1993.

Các quy định trong đảng cho phép nghị sĩ bầu ra nhà lãnh đạo, ngược lại cũng có thể rút lại sự ủng hộ. Các nhà lãnh đạo thường được những nghị sĩ trong đảng kêu gọi từ chức, trước khi có những động thái cứng rắn hơn.

Kịch bản tiếp theo

Sau ngày 7/7, ông Johnson vẫn sẽ giữ chức thủ tướng cho đến khi đảng Bảo thủ chọn ra người kế nhiệm.

Vấn đề nan giải hiện nay là chưa có ứng viên nào thực sự vượt trội, và đảng Bảo thủ vẫn đang ở giữa hai luồng ý kiến sẽ tiếp tục để ông Johnson lãnh đạo cho đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10, hay sẽ tìm kiếm sự thay thế ngay lập tức.

Sau những diễn biến ngày 7/7, một cuộc đua cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng Johnson bắt đầu. Khảo sát của YouGov cùng ngày cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đang nhận nhiều sự ủng hộ hơn các ứng viên như Ngoại trưởng Liz Truss hay cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak.

Ngoài ra, ông Johnson cũng có thể trao lại quyền lãnh đạo cho người khác trước khi đảng chọn ra lãnh đạo mới, chẳng hạn Phó thủ tướng Dominic Raab. Trước đây, ông Raab từng giữ chức thủ tướng tạm quyền khi ông Johnson phải điều trị Covid-19 trong bệnh viện vào năm 2020.

Hàng loạt nghị sĩ đồng thanh hô 'Tạm biệt, Boris' tại Quốc hội Anh Tiếng hô "Tạm biệt" với ông Boris đã vang lên tại cuộc họp của Quốc hội Anh tối 6/7, sau khi hàng chục quan chức từ chức để phản đối Thủ tướng Boris Johnson sau hàng loạt bê bối.

Trần Hoàng

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-con-cua-thoat-hiem-cho-ong-boris-johnson-post1333623.html