Không chấp nhận cán bộ có tư duy nhiệm kỳ

Từ 14 giờ chiều 15-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Xem xét lại vụ Công ty sản xuất phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, báo cáo của Chính phủ thường xuyên lặp lại các từ xử lý, xử lý ngay, xử lý nghiêm, cho thấy Chính phủ rất quyết tâm xử lý các sai phạm. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về xử lý Công ty sản xuất phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai, vì Viện KSND tỉnh Đồng Nai vừa qua phê chuẩn quyết định của Công an tỉnh Đồng Nai đình chỉ điều tra vụ án. “Liệu có nên giao cho Công an Đồng Nai tiếp tục điều tra vụ việc này hay không?”, ĐB Cương hỏi.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn ĐBQH chiều 15-6-2017. Ảnh: Lã Anh

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, vụ việc này bắt đầu từ năm 2015 khi các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh Đồng Nai phát hiện ra việc Công ty Thuận Phong đóng gói, chiết xuất phân bón có nhiều vi phạm.

Sau đó, vụ việc này đã tiến hành giám định, xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Vì có những vướng mắc với luật, nghị định, thông tư dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau đối với những vấn đề liên quan tới phân bón giả hay không giả. Vì thế cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án và Viện KSND tỉnh này đã phê chuẩn quyết định đó.

Theo Phó Thủ tướng, khi Công an tỉnh Đồng Nai đình chỉ vụ án thì dư luận xã hội không đồng tình, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Phó Thủ tướng, đồng thời là Trưởng Ban 389 quốc gia cũng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật. “Khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, tôi được giao nhiệm vụ và đã chỉ đạo làm nghiêm. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại và có ý kiến với Viện KSND Tối cao chỉ đạo làm lại cho đúng pháp luật”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Viện KSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo Viện KSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án này, bởi Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn nên cơ quan này phải ra quyết định đó làm cơ sở để phục hồi điều tra.

“Còn trong quá trình điều tra vụ án thì Bộ Công an sẽ có trách nhiệm xem xét cán bộ thừa hành nếu có sai phạm”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương tranh luận lại, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về việc có nên giao Công an tỉnh Đồng Nai điều tra vụ việc này nữa không. “Sau khi nghe Phó Thủ tướng trả lời, nhiều cử tri nhắn tin cho tôi đề nghị như vậy”, ĐB Cương nói.

Không chấp nhận cán bộ có tư duy nhiệm kỳ

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng qua chất vấn các Bộ trưởng cho thất để xác định trách nhiệm các Bộ trưởng là rất khó vì còn chồng chéo. Vậy với vai trò chỉ đạo điều hành chung thì Chính phủ có giải pháp nào để đột phá?

Tư duy nhiệm kỳ tồn tại ở các ngành, các địa phương là rất rõ, dẫn tới sự cắt khúc trong đầu tư, khiến đầu tư kém hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo thế nào?

Phó Thủ tướng trả lời, nguyên tắc hoạt động của Chính phủ là phân định rõ quyền hạn giữa Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Điều này căn cứ theo luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, xác định rất rõ trách nhiệm người đứng đầu. Nguyên tắc là bảo đảm không chồng chéo, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì. Chính phủ cũng đã phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng bỏ trống nhiệm vụ và trách nhiệm. “Chính phủ cũng thực hiện tinh thần phân cấp cho địa phương, các bộ ngành không ôm đồm làm thay địa phương mà tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm”, Phó Thủ tướng nói.

"Tư duy nhiệm kỳ có thể nói là rất tinh vi, có thể do lợi ích nhóm, hay động cơ cho nhiệm kỳ tới, hoặc nghĩ hết nhiệm kỳ rồi thì thôi. Vì vậy, đòi hỏi phải tăng cường giám sát, kiểm tra để phát hiện những sai phạm" Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không chấp nhận cán bộ có tư duy nhiệm kỳ. Cán bộ khi thực thi công vụ phải làm đúng chức phận của mình. “Những trường hợp mà ĐBQH nêu là không xứng đáng, cũng có thể do quá trình bầu, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ chưa chính xác, đòi hỏi phải làm đúng quy trình cán bộ để bầu được những cán bộ xứng đáng. Cùng với đó, tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện các sai phạm.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, các dự án nhà nước trước đây được coi là quả đấm thép của nền kinh tế, nhưng nay những quả đấm thép nằm đắp chiếu, nợ công tăng cao khiến người dân từ già tới trẻ đều âu lo.

Chính phủ sẽ hành động như thế nào khi mà những tiêu cực vẫn xảy ra, khiến lòng tin của người dân ngày càng giảm sút, nhất là trước việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc, bổ nhiệm cán bộ là người nhà người thân vừa qua?

Phó Thủ tướng thừa nhận, vừa qua một số địa phương bổ nhiệm người nhà khiến dư luận bất bình. Chính phủ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, nên khi xảy ra các vụ việc đó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, rà soát. Qua kiểm tra ở 11 địa phương đã phát hiện những trường hợp sai phạm, Thủ tướng đã yêu cầu xử lý nghiêm. Cùng với đó, chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này, tối thiểu phải kiểm tra 30% các đơn vị.

Cao tốc Trung Lương-Cần Thơ sẽ hoàn thành trước năm 2020

Giơ biển xin tranh luận, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể quan ngại "không biết dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ bao giờ mới kết thúc". Ông cho rằng, Trung Lương đến Cần Thơ có mật độ xe cao, ùn tắc lớn, đi từ Cần Thơ lên TPHCM có 150 km mà mất tới 3 giờ. Năm 2009 khởi công nhưng cách làm như hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu xếp vốn. "Như vậy thì không biết khi nào mới xong. Trên 32 triệu dân mà chỉ 40 km đường cao tốc. Tôi đề nghị không làm cách này nữa, Chính phủ nên hỗ trợ một phần kinh phí và doanh nghiệp cùng làm", ông Thể nói.

Trả lời tranh luận của ĐB Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng cao tốc Trung Lương-Cần Thơ không biết bao giờ mới xong, Phó Thủ tướng cho biết, đây là dự án BOT, tới đây Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế minh bạch BOT, có vay vốn ngân hàng một phần để hỗ trợ nhưng nhà đầu tư phải có tiềm lực thực sự. Tinh thần là Thủ tướng yêu cầu tìm mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ dự án rất quan trọng này, phấn đấu hoàn thành dự án trước 2020.

Ngắt lời Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự án này không nằm trong dự án đường cao tốc Bắc- Nam tới đây sẽ trình Quốc hội, mà sẽ làm BOT. Vì vậy ĐB Thể mới đề nghị phải ưu tiên dự án này trong nguồn vốn cao tốc Bắc- Nam.

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: Đường cao tốc Trung Lương- Cần Thơ chậm được Bộ trưởng Bộ GT-VT giải thích là do nút thắt cổ chai, nhưng đây có phải là yếu kém của công tác tham mưu, khiến dự án kéo dài, kìm hãm sự phát triển của các dự án trong vùng? Giải pháp nào để khắc phục yếu kém này khi triển khai các dự án khác? Đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng sẽ đưa vào đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam, đây là dự án cũ, nếu đưa vào thì sẽ chậm. Chính phủ tính toán ra sao?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam bổ sung cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, bố trí vốn 5.000 tỷ đồng và phấn đấu hoàn thành trước 2020.

Về hạ tầng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết, đây là vùng trọng điểm của cả nước về nông nghiệp. Hiện còn nhiều dự án còn dở dang, Chính phủ sẽ rà soát, ưu tiên đầu tư theo điều kiện phân bổ vốn. Trong đó dự án cao tốc Trung Lương- Cần Thơ chậm thì Chính phủ cũng đã thấy yếu kém trong công tác tham mưu, làm kìm hãm các dự án khác trong vùng. Nguyên nhân chủ yếu là do thu xếp vốn của Bộ GT-VT, sẽ phải khắc phục. Còn dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải ưu tiên bố trí vốn, vì phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là rất quan trọng.

Chính phủ cũng mòn các địa phương chủ động bố trí vốn, xã hội hóa để làm hạ tầng, không trông chờ vào nguồn lực nhà nước.

Vẫn còn các dự án thua lỗ, thất thoát

ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn, ngoài 12 dự án thua lỗ đã xác định thì đến nay còn nhiêu dự án tương tự. Chính phủ có giải pháp gì để phát hiện và xử lý sớm các dự án? Trách nhiệm của ai?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 15-6-2017.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã công khai, minh bạch về 12 dự án thua lỗ, thất thoát, báo chí đưa tin đầy đủ. Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội nên Phó Thủ tướng không nhắc lại nữa. Nhưng tinh thần sẽ là cơ cấu, sắp xếp lại theo cơ chế thị trường, không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm. Chính phủ cũng đã thành lập ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để tập trung xử lý.

“Còn dự án nào nữa không? Tinh thần là còn, nhưng Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà roát, tự đánh giá và báo cáo Chính phủ. Chính phủ sẽ giải quyết như 12 dự án kia, không dùng ngân sách để trả nợ, xử lý nghiêm sai phạm. Nhưng giải pháp cơ bản là làm sao không còn những dự án này, vì vậy trách nhiệm của các ngành các cấp là phải sắp xếp lại các doanh nghiệp, cơ cấu lại ngành nghề, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các sai phạm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm sai phạm

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, sự thiếu phối hợp chặt chẽ của các tỉnh thành, các bộ ngành đã khiến cho các lĩnh vực kém phát triển, nảy sinh nhiều bất cập. Chính phủ cần thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, có nhạc trưởng, có cơ chế để khắc phục tình trạng họp hành hình thức của các ban chỉ đạo mà hiệu quả không đạt.

Trả lời, Phó Thủ tướng công nhận đây là thực tế. Tới đây, Chính phủ sẽ chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, xử lý những trường hợp không chấp hành tốt trong thực hiện quy chế các ban chỉ đạo liên ngành.

Chính phủ cũng sẽ luật hóa về cơ chế phối hợp liên ngành để tăng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng đồng bào dân tộc, miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước. Giải pháp nào của Chính phủ để đẩy nhanh phát triển khu vực này?

Trả lời chất vấn của ĐB, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thắng lợi 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững (đã bố trí hơn 48.000 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp cho vùng khó khăn, bãi ngang, hải đảo) và xây dựng nông thôn mới với số vốn là 193.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành bố trí vốn cao nhất để hỗ trợ, phát triển cùng đồng bào dân tộc, miền núi. Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ nhất quán quan điểm hỗ trợ tối đa cho đồng bào dân tộc, không để con em đồng bào phải bảo học, không để đồng bào phải thiếu ăn.

Tổ chức lại sản xuất để tránh điệp khúc “được mùa mất giá”

ĐB Đinh Đăng Luận (Yên Bái) chất vấn cho rằng, Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ về cắt giảm, đình nhiều dự án để tránh lạm phát, đến nay vẫn có nhiều dự án bị dừng, rất lãng phí. Giải pháp của Chính phủ?

Về vấn đề này, Phó thủ tướng cho biết, khi có Nghị quyết, các bộ ngành, địa phương rà soát để ưu tiên các dự án cấp bách. Khi luật đầu tư công ra đời, Chính phủ có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Như vậy, các dự án cần thiết, cần đẩy nhanh tiến độ đã được bố trí vốn trong kế hoạch này. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện, nhưng các dự án ở địa phương thì cũng cần nỗ lực kêu gọi đầu tư, tạo ra nhiều nguồn vốn để triển khai nhanh.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho biết dù đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về giải cứu chăn nuôi nhưng ông vẫn muốn chất vấn lãnh đạo Chính phủ. Trong số giải pháp tình thế có giảm số lượng đàn heo nái, giảm tổng đàn. Nhưng cử tri cho rằng, đạt tỷ trọng cao trong chăn nuôi cũng là phấn đấu gian khổ. Nay nếu giảm thì các doanh nghiệp FDI vẫn tăng trưởng và chiếm lĩnh thị trường, chỉ có nông dân là thiệt thòi. Giải pháp nào của Chính phủ để giải cứu người nông dân và doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực chăn nuôi?

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo để có biện pháp xử lý phù hợp. Trách nhiệm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT là quy hoạch phát triển, tổ chức lại sản xuất, tìm đầu ra cho thị trường để phát triển bền vững.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục có trả lời bằng văn bản đầy đủ cho ĐBQH.

ĐB Phan Anh Khoa (Phú Yên) chất vấn nông dân vẫn thiệt thòi vì điệp khúc được mùa mất giá, để khắc phục tình trạng trên, để nông nghiệp phát triển đúng vai trò thì giải pháp của Chính phủ ra sao? Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong quy hoạch, tổ chức lại sản xuất.

Chuyển giáo viên sang hợp đồng: sẽ nghiên cứu kỹ

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) là người đầu tiên chất vấn Phó Thủ tướng. ĐB chất vấn về chủ trương chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng. Tuy Bộ GD-ĐT đã giải trình rõ nhưng cử tri vẫn hoang mang. Quan điểm của Chính phủ ra sao?

Trả lời, Phó Thủ tướng nói, đề xuất bỏ biên chế, viên chức giáo dục, ký hợp đồng với giáo viên là chủ trương tự chủ đơn vị sự nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Là chủ trương nhưng liên quan đến luật công chức, viên chức, nhất là công chức, viên chức ở vùng khó khăn. Chủ trương là viên chức ở các đơn vị sự nghiệp có hợp đồng. Đây là đề xuất của Bộ GD-ĐT, sẽ còn nghiên cứu kỹ. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án về đổi mới các đơn vị sự nghiệp để trình Hội nghị Trung ương tới đây, trong đó có sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Trước khi trả lời chất vấn các ĐBQH, Phó Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ, làm rõ thêm một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm thời gian qua. Đây là lần đầu tiên ông Trương Hòa Bình đăng đàn trên cương vị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2%, thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất trong 9 năm. Xuất khẩu tăng 17,4%... Có trên 50.000 doanh nghiệp được thành lập; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung gần 1,2 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhập siêu đã trên 2,7 tỷ USD…

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, sẽ kiên quyết quan điểm xử lý 12 dự án thua lỗ là không dùng ngân sách để giải quyết.

Chính phủ cũng nhất quán quan điểm không tăng trưởng bằng mọi giá. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Chính phủ đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên. Xử lý nghiêm những vi phạm về bảo vệ rừng. Kiểm soát các hoạt động xả thải. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đề cao trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu, bảo đảm an ninh trật tự, không để lợi dụng kích động gây rối. Đẩy mạnh phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng...

Tại kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận được nhiều nội dung chất vấn, trong đó nổi lên là các dự án nghìn tỷ thua lỗ, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trong việc điều hành để tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Một số chỉ tiêu có liên quan đến tăng trưởng và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% và chất lượng tăng trưởng có đảm bảo.

Tái cơ cấu doanh nghiệp, phát triển các tập đoàn kinh tế đầu tàu tạo tiền đề phát triển chuỗi giá trị... cũng là những nội dung mà ĐBQH kỳ này sẽ chất vấn lãnh đạo Chính phủ.

Bên cạnh đó là những chất vấn về tình trạng, giải pháp để giải quyết bội chi ngân sách nhà nước, nợ công tăng và ở mức cao. Giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát. Hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó. Thêm nữa là giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, có nhiều sai phạm…

Về những vấn đề này, ĐBQH cũng như cử tri, nhân dân cả nước đang muốn được lãnh đạo Chính phủ làm rõ, có thông điệp rõ ràng.

Từ 16h45 đến 17h, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trước đó, 4 Bộ trưởng: Nguyễn Xuân Cường (NN-PTNT), Nguyễn Ngọc Thiện (VH-TT&DL), Nguyễn Thị Kim Tiến (Y tế), Nguyễn Chí Dũng (KH-ĐT) đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/cao-toc-trung-luongcan-tho-se-hoan-thanh-truoc-nam-2020-450438.html