Không bàn lùi

Phát biểu tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương hôm 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Vì sao Thủ tướng lại giao trách nhiệm cho các thành viên Chính phủ phải đưa ra đối sách để thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%? Hiện nền kinh tế của chúng ta bên cạnh thuận lợi thì cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, khách quan và chủ quan.

Khó khăn về phía chủ quan chính là khó khăn từ nội tại, tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống. Đơn cử như vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thời gian qua là một ví dụ điển hình. Bảo chúng ta có đẩy mạnh cải cách không? Câu trả lời là có! Điều này đã được các nhà đầu tư nhìn nhận, câu trả lời sinh động nhất chính là việc ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) FDI chọn Việt Nam là điểm đến để làm ăn trên mảnh đất này. Cố gắng, nỗ lực là vậy, nhưng nói là môi trường cải cách đã thông thoáng thật sự chưa thì câu trả lời vẫn còn là ẩn số.

Ngay tại phiên họp, Thủ tướng phê bình việc cắt giảm điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ chưa có bước tiến thực chất, nhiều điều kiện kiểm tra chuyên ngành còn bất cập, gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN. Bởi nói như Thủ tướng “tình trạng nói hay, làm dở, chuyển lòng vòng, rồi cấp dưới kêu ca, người dân chờ đợi... vẫn còn, cần khắc phục ngay”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận xét việc giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành chưa biến chuyển đáng kể trong quý II. Nghị quyết 02 về cắt giảm điều kiện kinh doanh đưa ra yêu cầu trước ngày 30/6, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, song thực tế, chưa đạt yêu cầu. Lấy ví dụ cụ thể một số điều kiện kiểm tra chuyên ngành đang gây khó khăn cho DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các điều kiện kiểm soát hàm lượng formaldehyde và các amin thơm trong sản phẩm dệt may; quy định cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, làng du lịch...) đã được xếp hạng, gắn sao phải có giấy phép kinh doanh rượu... Những bất cập này đã được kiến nghị sửa nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

Sự chậm trễ trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Rõ ràng có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, thiếu trách nhiệm; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ. Rõ ràng, chính sự quan tâm chưa đủ, sự thiếu sát sao trong điều hành của các bộ, ngành địa phương khiến công cuộc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã bị hạn chế đi phần nào.

Không chỉ đưa ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong một ngày họp ngắn ngủi đã có 15 địa phương phát biểu ý kiến với 76 vấn đề gửi tới Chính phủ về những khó khăn vướng mắc của địa phương mình nhằm tìm những giải pháp căn cơ để gỡ khó cho địa phương mình cũng như góp phần vào thực hiện những mục tiêu chung của nền kinh tế. Rất nhiều kiến nghị nóng để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các vướng mắc liên quan đến đất đai trong quá trình giao đất, đấu thầu đất cho các dự án; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương…. đã được các địa phương kiến nghị tới Chính phủ.

Tiếp nhận những kiến nghị này, Thủ tướng lưu ý Văn phòng Chính phủ ghi chép, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu, việc gì cần Thủ tướng chỉ đạo thì báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, việc gì thuộc Bộ thì giao Bộ xử lý, giải quyết, trả lời cho địa phương với thời hạn cụ thể. Việc gì thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương thì có văn bản đôn đốc, theo dõi, không được để tình trạng ý kiến của địa phương, của các bộ được nghe nhưng không được trả lời. Như vậy, những kiến nghị từ cơ sở sẽ dần được tháo gỡ, những hàng rào cản trở sự phát triển sẽ được khơi thông.

Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình, dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao.
Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, không chỉ là “đạt”, mà phải “phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức” các chỉ tiêu đã được Trung ương và Quốc hội giao, với tinh thần bứt phá và toàn diện. Với tinh thần này chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đạt được mục tiêu đề ra. Bởi, cuối năm ngoái, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,6 - 6,8%, nhưng bằng tinh thần quyết liệt, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng trên (6,8%), thậm chí cao hơn.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/khong-ban-lui-tintuc441235