Khối ngoại mua ròng 2.200 tỷ đồng, VN‑Index vẫn hụt hơi trước ngưỡng 1.385 điểm

Thị trường nhanh chóng giảm nhiệt khi lực bán tăng vọt, kéo VN‑Index giảm điểm và khép lại chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, dù khối ngoại mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng.

Ngay từ những phút khớp lệnh đầu tiên, dòng tiền nội lẫn ngoại cùng dồn về nhóm dẫn dắt giúp VN‑Index bứt lên 1.384 điểm, vùng đỉnh ngắn hạn thiết lập cuối tháng 6/2025.

Thanh khoản sôi động với hơn 10.000 tỷ đồng giải ngân trong giờ đầu khẳng định tâm lý hưng phấn còn hiện diện sau khi chỉ số vừa vượt mốc 1.380 phiên liền trước. Sắc xanh rộng khắp, đặc biệt ở nhóm chứng khoán, ngân hàng và một phần midcap, tạo cảm giác dòng tiền sẵn sàng kích hoạt nhịp tăng tiếp theo.

VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 2 điểm nhưng thị trường phân hóa rất mạnh.

VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 2 điểm nhưng thị trường phân hóa rất mạnh.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, trạng thái cân bằng cung ‑ cầu đảo ngược. Thiếu vắng thông tin hỗ trợ ngắn hạn, khối lượng chốt lời dâng cao ở những cổ phiếu đã tăng nóng, nhất là bất động sản và tiện ích.

Biên độ giảm lan rộng về cuối phiên, kéo VN‑Index trượt 2,63 điểm xuống 1.381,96 điểm. Tỷ lệ giảm 0,19% có vẻ không quá nhiều, nhưng đủ để bào mòn tâm lý “bật phá” khi chỉ số đã hai lần thất bại tại vùng cản 1.385 - 1.390 điểm chỉ trong một tuần.

Chốt ngày, bảng điện ghi nhận 168 mã giảm giá, 146 mã tăng và 53 mã đi ngang; độ rộng thị trường vì vậy nghiêng nhẹ về phía tiêu cực.

Thanh khoản khớp lệnh đạt 33.041 tỷ đồng, cao vượt trung bình 20 phiên gần nhất, cho thấy lực cung không hề yếu. Hơn 1,4 tỷ đơn vị cổ phiếu đổi chủ, trong đó riêng VIX, SSI, SHB đóng góp gần 17% khối lượng thnah khoản trong phiên.

Ở mặt tích cực, nhóm chứng khoán tiếp tục là “nam châm” hút tiền. VIX xuất sắc dẫn thanh khoản với 125 triệu đơn vị, tăng 3,66%; SSI theo sau với 58 triệu cổ phiếu, tăng 0,98%. HCM (+2,20%) cũng góp phần ổn định nhịp thị trường khi nhiều blue‑chip khác lùi bước.

Biên độ tăng mạnh nhất thuộc về nhóm midcap và penny. DTL, TNI, PNC, DLG đều kịch trần sau chuỗi phiên tích lũy, song thanh khoản chỉ ở mức vừa phải, dấu hiệu cho thấy đây vẫn chủ yếu là cuộc chơi của dòng tiền đầu cơ.

Trong bức tranh phân hóa, ba nhóm ngành tiếp tục giữ vai trò “trụ” của thị trường: Ngân hàng, Chứng khoán và Tiện ích năng lượng. Ngân hàng chỉ tăng 0,13% nhưng đóng góp quan trọng nhờ CTG (+1,43%), TPB (+1,1%), EIB (+2,43%) bứt lên, giúp cân bằng sức ép bán ở VCB (-0,17%) và BID (-0,27%).

Chứng khoán tăng 0,48%, tuy nhỏ về phần trăm nhưng lớn về định hướng tâm lý bởi khối này phản chiếu kỳ vọng thanh khoản cao còn duy trì. Ngược lại, nhóm ngành Bất động sản bị phủ màu đỏ với NVL (-1,32%), TCH (-1%), CEO (-1,13%)… ; riêng GVR giảm tới 5,28% khiến cả nhóm mất 0,59% vốn hóa, trở thành lực cản lớn nhất của chỉ số chung.

Về ngoại lực, khối nhà đầu tư nước ngoài tạo ấn tượng khi mua tới 2.276 tỷ đồng. Tín hiệu này đặc biệt đáng chú ý khi phân bổ vào các mã đầu ngành: SSI (+431,6 tỷ đồng), MWG (+294 tỷ đồng), CTG (+147 tỷ đồng), HCM (+133 tỷ đồng), DGC (+112 tỷ đồng).

Dòng vốn mới mang tính chọn lọc, ưu tiên cổ phiếu có nền tảng cơ bản cũng như khả năng hưởng lợi khi Việt Nam tiến gần tới câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoi-ngoai-mua-rong-2-200-ty-dong-vnindex-van-hut-hoi-truoc-nguong-1-385.html