Khơi dậy đam mê lập trình điều khiển rô bốt cho học sinh THCS
– Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những học sinh có niềm đam mê nghiên cứu đối với lĩnh vực rô bốt và lập trình rô bốt, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Cuộc thi lập trình, điều khiển rô bốt THCS cấp tỉnh (tháng 12/2023), qua đó giúp các em có cơ hội tiếp cận và chứng tỏ năng lực của mình ở lĩnh vực robotics.
Là một trong những thí sinh lần đầu được tham gia cuộc thi, em Hoàng Phi Hồng, thành viên đội thi Trường Tiểu học – THCS xã Cường Lợi, thí sinh nhỏ tuổi nhất của đội thi khi mới chỉ học lớp 6 chia sẻ: Đầu năm học này, nhà trường mới thành lập câu lạc bộ rô bốt, em và 5 bạn nữa là những thành viên đầu tiên của câu lạc bộ. Trước đây, em nghĩ rằng tham gia câu lạc bộ chỉ đơn thuần là được tìm hiểu và lắp ráp rô bốt theo các mô hình có sẵn, thế nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, chúng em được thỏa sức sáng tạo ra những con rô bốt mang dấu ấn của riêng mình. Đây là điều khiến em cảm thấy vô cùng thích thú. Trước khi tham dự giải, mỗi chiều thứ 5 hằng tuần, em và các bạn lại đến trường để thầy giáo dạy học lập trình và điều khiển rô bốt thật. Đối với điều khiển rô bốt thật, nhóm em có 2 người, 1 bạn chịu trách nhiệm viết code (mã hóa thông tin và hiển thị sao cho rô bốt có thể đọc và thực hiện lệnh tự động) và em thực hiện hiệu chỉnh trên rô bốt thật, sau khi hoàn thiện mã mới ghép lại để chạy thử… Cứ như vậy lặp đi lặp lại đến khi thành thục. Nhờ đó, khi tham dự giải, đội em đã xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc.
Cùng đam mê với lập trình, điều khiển rô bốt, em Hoàng Mạnh Quân, lớp 8B, trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Tràng Định cho hay: Từ những kiến thức học được, trong các giờ sinh hoạt câu lạc bộ rô bốt của nhà trường, chúng em đã tích cực luyện tập, thực hành trên máy, dùng tất cả các công cụ sẵn có của phần mềm trên nền tảng online, truy cập trang web vr.vex.com để thực hiện bài thi trên sa bàn của VEX IQ – Full Volume. Đặc biệt, sau khi nắm được thể lệ cuộc thi, chúng em đã miệt mài luyện tập, lập trình cho rô bốt ảo di chuyển và gắp khối hộp vào các khu ghi điểm sao cho ghi được nhiều điểm nhất trong thời gian thi đấu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phụ do ban tổ chức đặt ra. Với em, những hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi giúp em cảm thấy tự tin và rất hữu ích khi kết hợp trải nghiệm thực tế với các bài giảng trên lớp.
Theo ghi nhận, các buổi thi đấu đã diễn ra trong không khí sôi nổi, thực sự trở thành cuộc “tranh tài” gay cấn giữa các đội tham gia. Trong đó, các thí sinh trong từng đội thi đã vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) cùng với kỹ năng thiết kế và lập trình rô bốt tìm ra giải pháp thiết thực để giải quyết những tình huống đưa ra cho từng phần thi. Qua đó cho thấy câu lạc bộ STEM rô bốt của các nhà trường đã hoạt động rất hiệu quả, biến “học” thành “hành”, không chỉ ở các trường khu vực thành thị mà cả các trường vùng xa cũng đạt được bước tiến lớn, điều đó được thể hiện rõ nét qua kết quả của cuộc thi.
Ông Hoàng Văn Thao, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh THCS, giúp các em được trải nghiệm, được phát triển bản thân; tạo điều kiện thuận lợi để các em được vận dụng kiến thức học tập vào thực tế; thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các nhà trường. Đặc biệt, cuộc thi sẽ giúp các học sinh cấp THCS có cơ hội tiếp xúc thêm về khoa học, công nghệ; khơi dậy tính sáng tạo, tư duy. Từ đó, truyền thêm đam mê cho thanh thiếu nhi về các bộ môn liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ. Mặc dù mới chỉ là năm đầu tiên tổ chức ở khối THCS nhưng cuộc thi đã đem đến nhiều tín hiệu tích cực với 100% phòng giáo dục và đơn vị có cấp THCS trực thuộc sở đều có các đội dự thi.
Từ những kết quả đạt được và sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh, giáo viên và các nhà trường, mong rằng trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ có thêm các cuộc thi sôi nổi, hấp dẫn để học sinh có cơ hội được thể hiện bản thân và kiến thức đã học được, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng “học đi đôi với hành”, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.