Khoe thành tích của con lên mạng xã hội - lợi ít hại nhiều

Cứ hết năm học, lại đến 'đại hội' khoe thành tích, giấy khen của các con lên mạng xã hội. Bên cạnh tâm lý tự hào với quá trình rèn luyện, 'gặt hái' được những 'trái ngọt' trong học tập của các con, cũng là nỗi bất an khi việc này vô tình làm lộ thông tin cá nhân và tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng phạm tội…

Gây áp lực cho trẻ!

Lướt mạng xã hội những ngày cuối năm học, không khó để bắt gặp những dòng cập nhật, bức ảnh của các phụ huynh chia sẻ về con cái. Từ kỷ niệm suốt chặng đường học tập của con, đến những bức ảnh kỷ yếu cuối cấp, hay giấy khen, bằng khen, thành tích con mới đạt được… Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc “flex” niềm vui, sự tự hào về con cái lên mạng, cũng có nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo ngại rằng, việc này có thể gây áp lực và ảnh hưởng tâm lý đến trẻ em. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc khoe giấy khen có thể tạo ra sự so sánh không cần thiết giữa con trẻ, khiến các em không nhận được giấy khen cảm thấy tự ti, buồn bã.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Đặng Bích Ngọc, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Giấy khen chỉ là thứ tạm thời, công cụ đánh dấu những thành quả của con, kiến thức mới là thứ vĩnh viễn theo con suốt cuộc đời. Những năm qua, con mình đã từng có giấy khen nhưng thay vì đóng khung treo đầy tường hay đăng lên mạng xã hội, mình lại chọn cách cho vào tủ giữ gìn cho mới”.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc khoe thành tích của con có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các trẻ em, tạo ra sự ganh đua, đố kỵ không lành mạnh, từ đó dẫn tới cuộc chạy đua điểm số trong xã hội. Khi cả xã hội chạy theo điểm số, thành tích, thì sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài, tình trạng chạy điểm. “Nhà trường đăng trên trang thông tin nhằm biểu dương thành tích, còn cha mẹ đăng giống như mình đang khoe khoang thành tích của con. Nhiều bậc phụ huynh còn cho con em mình xem và so sánh với con của các bậc phụ huynh khác. Như vậy, việc đăng giấy khen có thể tạo áp lực cho con ở năm học sau và rất dễ xảy ra chuyện so sánh “con nhà người ta”, chị Phan Thị Hải Yến, phụ huynh học sinh quận Nam Từ Liêm nêu quan điểm.

Việc khoe giấy khen, thành tích dễ dẫn đến chuyện so sánh “con nhà người ta"

Việc khoe giấy khen, thành tích dễ dẫn đến chuyện so sánh “con nhà người ta"

Đánh giá về vấn đề này, PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Chuyên gia Xã hội học cho rằng, đăng bài của con lên mạng không có gì là sai nhưng lại có thể vô tình gây áp lực và khiến trẻ bị "bệnh thành tích", có thể làm cho trẻ em cảm thấy áp lực phải luôn đạt thành tích cao để làm hài lòng cha mẹ và được khen ngợi. “Việc khoe con xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, mong muốn được chia sẻ cùng mọi người niềm vui, hoặc muốn thông qua mạng xã hội lưu giữ một dấu mốc, kỷ niệm hay thành tựu đầu đời của trẻ. Thế nhưng, việc khoe thành tích của con công khai trước đông người không hẳn đã tốt. Trái lại, việc này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy cho tâm lý của trẻ”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ lo ngại.

Tiếp tay cho tội phạm

Trong khi đó, theo phân tích của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) (Cục An toàn thông tin), thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe thành tích con mình trên mạng xã hội. Việc đăng tải đầy đủ thành tích của con bao gồm đầy đủ thông tin từ tên tuổi, trường học, ảnh chân dung con… chính là để lộ dữ liệu thông tin của con và bạn bè trong lớp. Đây là điều kiện thuận lợi để những kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu, nghiên cứu kỹ về bị hại và thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin tinh vi…

Phân tích trên góc độ an toàn thông tin, các chuyên gia tội phạm học cho rằng, việc cha mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm mạng, là hành vi gián tiếp tiếp tay cho tội phạm. Kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc, tống tiền hoặc xâm hại trẻ em.

Thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe trên mạng xã hội

Thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe trên mạng xã hội

Trong kỷ nguyên của quyền riêng tư, của AI với những mối nguy về Deepfake, nguy cơ bị thu thập dữ liệu khuôn mặt, việc chia sẻ hình ảnh khuôn mặt trẻ cầm bằng khen với đầy đủ thông tin cá nhân, từ tên - họ, trường - lớp lên mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng. Theo thống kê của cơ quan điều tra, 80% trường hợp bị lừa do chính cá nhân tự lộ thông tin qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con, cùng các loại giấy tờ, giấy khen.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cuộc họp phụ huynh, giáo viên không được phê bình cá nhân học sinh. Điều này nhằm giữ cho trẻ sự riêng tư và tôn trọng, tránh những bình luận tiêu cực nhằm vào trẻ. Ở bậc tiểu học, giáo viên nhận xét để chỉ ra những điểm tốt, điểm chưa tốt cho trẻ. Có thể thấy, tư duy quản lý giáo dục đã từng bước thay đổi theo hướng tránh chạy theo thành tích. Tuy nhiên, tâm lý xã hội vẫn nặng về điểm số và thành tích. Đây là điều cần thay đổi từ chính những việc làm nhỏ như tránh khoe con trên mạng. Điều quan trọng hơn điểm số là giúp trẻ hiểu được giá trị của sự nỗ lực, vươn lên trong học tập.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoe-thanh-tich-cua-con-len-mang-xa-hoi-loi-it-hai-nhieu-post578014.antd