Khoảnh khắc 'Tướng về hưu' làm chao đảo văn đàn

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần 4 năm 1989, khi bước vào giờ nghỉ giải lao, mọi người nháo nhác 'đi xem ông Nguyễn Huy Thiệp là ông nào'.

Từ góc độ lí luận văn học, nhà phê bình La Khắc Hòa cho rằng các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp mang màu sắc thế sự, các nhân vật được trao quyền để tạo nghĩa. Thông qua các nhân vật, Nguyễn Huy Thiệp đã gửi đi nhiều tư tưởng.

Dòng văn thế sự

Trong sự nghiệp sáng tác, bên cạnh các tập truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn được độc giả biến đến với những cuốn tiểu thuyết như Tiểu Long Nữ (1996), Tuổi 20 yêu dấu (2018), Gạ tình lấy điểm (2007)... Mặc dù số lượng tiểu thuyết không nhiều nhưng các tác phẩm này đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Khi nhìn từ một góc độ phê bình, các đặc điểm chung sẽ được bộc lộ rõ nét.

“Đa phần các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là văn thế sự hướng về chuyện tốt xấu, anh hùng tiểu nhân”, nhà phê bình La Khắc Hòa nhận định tại buổi trò chuyện về con người trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp chiều 16/6.

 Nhà phê bình La Khắc Hòa và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện ngày 16/6. Ảnh: Đức Huy.

Nhà phê bình La Khắc Hòa và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại buổi trò chuyện ngày 16/6. Ảnh: Đức Huy.

Cùng đó, ông La Khắc Hòa cũng nhấn mạnh rằng văn chương của Nguyễn Huy Thiệp thực hiện trao quyền tạo nghĩa cho nhân vật chính rất lớn. Mong muốn của người kể, người viết được gửi gắm vào các nhân vật. Động cơ tâm lý ở bên trong giống với bên ngoài, khiến cho lời nói của mỗi nhân vật mang sức nặng lớn hơn.

Chẳng hạn tác phẩm Quỷ ở với người, tác giả đặt ra một câu hỏi, đâu là quỷ, đâu là người để rồi kết luận rằng trong mỗi chúng ta luôn có một con quỷ. Loài người luôn tìm cách để trấn an sự xấu xa này bên trong và hướng tới những thứ tốt đẹp hơn.

Đồng thời, giọng nói trong truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp rất khác so với tiểu thuyết. Tiểu thuyết có nhiều tiếng nói cất lên, “ý nghĩa của chúng được tạo ra giữa các ranh giới khi va siết với nhau”. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp lại thể hiện rất rõ tiếng nói của người kể chuyện.

Nhà phê bình La Khắc Hòa vẫn cho rằng, tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp có yếu tố hậu hiện đại, thể hiện rõ tinh thần phương Đông. Bởi trong các tác phẩm của nhà văn, con người, nhân vật hoàn toàn khác, không còn lại những hình mẫu rập khuôn nữa.

Theo lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đó là con người trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp "phải tự thu xếp lấy mọi thứ, không còn bị quyết định bởi thế lực toàn năng nào nữa".

Người tạo nên bước ngoặt

Là một người chứng kiến và nghiên cứu về quá trình sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, trong ký ức nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tác giả Nguyễn Huy Thiệp hiện lên một cách rất gần gũi.

Ông vẫn nhớ về khoảnh khắc tác phẩm Tướng về hưu đã làm chao đảo cả văn đàn Việt Nam. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư năm 1989, khi bước vào giờ ghỉ giải lao, mọi người nháo nhác muốn đi xem Nguyễn Huy Thiệp là ông nào. Nhưng không một ai hay. Mãi sau này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mới biết rõ được.

Nguyễn Huy Thiệp vốn là thầy giáo dạy Sử, theo sự phân công của đơn vị, ông đã dành 10 năm dạy học ở miền núi. Khi về lại quê hương Thái Nguyên, ông không kiếm được việc làm nên đi vẽ bản đồ cho một công ty thiết bị giáo dục, làm những công việc bình thường. Trong quãng thời gian làm việc tại công ty thiết bị này, ông đã có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học đương thời. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cảm thấy rằng “mình có thể viết được hơn thế”. Điều này đã thôi thúc ông bắt tay vào việc viết lách.

 Tướng về hưu - tác phẩm gây bão văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: NXB Trẻ.

Tướng về hưu - tác phẩm gây bão văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: NXB Trẻ.

Trong tác phẩm Tướng về hưu, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến có ghi rằng: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”. Đối với ông Phạm Xuân Nguyên, lời tựa này còn có một ý nghĩa to lớn bởi người viết biết tác phẩm này sẽ gây ra một tranh cãi quá lớn, “không chúc thuận buồm xuôi gió” là mong mỏi của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến gửi tới tác giả Nguyễn Huy Thiệp có đủ sức mạnh để dấn thân, tạo ra bước ngoặt mới cho văn chương Việt. Điều này đã được ông Phạm Xuân Nguyên công nhận.

Ngoài truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn thử sức với nhiều thể loại văn học khác nhau như tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và bút ký. Dù ở thể loại nào, ông cũng thể hiện được tài năng vượt trội và phong cách viết đặc trưng của mình.

Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thường chứa đựng những triết lý sâu sắc về cuộc sống, sự cô đơn và nỗi đau của con người. Ông không ngần ngại phơi bày những góc khuất, những bất công và thậm chí là sự thô bạo trong xã hội, qua đó tạo nên những tác phẩm đầy sức nặng và ám ảnh.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguyen-huy-thiep-chua-the-thanh-cong-trong-mang-tieu-thuyet-post1481380.html