Khoảng trống thơ thiếu nhi

Mỗi năm, số tuyển tập thơ cho thiếu nhi được phát hành mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không nhiều nhà thơ trẻ mặn mà với sân chơi này.

Hiện nay, có nhiều tuyển tập thơ thiếu nhi được trình bày đẹp mắt với phần tranh minh họa sinh động và công phu, hấp dẫn độc giả nhỏ tuổi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thế nhưng, các ấn phẩm đó chỉ là thứ “rượu cũ bình mới”. Trở đi trở lại, vẫn là các sáng tác quen thuộc của những nhà thơ tên tuổi như: Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Vũ Quần Phương, hay Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ…

Sự xuất hiện của những cái tên mới như: Bảo Ngọc với Gõ cửa nhà trời, Huỳnh Mai Liên và tập thơ Ngày xưa của con, hay mới đây là Hồ Huy Sơn với Những ngọn đèn thơm... đều hiếm hoi như vệt sao băng, thỉnh thoảng lóe lên giữa bầu trời.

Sau nhiều tập thơ bán chạy, được sự quan tâm của độc giả trẻ, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng thử sức mình ở sân chơi mới.Tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ của anh được nhiều độc giả nhí yêu thích. Thế nhưng, chừng đó cái tên vẫn còn quá ít để làm nên một diện mạo mới cho thơ thiếu nhi.

Làm thơ cho trẻ nhỏ, tưởng dễ mà khó

Sáng tác cho thiếu nhi, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với người cầm bút, làm thơ cho trẻ nhỏ, dường như càng khó hơn. Con trẻ không cần những thứ “đao to búa lớn”, nội dung trong các bài thơ thiếu nhi chủ yếu xoay quanh những đề tài quen thuộc như: tình cảm gia đình, tình bạn, những điều thú vị trong cuộc sống hàng ngày…

 Tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ của Nguyễn Phong Việt được phát hành dưới dạng song ngữ. Ảnh: Nhã Nam.

Tập thơ Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ của Nguyễn Phong Việt được phát hành dưới dạng song ngữ. Ảnh: Nhã Nam.

Cái khó ở chỗ, nhà thơ phải diễn đạt như thế nào để độc giả nhỏ tuổi thấy những vần thơ ấy hấp dẫn và gần gũi, nhưng phải đơn giản, dễ thuộc.

Để viết văn hay làm thơ cho thiếu nhi, đều đòi hỏi các tác giả đã trưởng thành phải có khả năng “nhập vai” để viết bằng cảm nhận của một đứa trẻ. Khi làm được điều đó, câu thơ mới tự nhiên, gần gũi, dễ nhớ và dễ thuộc.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã cho rằng: “Đặc điểm ngắn gọn, dễ hiểu,dễ nghe, dễ thuộc là đủ nhưng thực tế không hề đơn giản. Dễ hiểu, dễ nghe, dễ thuộc không có nghĩa là tùy tiện, cẩu thả, dễ dãi, thơ phải giàu chất thơ, sâu sắc về nội dung, giá trị về nghệ thuật”.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Chi nhánh tại TP. HCM của Nhà xuất bản Kim Đồng, người đã tuyển chọn và biên tập nhiều tập thơ thiếu nhi nhận định: "Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà ngay cả trên thế giới, rất hiếm tác giả có thể 'đi đường trường' với thơ thiếu nhi".

Chúng ta may mắn có những nhà thơ tâm huyết với thiếu nhi như: Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải… và họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay, có giá trị.

Hàng trăm bài thơ hay đã đến bầu bạn cùng ta từ những ngày đầu bi bô học nói, đi suốt tuổi hoa niên, thấm vào ký ức ấu thơ, trở thành máu thịt hàng triệu người. Việc những tác phẩm ấy chưa được phổ biến rộng rãi không hẳn là lỗi của các nhà thơ.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng ngoài ngôn ngữ hồn nhiên, trong trẻo, có tính vần điệu, dễ thuộc, sự sáng tạo luôn là thách thức lớn nhất khi sáng tác cho thiếu nhi. Muốn xây dựng dấu ấn cá nhân trên địa hạt này, tác giả không được lặp lại chính mình, càng không nên trở thành cái bóng của người khác.

Để độc giả nhí thuộc và yêu thích một bài thơ, nhất định sáng tác đó phải có “ý thơ” và “tứ thơ”. Với nhà thơ Cao Xuân Sơn, ông sợ nhất những bài thơ “nhạt như nước ốc” ý tứ ngổn ngang, không có sự liên kết. Những bài thơ không có điểm nhấn và nhạt nhòa ấy không thể hấp dẫn được bạn đọc nhỏ tuổi. Ngoài ra, để vần thơ thêm hấp dẫn, những yếu tố như sự dí dỏm và tiếng cười cũng đóng vai trò quan trọng.

Bài toán kinh tế từ các đơn vị phát hành

Các nhà xuất bản và nhiều công ty phát hành sách, không mặn mà với thơ ca vì đây là thể loại kén người đọc và khó bán. Với thơ thiếu nhi, sự lưỡng lự ấy dường như tăng lên gấp bội. Các đơn vị phát hành phải tính toán kỹ lưỡng cũng bởi nhiều lý do.

Muốn có một ấn phẩm thu hút bạn đọc nhí, ngoài thơ hay, cần có phần minh họa đẹp mắt, sinh động. Để có được những bức tranh minh họa hấp dẫn, sống động, chi phí để trả cho họa sĩ không hề nhỏ. Mỗi tập thơ thiếu nhi cần một lượng lớn tranh minh họa, chi phí sản xuất theo đó mà tăng lên.

 Tập thơ Những ngọn đèn thơm của tác giả Hồ Huy Sơn mới được phát hành gần đây. Ảnh: Hồ Huy Sơn.

Tập thơ Những ngọn đèn thơm của tác giả Hồ Huy Sơn mới được phát hành gần đây. Ảnh: Hồ Huy Sơn.

Các tập thơ thiếu nhi thường khá mỏng, nếu để giá bìa cao, sẽ khó thuyết phục phụ huynh mua sách cho con em mình. Trong thị trường sách thiếu nhi, thơ cũng là thể loại khó bán. Nó phải cạnh tranh vất vả với các loại sách tương tác, truyện có tranh minh họa. Vì thế, các đơn vị phát hành không thể in ấn số lượng lớn để giảm giá bán.

Ông Nguyễn Anh Dũng, người sáng lập thương hiệu sách Sbooks, đơn vị vừa phát hành tập thơ thiếu nhi Những ngọn đèn thơm, cho biết: “Khi quyết định phát hành một tập thơ thiếu nhi, chúng tôi không quan tâm quá nhiều tới lợi nhuận. Là một đơn vị phát hành sách, chúng tôi trân trọng tâm huyết của tác giả đối với tác phẩm.

Chúng tôi làm sách thiếu nhi và sách văn học Việt với mong muốn tiếp thêm động lực sáng tác cho các cây viết trẻ và các nhà văn nhà thơ có tình yêu với văn học”.

Thơ thiếu nhi là một lựa chọn nhiều chông gai với cả người sáng tác và các đơn vị phát hành. Để chắp cánh cho những vần thơ trong trẻo ấy bay xa, cần những nỗ lực từ nhiều phía.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoang-trong-tho-thieu-nhi-post1338177.html