Khoảng trống - một bài thơ truyền niềm tin và hy vọng trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch

Khoảng trống khi nào đầy?

Em đi vào vùng dịch

Mẹ và anh thao thức

Thời gian trôi não nề…

Nước mắt lại đầm đìa

Mỗi đêm mẹ tỉnh giấc:

“Ở trong vùng tâm dịch

Có ngày con trở về?”

Bao câu hỏi tái tê:

Thời hành tinh - mặt phẳng

Khoảng trống lại rộng dần?

Ơi kẻ thù giấu mặt!

Hàng triệu người ly biệt

Hàng vạn người lìa xa

Khoảng trống này đâu dễ

Lấp đầy trái tim ta?!

Vì bình yên mọi nhà!

Ta tạm xa, giãn cách

Cuộc chiến vì tử - sinh

Thắng kẻ thù hiểm độc!

Giữa đêm ngày chiến dịch

Em ghìm nén nhớ thương

Cứu mạng người thoát nạn

Thu hẹp khoảng trống lòng!

Sẽ cơ man khoảng trống

Từ đại dịch khoét đào

Còn con người quý nhất

Cùng xóa nhanh thương đau

Cho ngôi nhà trái đất

Rực màu xanh dài lâu…

Hà Nội, những ngày chống dịch Coivd-19

14-4-2020

NGUYỄN HỒNG VINH

Một bài thơ tươi ròng đăng trên Báo Thời Nay (ấn phẩm của Báo Nhân Dân) ngày 16-4-2020 đúng với nghĩa đen “chưa ráo mực” của Nguyễn Hồng Vinh có tên Khoảng trống, nhưng đọc hết, ta lại thấy ấm áp hẳn lên bởi cái tình nồng nàn trong đó. Câu cuối chỉ khép lại câu chữ, nhưng ý tứ thì mở ra, mở ra một không gian hy vọng: “Cho ngôi nhà trái đất/ Rực màu xanh dài lâu...” làm ta thấy yên lòng nhờ được tiếp thêm sức ấm nóng đầy tin tưởng. Bạn đọc sẽ nhẹ nhõm hơn khi được xua đi cái tâm trạng lo âu, khắc khoải, mà bất cứ ai đều có trong những ngày “giãn cách xã hội” này. Câu cuối, nhìn từ cấu trúc, như cái bệ đỡ nâng “ngôi lầu” thơ vững chãi hơn. Từ góc độ “tứ”, nó tỏa sáng, tỏa ấm các hình tượng “khoảng trống” ở trên. Nói về “khoảng trống”, nhưng truyền tới bạn đọc thông điệp về sự mạnh mẽ, gần gũi, liên kết “Cùng xóa nhanh thương đau”.

Hình tượng rất giản dị, đời thường. Lời thơ như kể, như giãi bày. Nhưng nhìn cả hệ thống toàn bài, lại toát rõ sự điêu luyện, công phu. Tứ rất vững. Ý thơ nồng. Cảm xúc dồn nén, chất chứa...

Bộ đội Hóa học khử khuẩn tại phố Trúc Bạch, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Bài thơ sáu khổ, ngắn gọn, đi nhịp năm chữ thuận lợi cho việc “tự sự”. Hai khổ đầu là cảnh, bốn khổ sau là tình, là chiêm nghiệm, là triết lý. Có ba nhân vật: Anh, người mẹ và em. “Em” hoàn toàn vắng mặt, nhưng lại là nhân vật chính. “Em” đang góp phần lấp dần những “khoảng trống” vô hình kia. “Em” vắng nên chỉ được “giới thiệu” qua lời của “anh”: “Em đi vào vùng dịch”. Các từ láy được dùng đúng chỗ, rất đắt: “Thao thức”, “não nề”, “đầm đìa”, “tái tê”, vừa diễn tả cái tâm trạng đầy lo âu thắc thỏm của người thân, vừa diễn tả cái “bối cảnh” xã hội chung khi “đại dịch” đang hoành hành.

Bài thơ có giá trị ở phương diện tu từ. Có sáu khổ, nhưng hai chữ “khoảng trống” được nhắc lại tới 5 lần. Các câu hỏi như xoáy vào người đọc: “Khoảng trống khi nào đầy?”, “Có ngày con trở về?”, “Khoảng trống lại rộng dần?”, “Lấp đầy trái tim ta?”. Câu hỏi của người mẹ đầy dự cảm, lo âu: “Có ngày con trở về?”, nhưng có ý nghĩa phổ quát, trở thành câu hỏi chung của tất cả mọi người, của cả nhân loại đang hồi hộp: Liệu đại dịch này còn cướp đi bao sinh mạng nữa?

Đại tá Đỗ Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập và đoàn công tác của Báo Quân đội nhân dân trao vật tư y tế tặng đại diện chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: qdnd.vn

Tên bài thơ hay, ý nghĩa, thời sự, mang tính ám ảnh. Mở đầu là câu hỏi “Khoảng trống khi nào đầy?”, chứa đựng sự băn khoăn, lo lắng. Đây là câu hỏi chung và cũng là tâm trạng chung, nỗi lòng chung. Có thể khẳng định bài thơ đã tiếp cận với cái mẫu số chung của nhân loại trong những ngày âu lo này: Làm thế nào đây để đẩy lui đại dịch? Những con virus vô hình, nhưng chúng lại có sức mạnh khủng khiếp, đang khoét cơ man “khoảng trống” vào sự sống nhân loại, vào niềm tin tương lai, đặc biệt khoét những nỗi đau trong trái tim mỗi người, mà qua thời gian đâu dễ nguôi ngoai?!

Nhưng chính sức óc và trí tuệ con người đang hiệp lực đẩy lui kẻ thù giấu mặt này! Các dân tộc, các quốc gia đã và đang liên kết lấp đầy các “khoảng trống” này, trước hết về kinh tế. Bài thơ truyền niềm tin vào sức mạnh của nhân dân Việt Nam gắn kết với sức mạnh nhân loại, nhất định chúng ta sẽ vực dậy nền kinh tế-xã hội và nhiều lĩnh vực khác - như chúng ta đã hồi sinh sự sống cho hàng trăm người nhiễm dịch!

Cảm ơn tác giả bài thơ đã nói thay suy nghĩ và hành động của nhiều cộng đồng, doanh nghiệp, địa phương, đơn vị... trong cả nước đang thể hiện ý chí và bản lĩnh sáng tạo của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, đang vừa chống dịch, vừa khẩn trương ổn định đời sống và nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế của đất nước.

Kết bài thơ là điều khẳng định và cũng là niềm tin của mỗi chúng ta: “Ngôi nhà” trên hành tinh này nhất định sẽ bình yên; và trái đất này nhất định sẽ rực màu xanh sự sống!.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/khoang-trong-mot-bai-tho-truyen-niem-tin-va-hy-vong-trong-cuoc-chien-day-lui-dai-dich-615539